006. Doanh nhân tham gia xây dựng chính sách: Mờ nhạt

(DĐDN) – Việc doanh nhân tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh là đòi hỏi khách quan. Nhưng trên thực tế, vai trò của họ trong công tác này vẫn rất mờ nhạt. Doanh nhân đã trao đổi về vấn đề này với đại diện các doanh nghiệp và cơ quan xây dựng pháp luật.

* Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Với tư cách là đại diện doanh nghiệp, ông đã tham gia nhiều cuộc “lấy ý kiến” dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, điều gì được và chưa được tại những cuộc lấy ý kiến này?

Điều được là các cơ quan soạn thảo chịu khó lấy ý kiến và rất quan tâm đến ý kiến của các doanh nghiệp do thực tế đã xảy ra quá nhiều vướng mắc. Điều chưa được là người lấy ý kiến chỉ muốn doanh nghiệp lobby cho dự thảo mà không muốn mổ xẻ, bác bỏ nó. Vẫn còn không ít cuộc tổ chức qua loa, đại khái để hoàn tất thủ tục. Còn quá nhiều vấn đề “ngả nghiêng” trước những ý kiến thấu tình, đạt lý, nhưng vẫn đứng trơ trơ trong văn bản chính thức!

Vậy thái độ của những nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp khi tiếp nhận những ý kiến phản hồi thì sao, thưa ông?

Chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức tán đồng và thông cảm mà thôi. Họ không có đủ thời gian, điều kiện và đặc biệt là kỹ năng để chuyển hoá vào văn bản. Mọi cái đều có vẻ công khai, rõ ràng và cởi mở, nhưng dường như kết quả vẫn lực bất tòng tâm, không mấy chuyển biến.

Ông có kiến nghị gì đối với quá trình xây dựng chính sách tại Việt Nam nói chung và việc lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nói riêng?

Cơ chế lấy và tập hợp ý kiến tham gia còn hình thức, kém hiệu quả. Dường như cơ quan xây dựng pháp luật mới chỉ quan tâm đến ý kiến tại công văn và hội nghị góp ý, mà bỏ quên vô vàn ý kiến xác đáng trên báo chí trong nhiều năm. Chính sách ban hành ra là vì cuộc sống, vậy thì phải đưa được cuộc sống thực tế vào chính sách. Phải thay đổi nếu như tất cả đều phản ứng. Phải xử lý tất cả các ý kiến, bất luận cho đó là hay dở, đúng sai. Đã có ý kiến thì phải trân trọng tiếp thu, nếu không sửa về nội dung, thì ít nhất cũng về từ ngữ, câu chữ. Đặc biệt cần khuyến khích ý kiến phản biện của các chuyên gia pháp lý và chuyên môn. Nếu một văn bản không đứng vững được trước những ý kiến trái chiều, thì nó sẽ sớm bị cuộc sống quật ngã.

 

* Lương Ngọc Phi – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thanh Phong (Thái Bình)

Được mời tham gia góp ý xây dựng Luật Bồi thường Nhà nước, ông có thấy ý kiến của mình được tiếp thu đúng mức?

Việc lấy ý kiến của doanh nghiệp đã được ban soạn thảo Luật này rất quan tâm, nhưng tôi cũng không rõ nội dung bồi thường công bằng giữa Nhà nước với doanh nghiệp (cho những thiệt hại do công chức Nhà nước gây ra) có được bổ sung vào đạo luật không.

Ngày 17/3/2003 Nghị quyết 388/UBTVQH 11 bồi thường thiệt hại đối với người bị oan do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra. Tôi là người bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi tới các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình từ ngày 22/8/2004, với số tiền yêu cầu bồi thường hơn 35 tỷ đồng. Nhưng từ đó đến nay, ngày 16/6/2006 Toà án Nhân dân Tỉnh Thái Bình thay mặt các cơ quan tố tụng Tỉnh Thái Bình mới có lời xin lỗi công khai. Còn toàn bộ thiệt hại về vật chất, tài sản chưa cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi và đến nay rơi vào bế tắc.

Từ trường hợp của chính mình, ông cho rằng dự thảo luật này nên có quy định gì để đảm bảo tính hợp lý và khả thi?

Tôi cho rằng, đối với người bị oan sai do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra, Luật cần phải xác định lỗi do vô ý hay cố ý, do nhận thức pháp luật không đúng của các công chức Nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ thì phải bồi thường. Luật cần phải phân định rõ ràng người bị thiệt hại, cá nhân, pháp nhân, tổ chức. Tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị thu giữ, tạm giữ, bị tịch thu, bị kê biên có nguồn gốc từ khoản vay có lãi hợp pháp thì phải bồi thường cả khoản lãi hợp pháp, nếu có nguồn gốc là khoản vay không có lãi thì phải bồi thường theo lãi suất cho vay công bố của ngân hàng tại thời điểm giải quyết bồi thường. Thiệt hại do không được khai thác từ tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu và thiệt hại từ các hợp đồng kinh tế đang thực hiện phải bồi thường. Người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu tới cơ quan tổ chức giải quyết bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp thương lượng thành, hoặc một phần thương lượng thành, thì cơ quan giải quyết bồi thường phải bồi thường ngay khoản thương lượng thành hoặc một phần thương lượng thành. Trong trường hợp thương lượng không thành hoặc một phần thương lượng không thành thì hết thời hạn 30 ngày người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra toà án để giải quyết.

