(ĐĐK) – Dư luận đang “dậy sóng” vì cách đây vài ngày, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra lời khuyên đối với người gửi tiền rằng, nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi của các cá thể có giao dịch với các “nhà băng”. Phát biểu này là do sau hàng loạt phi vụ tiền gửi của người dân bỗng dưng biến mất trong tài khoản, trong sổ tiết kiệm được “trao gửi niềm tin” ở các ngân hàng.
Chính lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đều có văn bản yêu cầu phía các ngân hàng thương mại phối hợp với khách hàng và cơ quan khác để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngân hàng luôn bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm, cho vay với quy trình chặt chẽ và buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây khách gửi tiền tại ngân hàng liên tục phản ánh tiền trong tài khoản “bỗng dưng bốc hơi”, điển hình nhất là vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng khi gửi tại Eximbank. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay bà Chu Thị Bình mở 3 sổ tiết kiệm tại Eximbank với tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng (trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng). Bỗng dưng đến một ngày “đẹp trời”, phía Eximbank lạnh lùng thông báo, tài khoản bà Bình đã bị “bốc hơi” mất 245 tỷ đồng (!?)
Cũng trong thời gian 2 năm trở lại đây, những rủi ro mất tiền của người gửi xảy ra thường xuyên ở rất nhiều các ngân hàng lớn nhỏ. Hàng loạt cách tiền bốc hơi trong giao dịch qua ATM và E-banking thời gian qua đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo cấp thiết. Thực tế, công việc bảo mật đang được các ngân hàng đặc biệt quan tâm như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy tính và triển khai nhập mã an toàn khi đăng nhập trang Internet Banking… Hầu hết hệ thống ATM của các ngân hàng hiện nay đều gắn camera nhận diện các đối tượng rút tiền, hay giao dịch E-banking đòi hỏi phải xác thực 2 lần qua các thẻ/khóa/SMS cung cấp mã xác thực. Thế nhưng vẫn xuất hiện một số trường hợp “một đi không trở lại” mà chẳng rõ nguyên nhân?
Sau tình trạng mất tiền của khách hàng, NHNN cũng đã chính thức có hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Trong đó nhấn mạnh đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch. Phía các ngân hàng thương mại, lại loanh quanh đổ lỗi kiểu như những “scandal” mất tiền thực ra một phần là do khách hàng không cẩn thận như thực hiện ký khống, ủy quyền, phần nữa là do chi nhánh ngân hàng thực hiện sai quy trình nghiệp vụ. Nhìn lại các vụ mất tiền trong tài khoản, trong sổ tiết kiệm, phần lớn các ngân hàng đều đùn đẩy trách nhiệm “ủn” sự rủi ro về phía khách hàng hoặc dây dưa, chậm giải quyết khiếu nại của người gửi tiền.
Việc nâng cao tính bảo mật trong hệ thống ngân hàng là cần thiết. Dù các chuyên gia cũng khẳng định là khách hàng có thể khiếu kiện ngân hàng để được giải quyết và đòi quyền lợi. Song điều mà dư luận quan tâm nhất vẫn là thái độ và tinh thần trách nhiệm của ngân hàng mỗi khi xảy ra sự cố về tài khoản khách hàng. Và thông thường, các ngân hàng cũng phải tuân theo quy trình thời gian để giải quyết. Đầu tiên là tra soát, xác định nguyên nhân lỗi về bên nào để đưa ra phương án xử lý. Có nghĩa là “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Do vậy, trước khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hứa bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền thì, bản thân các ngân hàng cũng phải siết chặt quy trình, nâng cao ý thức, trình độ của nhân viên, bởi một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khách hàng mất tiền thời gian qua là do nhân viên ngân hàng làm sai quy trình, hoặc lợi dụng chức vụ, lợi dụng sự dễ dãi của khách hàng, dụ khách hàng ký khống để lừa đảo, chiếm đoạt.
Theo các chuyên gia, khi xảy ra các sự cố mất tiền, càng để lâu khách hàng càng mất niềm tin. Sau đó nguy hiểm hơn là bản thân các ngân hàng cũng bị mất uy tín và những ảnh hưởng đến thương hiệu sau này khó mà đong đếm được. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Luật ANVI, cho rằng: “Điều nguy hiểm hơn là niềm tin vào hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Đó mới là tổn thất thực sự cho cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng gì ngân hàng bị thiệt hại”.
Thúy Hằng
—————————
Đại đoàn kết (Góc nhìn) 06-4-2018:
http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/cho-duoc-va-thi-ma-da-sung-tintuc400054
(51/941)