(NTNN) – Các tập đoàn được thành lập vừa qua chủ yếu là ở những ngành đã phát triển mạnh. Còn những ngành kém phát triển, có tác động lớn đến đại đa số người dân lại chưa được chú trọng – Luật sư Trương Thanh Đức, một chuyên gia đặc biệt quan tâm đến mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với NTNN…
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (do Tổng Công ty (TCT) xây dựng Sông Đà là nòng cốt) và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm nòng cốt). Cùng với Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội được thành lập cuối năm 2009, số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKT) lên đến con số 12, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, sự phát triển mô hình này, theo luật sư Đức, còn rất nhiều điều cần cân nhắc, bổ sung…
Nông nghiệp bị bỏ quên
Thưa ông, ông đánh giá thể nào về việc thành lập thêm 4 tập đoàn trong bối cảnh hiện nay?
– Mục đích thành lập các TĐKT của Chính phủ là gom các tổng công ty 90, 91 để làm gọn đầu mối quản lý và tập trung sức mạnh của các TCT này. 4 TĐKT vừa thành lập là một bước cụ thể hoá hơn nữa ý tường đó.
Tuy nhiên, mô hình tập đoàn hiện nay chưa thực sự rõ ràng; Nghị định 101/2009/NĐ-CP của Chính phủ về mô hình kinh tế này có hiệu lực vào tháng 12-2009 vừa qua cũng nói rõ là thí điểm. Khái niệm TĐKT hiện nay còn rất nhiều cách hiểu khác nhau. Ở các nước, tập đoàn là tổ hợp các công ty được liên kết mang tính chất tự nguyện, không có tư cách pháp nhân. Còn các TĐKT ở ta hiện nay đang được thành lập bằng một mệnh lệnh hành chính với hai loại: Thứ nhất TĐKT gồm 1 TCT mẹ và dưới là các TCT hoặc công ty con không có tư cách pháp nhân; thứ hai là bản thân TCT mẹ cũng được gọi là tập đoàn và tập đoàn ấy lại có tư cách pháp nhân. Dù ở dạng nào thì TĐKT cũng vẫn là một TCT nhà nước lớn mà thôi. So với TCT nhà nước hiện nay, ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt đã được cổ phần hoá, các TĐKT giống về bản chất; chỉ khác cách gọi, đặt tên.
Việc thành lập TĐKT có thể giúp kinh tế nhà nước có thêm sức mạnh. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nó sẽ tạo ra sự độc quyền; giảm sức cạnh tranh của các đơn vị kinh tế tư nhân.
Những TĐKT đã được thành lập chủ yếu tập trung vào những mảng đã và đang có tốc độ phát triển nhanh như công nghiệp, công nghệ thông tin, xây dựng, tài chính… Ngoại trừ Tập đoàn Cao su, lĩnh vực nông nghiệp, vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế lại chưa có tập đoàn nào khác. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?
– Đúng là có thực trạng này. Các tập đoàn đã được thành lập hầu hết là ở các ngành đã rất phát triển. Nếu không được gọi tên là TĐKT thì tự bản thân các doanh nghiệp như Viettel, HUD hay Sông Đà… cũng đã thực sự lớn mạnh như một tập đoàn. Việc “nâng cấp” TĐKT gần như chỉ là một sự hợp thức hoá hiện trạng mà thôi.
Theo tôi, sự can thiệp của Nhà nước trong điều tiết, thúc đẩy kinh tế đất nước nên tập trung ở những mảng còn yếu kém, có ảnh hưởng nhiều quốc kế dân sinh (kinh tế quốc gia có gắn liền với đời sống nhân dân – PV). Nông nghiệp hiện nuôi sống đến 70% dân số, lẽ ra phải được nhà nước tập trung đầu tư vốn, tạo cơ chế để hình thành các TĐKT và thúc đẩy phát triển. Rất cần hình thành các tập đoàn phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn như các lĩnh vực lương thực, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp. Tập đoàn Cao su đã được thành lập nhưng thực chất đây là một TĐKT có nhiều yếu tố công nghiệp hơn. Có thể, nông nghiệp và một số ngành khác hiện nay chưa thực sự phát triển, lợi nhuận thấp, khó kinh doanh nên đã bị bỏ qua chăng?