* Ông Vũ Duy Thái – Chủ tịch Hiệp hội Công Thương Hà Nội

Ông là người được mời góp ý vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp nào ông thấy ý kiến của mình đóng góp được tiếp thu?

Tôi đã kiên trì góp ý cho Luật Doanh nghiệp năm 2000 và thấy nhiều ý kiến của mình đã được thể hiện trong Luật, chẳng hạn như về việc Nhà nước bảo hộ quyền cho những người tham gia góp vốn kinh doanh. Hoặc là nội dung cho phép nhiều thành phần kinh tế lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chứ không riêng gì Nhà nước. Về những chính sách cụ thể, ý kiến của tôi cũng đã được tiếp thu nhiều. Trong các đợt Thủ tướng gặp doanh nghiệp hàng năm tôi đều có đề xuất và nhiều lần đã được chấp nhận.

Có lần nào ông góp ý nhưng bị từ chối? Ông rút ra được điều gì từ “thất bại” đó?

Một trong những văn bản mà tôi dành nhiều thời gian và công sức nhất để tìm hiểu, góp ý là Luật Đất đai 2003. Những ý kiến của tôi – với mục tiêu đem lại sự bình đẳng trong việc thuê đất, giao đất, giải phóng mặt bằng giữa nhà đầu tư nhà nước, tư nhân; giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… đã không được tiếp thu. Ngay từ khi Luật Đất đai 2003 còn ở dạng dự thảo, tôi đã nói rằng việc Nhà nước ban hành khung giá đất hàng năm là không cần thiết. Khung giá ấy cũng chỉ có thể vận dụng vào một số việc nhất định thôi, chứ giá đền bù thì phải theo thị trường.

Nhưng rất may là cơ quan quản lý cũng đã phát hiện ra những bất cập rất lớn của Luật này và hiện nay dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đang được hoàn thiện. Trong dự thảo luật sửa đổi đã bỏ quy định Nhà nước ban hành khung giá đất hàng năm…

Vấn đề là khi mình góp ý phải có đầy đủ số liệu, luận cứ thích hợp, khách quan thì mới thuyết phục được cơ quan lập pháp. Và phải kiên nhẫn lắm! Phải dùng nhiều cách góp ý khác nhau, từ lời nói đến văn bản, thậm chí phải vận động hành lang nữa, tất nhiên là trong khuôn khổ được pháp luật cho phép.

 

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

Đúng là trong nhiều trường hợp, mức độ tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp vào các văn bản pháp quy còn chưa rõ. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định khá rõ việc tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức/cá nhân chịu tác động của VBQPPL trước khi ban hành, nhưng nhiều khi do thời gian hạn chế, việc lấy ý kiến chưa được làm một cách thấu đáo. Hiện nay, cơ chế kiểm soát việc trưng cầu và tiếp thu ý kiến cũng chưa rõ. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL sẽ cụ thể hóa việc này. Mặt khác, cũng phải thấy là các ý kiến đóng góp xây dựng văn bản luật lâu nay chưa phong phú, chất lượng cũng chưa được như mong muốn.

Còn về nhận xét cho rằng, việc xây dựng văn bản pháp luật nhiều khi nghiêng về xu hướng “dễ cho cơ quan quản lý, ít nhiều hy sinh quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, tôi cũng cho là một thực tế và khó tránh khỏi. Có tới 90% văn bản pháp quy của ta hiện nay là do Chính phủ xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu quản lý. Vì thế, việc tăng cường khâu thẩm định, thẩm tra độc lập các dự án luật nói riêng và VBQPPL nói chung là rất quan trọng.

Theo tôi, về nguyên tắc mà nói, đặt vấn đề người làm luật có sai sót phải đền bù cũng là đúng, nhưng dự án Luật Bồi thường Nhà nước (đang được hoàn thiện) chưa đề cập tới việc này. Đây là chuyện lớn và khó, cần có thời gian nghiên cứu thêm, trong khi văn bản luật chỉ điều chỉnh những yếu tố đã ổn định. Khi xét thấy cần thiết thì bổ sung, sửa đổi VBPQ là việc bình thường, có thể và cần được tiến hành thường xuyên.

Lưu Hương – Nguyễn Hương – Phan Nam – Anh Phương thực hiện

—————-

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 21-8-2008:

(454/2.816)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,836