026. Quản lý ngân hàng: Nghị định “đóng thế” luật?

(VNE) – Nhiều năm nay, quản lý ngân hàng trong lĩnh vực tổ chức và quản trị không được điều chỉnh bởi luật mà được điều chỉnh bởi… Thống đốc!

Một nghị định khác chuẩn bị ra đời để quản lý vấn đề này nhưng tuổi thọ cũng chỉ…một năm!

Thiếu luật đã có… giấy phép con

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói: “Luật các tổ chức tín dụng hầu như chỉ đề cập đến các hoạt động nghiệp vụ còn vấn đề tổ chức và quản trị nhất là đối với các ngân hàng thương mại cổ phần lại đang thực hiện theo các quy định của Thống đốc!”

Trong khi đó, những quy định của Thống đốc có nhiều nội dung khác biệt, thậm chí trái ngược với Luật Doanh nghiệp 1999, mặc dù Luật này là một trong những căn cứ ban hành. Và kể từ sau khi có Luật Doanh nghiệp mới 2005, các ngân hàng thương mại cổ phần đã bị khủng hoảng về cơ sở pháp lý trong tổ chức và quản trị.

Vì sao như vậy? Như Luật sư Đức đã đề cập, cơ sở pháp lý cho việc quản lý tổ chức và quản trị ngân hàng đã được đề cập trong Nghị định 49/2000/NĐ-CP ngày 12/9/2000 nhưng qua 7 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và không theo kịp sự thay đổi, phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần.

Luật gia Bùi Thanh Lam, (Sở Thương mại Hà Nội) cho biết: đến thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đã có 30 đạo luật và 500 văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới hoặc chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với chuẩn mực, quy định của WTO. Trong đó, có những đạo luật quan trọng, liên quan đến hoạt động ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, văn bản pháp lý để quản lý tổ chức, quản trị ngân hàng thương mại cổ phần lại hết sức yếu, thiếu và lạc hậu.

Vì thế, để duy trì quản lý, hầu hết đều theo hướng dẫn trong Quyết định 1087/2001/QĐ-NHNN ngày 27/8/2001 và Quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo Quyết định 797/2002/QĐ-NHNN ngày 29/7/2002 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Cũng do hệ thống pháp lý có nhiều khoảng trống nên đã tạo ra sự “mù mờ” trong quản lý và không ít sự việc thiếu công bằng đã xảy ra. Một luật sư nêu ví dụ: theo quy định, nghiêm cấm ngân hàng cho vay đối với doanh nghiệp cùng cơ quan chủ quản nhưng thực tế, ngân hàng này vẫn cho vay nhưng không bị phạt.

Hoặc, rất nhiều văn bản của Ngân hàng Nhà nước mang theo cụm từ “theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”, “theo quyết định của Thống đốc” và đây là mảnh đất cho “giấy phép con” ra đời.

Đơn cử: Luật các Tổ chức tín dụng quy định: tổ chức tín dụng khi thay đổi tên, mức vốn điều lệ, địa điểm trụ sở, sở giao dịch, chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ cổ phần của các cổ đông…thì phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thay đổi. Nhưng Quyết định 1087/2001/QĐ-NHNN lại “sáng tạo” thêm rằng, sau khi được Ngân hàng Nhà nước “chấp thuận”, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục “chuẩn y” thì mới có hiệu lực.

Điều này được hiểu: nếu chỉ có “chấp thuận” nhưng chưa “chuẩn y” thì không có hiệu lực và vì thế, cùng một đề nghị nhưng phải qua hai lần giấy phép.

Nghị định sửa bất cập… bị sửa

Xuất phát từ những bức xúc trên, Ngân hàng Nhà nước đã “chắp bút” dự thảo Nghị định tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng thương mại để thay thế cho Nghị định 49/CP, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng thương mại. Một luật sư nói, Dự thảo Nghị định này được coi là “thay vai”, “đóng thế” cho luật!

Tuy nhiên, khi Ban Pháp chế – Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức tín dụng và luật sư trong lĩnh vực ngân hàng thì chỉ trong 3 giờ đồng hồ, có tới hàng chục bất cập trong một “dự thảo Nghị định sửa bất cập” được nêu ra.

Ông Trương Đình Song, Phó ban Pháp luật – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói: “Đã xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện luật thì cần phải chi tiết cụ thể để làm căn cứ hướng dẫn thực hiện. Vậy mà có tới 30/111 điều chứa các cụm từ “theo quy định Ngân hàng Nhà nước”, “được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận”. Với đà này, các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn khi Nghị định được phê duyệt”.