Thuê tổng giám đốc phải… mạo hiểm
Thưa ông, trong Nghị định 101/2009/NĐCP của Chính phủ có đặt lại vấn đề là thi tuyển tổng giám đốc các TCT. Tuy nhiên, trước đó, việc thuê tổng giám đốc đã được triển khai thí điểm nhưng chưa có hiệu quả. Theo ông, những nguyên nhân do đâu?
– Trước hết, tôi muốn khẳng định lại rằng, việc thi tuyển để chọn ra tổng giám đốc cũng như việc bầu cử, bỏ phiếu để chọn ra lãnh đạo là một xu thế chung, đúng đắn của mọi quốc gia. Việc thi tuyển Tổng giám đốc như đã triển khai ở TCT Công nghiệp Ô tô Việt Nam vẫn là câu chuyện người trong nhà và chưa được giao đủ quyền kèm theo trách nhiệm. Nhà nước đã có cơ chế để làm nhưng làm không được là vì chúng ta vừa làm vừa run vì còn vướng quá nhiều ràng buộc.
Tổng giám đốc TCT là người nắm vận mệnh của cả một ngành kinh tế của đất nước. Sự cẩn trọng này là hoàn toàn hợp lý?
– Đúng là như vậy nhưng quan trọng là chúng ta đặt nặng vấn đề an toàn hay sự phát triển kinh tế cao hơn đối với một doanh nghiệp. Nếu muốn phát triển kinh tế chúng ta phải chấp nhận sự mạo hiểm, rủi ro để chọn người giỏi. Không thể giải bài toán quản trị doanh nghiệp với đáp số đúng 100%.
Còn về giám sát tổng giám đốc đã có luật pháp, các cơ quan chức năng, hội đồng quản trị, công luận và nhân dân. Quan trọng là phát hiện lỗi của tổng giám đốc nhanh và kịp thời sửa chữa.
Một điều mà các nhà kinh tế đã nói rất nhiều là trong kinh doanh luôn có khả năng lỗ hoặc lãi. Quan trọng chúng ta có dám nhìn nhận cả hai khả năng đó để làm hay không; có dám chấp nhận lỗ để sửa sai hay không. Đối với những TCT đã dày dạn thương trường rồi, nếu chỉ muốn bảo toàn vốn và phát triển một chút là điều không khó. Khó là làm sao thay đổi cơ bản và tạo ra được những bước đột phá thì mới xứng với kỳ vọng mà xã hội giao phó.
Câu chuyện về lương tổng giám đốc các TĐKT hay TCT hiện nay rất được quan tâm. Theo ông quy định về lương của các chức danh này trong nghị định 101/2009/NĐ-CP của Chính phủ có hợp lý hay không?
Những phản ứng của dư luận về mức lương của các lãnh đạo TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước vừa qua là đang suy luận theo thu nhập của công hức nhà nước. Điều đó là không hợp lý, vì công việc thuộc lĩnh vực kinh doanh trước hết phải theo thị trường. Nếu nhiệm vụ là phải cạnh tranh trên thương trường mà thu nhập lại phải khuôn phép theo công chức thì không ổn ngay tại thị trường trong nước, nói gì đến hội nhập quốc tế.
Theo tôi, mức lương cao là bình thường. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn lớn là, do chủ sở hữu doanh nghiệp ở đây là nhà nước, nên mức lương của tổng giám đốc TCT nhà nước vẫn buộc phải cân đong, so sánh với công chức. Vì vậy, quy định mức lương tuỳ thuộc vào hiệu quả kinh doanh nhưng bị khống chế ở một số điều kiện như trong nghị định là một giải pháp dung hoà, hợp lý.
