(VTCN) – Trả lời VTC News, cả Đài truyền hình VN và Tập đoàn Bảo Sơn đều khẳng định sẽ theo kiện tới cùng. Trong khi các lý lẽ còn chưa ngã ngũ, để khách quan và rộng đường dư luận, VTC News đã mang vụ việc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, (hãng luật chuyên về doanh nghiệp và ngân hàng).
Ngoài vị trí Giám đốc Công ty Luật ANVI, LS Trương Thanh Đức hiện nay còn là Giám đốc Pháp chế của Baoviet Bank. Trước đó, ông từng là Trưởng phòng pháp chế VIB Bank và Maritime Bank. (Ảnh: Ng.L). |
– Theo ông, 3 lý do mà Tập đoàn Bảo Sơn (TĐBS) nêu ra làm căn cứ để khởi kiện có xác đáng?
– Bàn chuyện pháp lý mà không có đủ hồ sơ pháp lý thì chỉ là “võ đoán”. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng, cả 3 căn cứ để khởi kiện đều có cái lý nhất định. Nhưng tất cả chỉ đúng một phần, chứ không có lập luận nào hoàn toàn xác đáng.
– Ban Thời sự VTV1 gọi Công ty D&T là “Nhà đầu tư thứ cấp” của TĐBS (theo phát ngôn của Chánh văn phòng TĐBS). Nhưng giám đốc của TĐBS cho rằng trong luật không có thuật ngữ này mà chỉ có “Nhà đầu tư cấp 1, cấp 2…”. Việc gọi D&T là “Nhà đầu tư thứ cấp” sẽ gây hiểu nhầm rằng D&T là công ty “con” của TĐBS khiến tập đoàn này bị “vạ lây”. Theo ông, về mặt pháp lý, tình huống này sẽ được giải quyết ra sao?
– Việc có gây hiểu nhầm ở đây hay không là do cách diễn đạt và nhận định, chứ không phải là do sử dụng thuật ngữ không có trong luật.
– Tôi chưa tìm được thuật ngữ “Nhà đầu tư thứ cấp” nào trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cụm từ tương tự là “Chủ đầu tư thứ cấp” thì đã được đề cập đến trong Nghị quyết số 06/2004/NQ-CP ngày 19/5/2004 của Chính phủ về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Trong khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì thuật ngữ “Nhà đầu tư thứ cấp” được sử dụng phổ biến và nhiều hơn hàng chục lần thuật ngữ “Nhà đầu tư cấp 2”. Do vậy, theo tôi, việc phóng sự của Ban Thời sự sử dụng thuật ngữ “Nhà đầu tư thứ cấp” trong trường hợp này, khó có thể nói là sai luật hoặc sai thực tế.
– Ông là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp chế ngân hàng, ông có thể nói rõ hơn về tính pháp lý của bản “Cam kết ba bên giữa Bảo Sơn – D&T và GP-Bank” được không? Khi ký vào bản cam kết này, Bảo Sơn có những trách nhiệm và liên đới gì tới việc D&T bán 47 căn hộ?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thuật ngữ “Nhà đầu tư thứ cấp” được sử dụng phổ biến và nhiều hơn hàng chục lần thuật ngữ “Nhà đầu tư cấp 1, cấp 2…”. Do vậy, việc phóng sự của Ban Thời sự sử dụng thuật ngữ “Nhà đầu tư thứ cấp” trong trường hợp này, khó có thể nói là sai luật hoặc sai thực tế. (LS Trương Thanh Đức) |
– Dù trong bất kỳ trường hợp nào, thì bản cam kết này cũng có giá trị bắt buộc đối với cả 3 bên đã ký kết. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến cam kết về quyền sử dụng đất và các công trình xây dựng trên đất là tự nguyện và hợp pháp.
D&T thì “cầm trịch” về mặt kinh doanh. GP-Bank thì có quyền chi phối của chủ nợ kiêm người nhận thế chấp. Bảo Sơn thì có vai trò quyết định số phận pháp lý của khối bất động sản.
Vì vậy, Bảo Sơn có trách nhiệm “bảo hộ” quyền lợi của 2 bên “đồng minh” cho đến khi toàn bộ tài sản đã được giải chấp hoặc đã sang tên trước bạ cho người khác.
Tuy nhiên, Bảo Sơn lại được miễn trách nhiệm trong việc D&T bán 47 căn hộ, vì trong việc này họ không vi phạm cam kết (không bội ước) hay vi phạm pháp luật (nếu căn cứ vào những thông tin trên báo chí).
– Thưa ông, việc đăng ký giao dịch bảo đảm hợp đồng thế chấp giữa GP-Bank và D&T cũng như công khai thông tin về việc này là bắt buộc hay tự nguyện?
