307. Bình luận Đề tài cấp bộ: Các khía cạnh pháp lý của tiền ảo: Thực tiễn các nước và một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC trình bày tại Hội đồng nghiệm thu Bộ Tư pháp.

  

1. Nhận xét chung về Đề tài:

1.1. Đề tài nghiên cứu khá công phu, về cơ bản là thành công, đạt yêu cầu khá tốt.

1.2. Qua gần 900 trang tài liệu của Đề tài cho thấy: Việc phát hành, đào, mua bán, trao đổi, thanh toán tiền ảo khá sôi động. Tuy nhiên, tiền ảo không phải là tiền, cũng không phải là tài sản. Vì vậy dẫn đến hệ quả pháp lý: Giao dịch tiền ảo không có cơ sở pháp luật. Kinh doanh tiền ảo không phải nộp thuế. Tranh chấp tiền ảo không được giải quyết. Thừa kế tiền ảo không được chấp nhận. Trộm cắp, lừa đảo tiền ảo không có tội. Tuy nhiên, việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán thì lạibị xử phạt vi phạm hành chính và tội phạm hình sự.

1.3. Cần phải giải quyết những vấn đề trên trong khuôn khổ pháp lý hiện hành thì Đề tài này mới thực sự có tác dụng thực tế và cần thiết. Cứ cho là chưa có quy định rõ ràng về việc tiền ảo là tài sản, thì vẫn có thể áp dụng quy định tại Điều 6 về “Áp dụng tương tự pháp luật”, Bộ luật Dân sự năm 2015.Là hai nửa của một vấn đề, nửa này thì pháp luật dân sự, kinh doanh từ chối, nửa kia thì pháp luật hành chính và hình sự lại thừa nhận.

2. Tiền ảo không phải là tiền:

2.1. Không có nước nào công nhận tiền ảo là tiền. Vì vậy Đề tài viết: “Trên thế giới đã có một số quốc gia công nhận và có cơ sở pháp lý điều chỉnh về tiền ảo” (trang 5) là không rõ ràng, thiếu chính xác.

2.2. Cần phải viết là, có một số quốc gia công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, công cụ thanh toán.

2.3. Đề tài kiến nghị: “Chưa nên công nhận tiền ảo là tiền hay phương tiện thanh toán”:

Thứ nhất, cần khẳng định, không công nhận chứ không phải là “chưa nên công nhận” tiền ảo là tiền và ngoại hối;

Thứ hai, cần kiến nghị xem xét công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán trong một số trường hợp và phạm vi nhất định, ít nhất là không xem đó là tội phạm hình sự.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài 6 phương tiện thanh toán truyền thống là tiền mặt và 5 phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu và ủy nhiệm thu, những năm gần đây nhờ công nghệ thông tin nên đã có thêm 2 loại phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới là thẻ ngân hàng (loại trả trước) và ví điện tử[1].

Trong số 8 phương tiện thanh toán nêu trên, riêng đối với tiền mặt thì duy nhất do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Đối với các phương tiện thanh toán còn lại thì có thể do Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các tổ chức trung gian thanh toán hoặc doanh nghiệp phát hành[2].

Chưa kể nhiều loại thẻ mua hàng hoá, dịch vụ khác, tuy không được thừa nhận chính thức là phương tiện thanh toán, nhưng thực chất đang đóng vai trò là phương tiện thanh toán trong một phạm vi, cộng đồng nhất định.

3. Tiền ảo là tài sản:

3.1. Trang 42 của Đề tài viết: “Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có bất cứ ghi nhận chính thức nào thể hiện sự công nhận tiền ảo là một loại tài sản. Do đó, ở Việt Nam hiện nay, tiền ảo không phải là tài sản”.Tương tự là viết ở trang 67 – 68. Đồng thời Đề tài cũng kiến nghị pháp luật cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản khác (ý là loại tài sản thứ 5 ngoài 4 loại tài sản hiện hành) (trang 186).

3.2. Tiền ảo là tài sản hay không, là không phụ thuộc vào quy định cụ thể, mà buộc phải xếp vào 1 trong số 4 loại tài sản trong Bộ luật Dân sự: Tiền, vật, giấy tờ có giá & quyền tài sản. Vì vậy, tiền ảo là quyền tài sản, cụ thể nữa là quyền tài sản khác. Nhiệm vụ của Đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý là tìm ra vị trí thích hợp nhất của tiền ảo trong số 4 loại tài sản hiện nay. Không thể và cũng không cần chờ pháp luật định nghĩa hay quy định tiền ảo là một loại tài sản thứ 5. Chính trang 3 của Đề tài viết: “trên thực tế việc trao đổi, mua bán tài sản, dịch vụ bằng tiền ảo vấn diễn ra hằng ngày, không ngừng phát triển và là một thực tế khách quan”.

3.3. Không cần phải được bộ nào, văn bản quy phạm pháp luật nào coi tiền ảo là tiền, hàng hoá hay tài sản gì đó thì nó mới là tài sản.Giao dịch mua bán, trao đổi không trái pháp luật thì việc thu thuế là hợp pháp. Nếu coi tiền ảo là tiền hoặc việc mua bán là phạm pháp thì mới không thu thuế.

3.4. Bộ Tài chính đã xác định tiền ảo là tài sản: Khoản 2, Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01-4-2016 của Bộ Tài chính V/v Hướng dẫn quản lý thuế đối với hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số” đã giải thích như sau:

“Người sở hữu tiền kỹ thuật số có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên thuộc “quyền tài sản” theo Điều 181 Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11. Do vậy, tiền kỹ thuật số là “tài sản” theo Điều 163 Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11, là tài sản “động sản” theo Điều 174 Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11 và là “hàng hoá” động sản theo Điều 3 Luật Thương mại số 36/2005/QH11;

Hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua, bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại.

Tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 3 (không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 5) Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12;

Cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng nộp thuế TNCN theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12;

Doanh nghiệp kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng phải nộp thuế TNDN theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế TNDN số: 14/2008/QH12”.

Việc ngày 21-9-2017, TAND tỉnh Bến Tre phán quyết không công nhận việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh tiền ảo không đồng nghĩa với việc khẳng định tiền ảo không phải là tài sản. Hơn nữa đây không phải là một án lệ.

3.5. Ngân hàng Nhà nước, tại một số văn bản như Thông cáo báo chí ngày 22-7-2014, Công văn số 5747/NHNN-PCngày 21-7-2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam V/v “Trả lời kiến nghị của ông Vũ Thái Hà về việc thiết kế trung tâm máy tính Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo” và Thông báo ngày 28-10-2017, đã giải thích: Tiền ảo là một loại tài sản, hàng và không phải là một phương tiện thanh toán. Nếu phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ vi phạm pháp luật hành chính và hình sự.

3.6. Bộ Công thương, tại Công văn số 1402/BCT-ĐTĐL ngày 22-02-2018 V/v “Hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo” cũng đã gián tiếp thừa nhận tiền ảo là một loại tài sản.

3.7. Nước tự nhiên hay không khí thiên nhiên cũng được coi là tài nguyên, tức là tài sản, thậm chí khi đóng chai không khí thiên nhiên để bán thì còn là hàng hoá.

3.8. Vì vậy, tiền ảo chưa được công nhận là hàng hoá (thậm chí bất động sản cũng chưa được công nhận là hàng hoá theo Luật Thương mại hiện hành năm 2005), nhưng đương nhiên là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

4. Hành vi vi phạm liên quan đến tiền ảo:

4.1. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật hành chính và có thể bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng theo quy định tại điểm d, khoản 6, Điều 27 về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”, 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” : “d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

4.2. Nếu phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng thì có thể phạm tội theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206 về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

4.3. Vậy, phân biệt thế nào sự khác nhau giữa các hành vi hợp pháp là trao đổi giữa các loại tiền ảo với nhau; trao đổi tiền ảo với các loại hàng hoá, tài sản khác; tạo ra, cung cấp và sử dụng tiền ảo để trao đổi với các hàng hoá, tài sản khác; với các hành vi bất hợp pháp là phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán; mua bán hàng hoá, tài sản bằng tiền ảo?

4.4. Phát hành tiền ảo (ICO) để bán & cam kết lợi nhuận cao thì có phạm pháp không?

4.5. Chưa làm rõ trường hợp nào phạm pháp để pháp nhân, cá nhân phòng tránh và xử lý vi phạm.

——————

Dự kiến hỏi Ban chủ nhiệm Đề tài:

  1. Trang 3 nhắc đến“Sàn giao dịch Bitcoin Việt Nam” là gì, hoạt động hợp pháp hay bất hợp pháp?
  2. Phân biệt thế nào giữa việc dùng tiền ảo trao đổi với tài sản khác và dùng làm phương tiện thanh toán?
  3. Đề xuất quy định tiền ảo là một loại tài sản mới. Vậy thì cần gọi tên loại tài sản này là gì?
  4. Nếu vài hôm nữa Toà án Hà Nội xử ngược với Toà Bến Tre thì sao?

——————-

Ý kiến của Hội đồng

(Thành lập theo Quyết định số 2177/QĐ-BTP ngày 13-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp):

  1. Phản biện 1: TS Phan Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ PL Dân – Kinh:
  • Xem lại khái niệm tiền ảo chưa chính xác.
  • Đề tài khẳng định Tiền ảo không phải là tài sản là không chính xác.
  • Việc khẳng định không có cơ sở pháp lý đánh thuế là không chính xác.
  • Kiến nghị đưa ra mang tính chung chung. Không quản lý được tiền đào, nhưng quản lý dược ICO, sàn giao dịch.
  • Có một số điểm phân tích không chính xác, như giao dịch không được pháp luật bảo vệ.
  1. Phản biện 2: TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện KHPL:
  • Tiền ảo là tài sản là điểu không tranh luận, chỉ có là tiền tệ, hàng hoá hay không và giao dịch nào hợp pháp, giao dịch nào không hợp pháp.
  • Công nhận Bản án của Toà Bến Tre hợp lý là hơi dễ dãi.
  • Không chỉ ra văn bản nào cần sửa đổi, bổ sung.
  1. Uỷ viên PGS, TS Dương Đăng Huệ:
  • Tại sao các nước không công nhận là đồng tiền? Tại sao một số nước lại công nhận là phương tiện thanh toán? Cần nêu những yếu tố ảnh hưởng đến chinh sách của từng nước.
  • Kiến nghị công nhận tiền ảo là tài sản thì hệ quả pháp lý thế nào và giải pháp quản lý ra sao?
  1. Uỷ viên ThS Tạ Quang Đôn, Vụ phó Pháp chế NHNN:
  2. Luật sư Trương Thanh Đức: Như trên.
  3. TS Nguyễn Khắc Hải:
  4. Chủ tịch, TS Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng:
  • Phân biệt tiền ảo với tiền mã hoá?
  • Các nước xử lý loại tài sản mới như thế nào?
  1. Ban chủ nhiệm Đề tài trả lời 6 câu hỏi:
  • Không phải vật, không phải quyền tài sản.
  • Nếu có bản án xử khác thì chỉ đồng tình với 1.

Hà Nội 14-8-2018

[1]     Luật sư Trương Thanh Đức – “Tiền ảo và tiền điện tử” – Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-6-2018.

[2]     Luật sư Trương Thanh Đức – “Tiền ảo và tiền điện tử” Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28-6-2018.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,980