Xoá “cái cớ” công ích
Thưa ông, lâu nay các TĐKT, TCT vẫn cho rằng việc thực hiện các dịch vụ công ích, giúp đỡ các địa phương, cư dân khó khăn là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh yếu kém của mình. Theo ông, đó có phải là lý do chính đáng không?
Thực hiện các nhiệm vụ công ích hay từ thiện là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Vì vậy, việc các TĐKT, TCT thực hiện các nhiệm vụ công là rất nên khuyến khích.
Tuy nhiên, khi nó được đưa ra làm cái cớ để “bào chữa” cho kết quả kinh doanh yếu kém lại là một chuyện không nên. Khi đưa tiền vào thực hiện các dịch vụ công, các doanh nghiệp đều được nhà nước thanh toán hoặc giảm trừ tiền thuế. Thậm chí cá nhân chi tiền từ thiện còn được luật thuế cho phép trừ đi khi tính thuế thu nhập cá nhân. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “xung phong” nhận làm dịch vụ công ích. Điều đó chứng tỏ các cá nhân, doanh nghiệp vẫn kiếm được lời trong các hoạt động này. Với cơ chế nhập nhèm như vậy, nếu tôi là tổng giám đốc một TĐKT hoặc TCT tôi sẽ tham gia nhiều nhiệm vụ công ích vì vừa được tiếng, vừa được miếng.
Theo ông, làm thế nào để giảm được sự nhập nhèm này?
-Trước hết phải quan niệm công ích là một dịch vụ chứ không phải là một sự ban phát; làm thường xuyên chứ không phải tuỳ hứng. Dịch vụ công phải do nhà nước đưa ra chủ trì và phải được thực hiện thông qua việc đấu thầu sòng phẳng, thực chất. Xe buýt ở các thành phố hiện nay đã bắt đầu đi được theo hướng đó.
Tuy nhiên, như đã nói, ở các TĐKT, TCT hiện nay, sự chồng chéo giữa nhiệm vụ công ích và kinh doanh thuần tuý vẫn xảy ra rất nhiều. Để khắc phục, trước hết, Nhà nước phải tách bạch hai nhiệm vụ này ra, không gộp chung hai chỉ tiêu về kinh doanh và nhiệm vụ công ích cho các TĐKT, TCT như hiện nay. Các dự án công ích phải được quy đổi theo giá trị kinh tế và tiến hành đấu thầu như các dự án thông thường. Làm như vậy, chắc chắn hiệu quả, chất lượng của dịch vụ công sẽ được nâng cao hơn. Nếu Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ công ích thông qua các cầu nối là các TĐKT và TCT như hiện nay là bước đi tắt nhưng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục xem đó như “bảo bối” để lấp liếm cho hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả của mình. Nhiều doanh nghiệp bản thân họ không muốn làm việc này nhưng buộc họ làm một cách khiên cưỡng cũng sẽ không chất lượng.
Xin xảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!
Hồ Sỹ Lực thực hiện
Box : Luật sư Trương Thanh Đức: “Hiện nay, nhiều công ty tư nhân đang “lách luật” để gắn mác tập đoàn bằng các tên gọi như: Công ty TNHH Tập đoàn X, Công ty cổ phần tập đoàn Y và thường tự gói tắt là tập đoàn X, tập đoàn Y. Theo tôi, nếu đã cho phép thành lập TĐKT nhà nước thì cũng nên chính danh hoá cho các TĐKT tư nhân”.
Box: Luật sư Trương Thanh Đức hiện là Giám đốc Công ty Luật ANVI, chuyên thực hiện các dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, tài chính. Ông từng là Trưởng phòng Pháp chế của một số ngân hàng như VIB Bank, Maritime Bank,..; đang tham gia giảng dạy pháp luật tại Học viện Tư pháp, Viện Đại học Mở; tham gia góp ý xây dựng nhiều dự thảo luật về tài chính, ngân hàng, kinh tế…
Ảnh: Ảnh luật sư Trương Thanh Đức
tác giả ảnh: Bảo An
——-
Nông thôn ngày nay 18-11-2009