(NCĐT) – Phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức Trưởng Ban Thư ký HĐQT Maritime Bank
Anh cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã đến lúc cần cho phép khuyến khích đầu tư gián tiếp ra nước ngoài chưa? Vì sao?
Trước đây, Việt Nam luôn khuyến khích việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đến nay nền kinh tế của nước ta đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, do vậy đã bước sang một nấc thang mới: Xuất hiện nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, trong đó có cả đầu tư gián tiếp. Đây là một nhu cầu hợp lý và chính đáng, là một trong những quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cá nhân. Mục tiêu của Nhà đầu tư không gì khác là lợi nhuận. Với mục tiêu này, thì đất nước cũng có lợi, cả về kinh tế cũng như uy tín. Vì vậy, không có lý do gì mà Pháp luật lại không khuyến khích việc đầu tư này.
Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sẽ tác động gì đến nền kinh tế của Việt Nam?
Giao lưu kinh tế phong phú, đa dạng sẽ mang lại lợi ích tối đa. Nếu một hình thức nào đó đã được nhà đầu tư lựa chọn, thì đó là điều cần thiết và có lý đối với họ. Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh hơn, toàn diện hơn vào hoạt động kinh tế thế giới cũng như quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước.
Những hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài ‘lách luật” lâu nay ra sao?
Khi nhìn thấy hoạt động mang lại lợi ích không trái pháp luật, nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách xúc tiến. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa tạo điều kiện thuận lợi để họ hành xử công khai, thì họ đành “lách luật” trong một giới hạn có thể. Tiền vẫn chuyển ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp (thậm chí cả con đường không hoàn toàn hợp pháp) dưới các hình thức như sử dụng thẻ tín dụng, chuyển tiền qua ngân hàng cho thân nhân, chuyển tiền qua kênh tư nhân (chỉ trên giấy tờ, mà không phải chuyển tiền trên thực tế, giống như kiểu tiền kiều hối về nước).
Năm 2006 anh có viết phân tích về: Dự thảo thông tư Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Người cư trú là tổ chức, cá nhân, trong đó có phần: “Giới hạn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trong một năm” (điểm 6) của tổ chức kinh tế không quá 1 triệu USD, của cá nhân không quá 100.000 USD, cũng là một rào cản không có cơ sở pháp lý, là một quy định không hợp lý. Nếu cần thiết có giới hạn này, thì cần ban hành Nghị định của Chính phủ. Xin anh cho phân tích sâu hơn.
Giới hạn mà Dự thảo Thông tư nói trên đưa ra không có một cơ sở pháp lý và thực tế nào. Nếu công nhận đó là một loại hình đầu tư hợp pháp, thì không thể đặt ra giới hạn. Đó là việc của các nhà đầu tư. Nhà nước có thể đặt ra các cơ chế khác nhau đối với loại hình và giá trị đầu tư để kiếm soát nền kinh tế. Ví dụ đặt ra mức thuế và thủ tục cấp phép để khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư. Tuy nhiên, đó là những giới hạn rất quan trọng, cần phải được Quốc hội quy định trong các đạo luật hoặc do Chính phủ quyết định hay cho phép, chứ một bộ, ngành không thể đặt ra những kiểu “giấy phép con” để giải quyết vấn đề “đại sự quốc gia” như vậy.
————–
Nhịp cầu Đầu tư ngày 25-2-2008
(680/680)