Chưa hết, tại khoản 2 điều 30, Dự thảo quy định: “Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết”, ông Song lập luận: “Đã là ngân hàng thương mại cổ phần thì mọi vấn đề do cổ đông quyết định, làm sao Chính phủ lại có thể ủy quyền cho một tổ chức được quyền nắm giữ cổ phần biểu quyết?”.

Luật sư Đức lại cho rằng, dự thảo lần này vẫn “chưa giải quyết được món nợ” với cuộc sống”. Vậy, món nợ đó là những gì? Ông Đức dẫn chứng: Luật các Tổ chức tín dụng 1997 quy định: “Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ” nhưng thực tế thì vấn đề nhạy cảm này đã “đánh đố” tất cả cán bộ nghiệp vụ và nhà quản lý ngân hàng trong suốt 10 năm qua. Và dự thảo lần này cũng không đưa vấn đề đó vào để hướng dẫn thực hiện.

“Nếu không đưa vào Nghị định thì liệu điều đó có được nhắc lại một cách vô nghĩa hay sẽ bị hủy bỏ trong Luật các Tổ chức tín dụng dự kiến ban hành vào 2008?”, ông Đức bức xúc.

Một ví dụ khác: khoản 5 điều 29 dự thảo quy định: “ngân hàng phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa”. Bà Nguyễn Thị Phương Minh phân tích: “Luật các Tổ chức tín dụng không có quy định nào buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải được thành lập dưới mô hình công ty đại chúng, trong khi dự thảo Nghị định lại bó hẹp quyền lựa chọn của các nhà đầu tư, chỉ được thành lập ngân hàng thương mại cổ phần dưới hình thức công ty đại chúng”.

Lùi hay tiến?

Do tồn tại khá nhiều bất cập như nói trên nên Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút soạn thảo sửa đổi hai bộ luật: Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chờ đến khi hai luật mới ra đời thì ít nhất cũng phải hơn một năm. Vì thế, cần “vá víu” lại Nghị định 49/CP để tạo một hành lang pháp lý cụ thể cho tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng thương mại theo kiểu “méo mó, có hơn không”.

Nhưng quan điểm này lại không nhận được sự đồng tình của Bộ Tư pháp. Bộ này cho rằng: Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng dự kiến thông qua trong 2008, do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật, hạn chế sự thay đổi làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của các ngân hàng thương mại, cần cân nhắc có nên ban hành Nghị định thay thế Nghị định 49/CP hay không. Mặt khác, Nghị định này được ban hành chỉ áp dụng hơn 1 năm lại phải hủy bỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Đình Song nói: “Ngân hàng Nhà nước nên tập trung sức lực, trí tuệ để làm tốt việc xây dựng, sửa đổi 2 luật là Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng để đúng tiến độ. Những vấn đề nêu ra trong Dự thảo lần này nên làm nền cho việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành 2 luật trên khi Quốc hội thông qua”.

Những quan điểm trên không hẳn không có lý khi mà những bất cập về quản trị, điều hành của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, cổ đông, mua và nắm giữ cổ phần, cổ phiếu…đã vượt khỏi tầm điều chỉnh bởi một Nghị định. Hơn nữa, với thời hạn một năm, đầu tư xây dựng Nghị định xong lại phải hủy thì thật lãng phí tiền của, công sức.

Tuy nhiên, nếu không ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 49/CP thì cả trăm ngân hàng thương mại, định chế tín dụng cũng như Ngân hàng Nhà nước không biết dựa vào đâu để hoạt động và điều hành, ngoại trừ giấy phép con của Thống đốc.

Phải chăng, thực tế này đã phản ánh vòng luẩn quẩn của quá trình làm luật hiện nay: dự báo không sát tình hình nên sau khi ban hành,vừa thực hiện, vừa sửa đổi? Thậm chí, nếu xuất hiện khoảng trống pháp lý thì “vá” lỗ hổng bằng những nghị định tạm thời hoặc giấy phép con của cơ quan quản lý…

Nguyễn Hoài

———————————

VnEconomy (Tài chính) ngày 05-10-2007:

https://vneconomy.vn/quan-ly-ngan-hang-nghi-dinh-dong-the-luat.htm

(342/1.750

Đăng lại

http://www.nguoilanhdao.vn/Details/tin-chung-khoan/quan-ly-ngan-hang-luat-khong-dieu-chinh/32/9567.star

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,458