– Ở đây chưa rõ các bên thế chấp những tài sản gì. Nếu là thế chấp quyền sử dụng đất, thì bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, đồng thời thông tin thế chấp được công khai với các đối tượng liên quan. Tôi e rằng có vướng mắc gì đó về pháp lý, nên hợp đồng này chưa thể đăng ký thế chấp được, chứ không phải là các bên “trốn” đăng ký.
– Nếu là bắt buộc thì việc không đăng ký giao dịch bảo đảm có làm vô hiệu hợp đồng giữa D&T và GP-Bank không, thưa ông?
– Nếu thế chấp quyền sử dụng đất mà không đăng ký giao dịch bảo đảm, thì sẽ không có giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Điều đó có nghĩa là, việc mua hoặc nhận thế chấp của người khác là hợp pháp (tất nhiên là phải đáp ứng được các điều kiện khác).
– TĐBS cho rằng kể từ ngày ký hợp đồng với D&T thì coi như 47 lô đất đã thuộc về D&T, D&T muốn làm gì (bán, thế chấp…) là quyền của D&T, TĐBS chỉ làm bước cuối cùng là lo “sổ đỏ” cho bên mua vì họ là chủ sử dụng đất. Trong khi Ban thời sự VTV cho rằng, 47 lô đất đó chưa thể thuộc quyền sử dụng của D&T vì hợp đồng đó là hợp đồng góp vốn làm ăn nên TĐBS vẫn phải có trách nhiệm, nếu TĐBS bán đất trong khi chưa xây dựng cơ sở hạ tầng là “bán nhà trên giấy”. Ông có thể phân tích rõ hơn về tính pháp lý trong tình huống này được không?
– Quan hệ giữa TĐBS với D&T là quan hệ hai bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Về mặt pháp lý, quyền sử dụng đất vẫn là của TĐBS. Vì chưa thể chuyển nhượng hợp pháp quyền sử dụng đất cho người khác, nên TĐBS vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, với vai trò của một “Nhà đầu tư” theo Luật Đầu tư và của một “Người sử dụng đất” theo Luật Đất đai. Dù là thế chấp quyền sử dụng đất hay tài sản trên đất, cũng cần phải có sự đồng ý của TĐBS thì mới hợp pháp và hợp lý.
– Sai phạm của D&T thì đã rõ và hiện công an đang điều tra. Nhưng theo ông, về mặt dân sự, việc một phóng sự báo chí đưa tin về dự án lừa đảo của D&T, trong đó có nêu rõ nguồn gốc của lô đất và những liên quan với TĐBS thì có bị coi là làm tổn hại đến TĐBS?
– Trong trường hợp này, việc bản tin thời sự của Ban Thời sự VTV1 nhắc đến nguồn gốc của lô đất cũng như sự liên quan pháp lý giữa hai bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, có bị coi là phạm luật vì thông tin sai sự thật và xúc phạm uy tín của TĐBS theo Luật Báo chí hay không còn phụ thuộc vào từ ngữ, kỹ thuật diễn đạt có sai biệt so với bản chất của vấn đề hay không.
– TĐBS viện dẫn thiệt hại đầu tiên là có một số đoàn khách nước ngoài đã đăng ký tới khách sạn Bảo Sơn đã hủy chỗ, thiệt hại khoảng 156 triệu đồng, và còn nhiều thiệt hại khác như danh dự, uy tín… vì “đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về việc này”. Theo ông, nếu ra tòa, thì các thiệt hại sẽ được “đong đếm” như thế nào?
– Nếu phải bồi thường vì đưa tin sai, thì thiệt hại sẽ là các “Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại” và “Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Việc chứng minh phải bằng những con số, giấy tờ, căn cứ xác thực, hợp lý. Ví dụ, phải làm rõ được việc các đoàn khách huỷ phòng nghỉ đã đặt, không phải do hàng không huỷ chuyến hay do khủng hoảng kinh tế,.. mà chỉ vì bản tin của Ban Thời sự VTV1 gây ra.
-. Nguyên tắc của luật dân sự là các bên phải tự chứng minh mình không có lỗi và đưa ra chứng cứ để bảo vệ mình. Nếu vụ việc này phải kết thúc bằng một phiên tòa, ông đánh giá chứng cứ của hai bên thế nào? Lợi thế của từng bên và khả năng tòa sẽ phán quyết như thế nào?
– Tôi không có đủ hồ sơ vụ việc trong tay, cũng không quen biết hai bên để nắm thông tin, nên nếu có dự đoán thì chỉ là “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”. Tuy nhiên, giống như mọi vụ kiện đòi bồi thường về uy tín, thương hiệu khác, TĐBS hầu như không có hy vọng giành thắng lợi về phần vật chất.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Linh (thực hiện)
VTC News (Xã hội), Thứ Hai, ngày 20-4-2009 (8h38)
http://www.vtc.vn/xahoi/tap-doan-bao-son-du-can-cu-phap-ly-thang-kien-vtv/212659/index.htm
(1689/1.689)
————-
Đăng lại