(PL) – Pháp luật không quy định về thủ tục rút lại đề nghị chào mua
Bà Nguyễn Kim Phượng – một cổ đông lớn đã chào mua thật nhiều cổ phiếu mới của Công ty Cổ phần Vật tư và Vận tải Xi măng (VTV), nhưng sau đó không mua, mà lại bán ra toàn bộ cổ phiếu cũ để kiếm lời hàng tỷ đồng. Vậy hành vi này có phạm tội hình sự hay không? PLVN đã phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, một hãng luật chuyên về ngân hàng, chứng khoán, đầu tư.
- Thưa Luật sư, hành vi nói trên của bà Phượng vi phạm vào quy định nào của pháp luật về chứng khoán?
– Dư luận đang quy kết rằng bà Phượng đồng thời vi phạm nhiều quy định: Thứ nhất, là đã bán chứng khoán trong khi chưa hoàn thành đợt chào mua là vi phạm tiết b, điểm 9.1, khoản 9, Mục II, Thông tư số 194/2009/TT-BTC Hướng dẫn chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng. Thứ hai, là đã bán chứng khoán mà không đăng ký trước với Uỷ ban Chứng khoán là vi phạm điểm 4.2, khoản 4, Mục IV, Thông tư số 09/2010/TT-BTC Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đối với cổ đông lớn. Nhưng theo tôi, bà Phượng chỉ vi phạm 50% mà thôi.
- Chính các điều khoản mà luật sư vừa trích dẫn đã cho thấy bà Phượng vi phạm quy định khác nhau của hai Thông tư, vậy thì tại sao lại chỉ là một nửa?
– Thứ nhất, rõ ràng việc bà Phượng chỉ có một vi phạm là bán chứng khoán và chỉ bán một lần, chứ không phải vừa mua, vừa bán hay mua bán nhiều lần. Nếu coi đấy là hai vi phạm để phạt hai lần, thì sẽ xâm phạm nghiêm trọng vào một trong những nguyên tắc cơ bản đã được nêu rõ tại khoản 4, Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, đó là: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần”.Thứ hai, cùng với việc tiếp nhận các thông tin trên báo chí, rất tình cờ tôi còn được xem toàn bộ hồ sơ vụ việc này, cho nên có một cái nhìn tương đối toàn diện, đầy đủ. Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, thì thấy rằng bà Phượng chỉ vi phạm trong việc bán chứng khoán mà không đăng ký trước, chứ không còn phải ở trong tình trạng bán chứng khoán trong khi đang chào mua công khai. Cụ thể, ngày 14-01-2010, bà Phượng đăng ký chào mua. Sau đó, vì nhiều lý do nên đã không hoàn tất được thủ tục theo yêu cầu, nên phải coi đây là trường hợp từ bỏ việc đăng ký chào mua hay nói cách khác là việc chào mua không còn giá trị pháp lý, nhất là pháp luật cũng không có quy định về thủ tục rút lại đề nghị chào mua trong tình huống này. Trong thời kỳ này, bà Phượng đương nhiên không được mua vào theo quy định, vì chưa được “cấp phép” mua. Nhưng vấn đề mấu chốt là ở chỗ, đăng ký chào mua nói trên cũng đã đương nhiên hết hiệu lực vì hai lý do: Giá cổ phiếu VTV đã vượt quá 30% so với giá chào mua và đã vượt quá thời hạn đăng ký chào mua. Nếu không thừa nhận điều này, thì chỉ còn cách giải thích duy nhất là: Trong bối cảnh đó, cổ đông bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, mãi mãi không bao giờ được phép mua vào cũng như bán ra chứng khoán của VTV. Hiển nhiên điều này là hết sức phi lý.
- Nhưng dù sao việc vi phạm của bà Phượng vẫn thuộc trường hợp nghiêm trọng, vì liên quan đến số lượng chứng khoán rất lớn? Vậy, có hay không dấu hiệu phạm tội hình sự như một số ý kiến đã nêu ra?
– Bộ luật Hình sự mới được bổ sung có quy định 3 tội về chứng khoán, đó là: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b) và Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c). Trong trường hợp này, chỉ cần đọc tên điều luật cũng thấy không liên quan gì đến Điều 181b. Còn Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán thì chỉ xử lý được khi người vi phạm có hành vi “cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán”, giao dịch và “gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong việc này, bà Phượng đăng ký mua thật (hồ sơ đã thể hiện rõ một nhóm cổ đông tiến hành tăng vốn sở hữu nhằm mục đích nắm quyền kiểm soát Công ty VTV) và không hề có hành vi nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc mua bán chứng khoán, vì vậy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
- Thế còn Tội thao túng giá chứng khoán thì sao?
– Theo quy định tại Điều 181c của Bộ luật Hình sự, thì người nào thực hiện một trong hai hành vi sau đây mà gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể phạm tội thao túng giá chứng khoán: Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán. Trường hợp của bà Phượng, thì không hề có yếu tố “thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo”. Vì yếu tố này phải được hiểu là việc thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán như thật, nhưng thực chất chứng khoán của ai vẫn về nhà người ấy. Ở đây, bà Phượng chỉ là chớp cơ hội chứng khoán đang lên, nhanh chóng bán ra chốt lời mà không làm thủ tục đăng ký xin phép bán. Tất nhiên trong việc này, bà Phượng cũng ít nhiều có lý do để thanh minh rằng vì quy định này quá mới, lại được ban hành trong dịp tết âm lịch, nên các nhà đầu tư nói chung, các cổ đông lớn nói riêng chưa kịp cập nhật. Quả thật, bà Phượng là một trong số vài người đầu tiên trên thị trường phải thực hiện quy định mới này. Bà Phượng cũng không có hành vi cấu thành thứ hai là “Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán”. Trong vụ việc này, bà Phượng không có giao dịch mua, còn bán thì chỉ diễn ra trong một lần duy nhất.
Xin cảm ơn luật sư!
Hương Chi (thực hiện)
————
Pháp luật Việt Nam (Đẩu tư Tài chính) số 113 ngày 23-4-2010
(1.259/1.259)