(ANTĐ) – Ngày 22-2, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến hai dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi dự kiến áp dụng từ 1-2- 2009.
Với xu hướng giảm thuế suất, mở rộng ưu đãi, các dự thảo luật đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ, song vẫn còn những điểm chưa thể làm hài lòng các chuyên gia luật và các doanh nghiệp (DN).
Thuế TNDN: Thuế suất giảm từ 28% xuống 25%
Giảm thuế suất TNDN từ 28% hiện hành xuống còn 25% là điểm mới được rất nhiều DN ủng hộ trong dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi. Được biết, tại Trung Quốc, thuế TNDN đã giảm từ 33% xuống 25%, Singapore giảm từ 20% xuống 19%, Philippines giảm từ 35% xuống 30%.
Ông Phạm Đình Thi – Vụ phó Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay, giảm thuế là xu hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh, khuyến khích đầu tư.
Thực tế tại Việt Nam đã chứng minh, khi giảm thuế suất từ 33% trước đây xuống mức 28% hiện hành, thu ngân sách Nhà nước tăng lên. Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ trượt giá của đồng tiền thì mức 25% vẫn còn cao và nên giảm tiếp xuống mức 20-22%.
Về đối tượng chịu thuế, bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận xét, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, các cá nhân có cổ tức thì phải nộp thuế.
Nhưng theo dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi, DN lại không phải nộp thuế này dù có đầu tư dự án, có cổ tức. Luật sư Vũ Xuân Tiền, Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, dự luật sửa đổi đã bỏ sót các trang trại chăn nuôi lâm, nông, ngư nghiệp.
Một khảo sát tại Nghệ An cho thấy, có trang trại chăn nuôi và trồng rừng có doanh thu 12-15 tỷ đồng/năm, thậm chí là 30 tỷ đồng/năm. Trên thực tế, các trang trại này không còn là hộ gia đình kinh doanh mà thực sự là cơ sở kinh doanh.
Một điểm mới khác được hầu hết đại biểu đồng tình là các ưu đãi thuế TNDN được mở rộng. Các DN mới thành lập thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…, khu kinh tế, khu công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, được miễn thuế tối đa trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo.
DN mới thành lập trên địa bàn khó khăn… được áp dụng thuế suất 20% trong 10 năm, được miễn thuế tối đa trong 2 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm liên tiếp.
Các doanh nghiệp sẽ được ưu đãi thuế |
Phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ, hoàn thuế GTGT
Thuế suất GTGT vẫn quy định 3 mức là 0%, 5% và 10%. Điều kiện để DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là các hàng hóa, dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
Ông Phạm Đình Thi lý giải, nếu như mọi thanh toán thực hiện qua ngân hàng thì có thể kiểm soát được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, giảm bớt tiêu cực.
Tuy nhiên, mức tiền như thế nào thì phải thanh toán qua ngân hàng, như thế nào là giá trị thấp thì luật chưa quy định. Không ít ý kiến đã bày tỏ nghi ngại về năng lực yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam mà ví dụ điển hình là quá nhiều trục trặc xảy ra với thẻ ATM trong dịp Tết vừa qua.
Về những đối tượng không phải chịu thuế, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm Việt Nam tỏ ra thất vọng khi trong dự thảo vẫn không áp dụng cho bảo hiểm phi nhân thọ.
Ông Lộc phân tích, không nước nào hiện nay lại thu thuế GTGT cho bảo hiểm. Sẽ là không hợp lý khi một rủi ro xảy ra thì khách mua dịch vụ bảo hiểm, đồng thời là người chịu rủi ro, tổn thất đó lại phải bỏ thêm một khoản tiền là thuế GTGT.
Nếu như bỏ thuế này, sẽ có nhiều người tham gia bảo hiểm hơn, ngành bảo hiểm có thêm nguồn lực để bù đắp các tổn thất, đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bớt đi việc phải trợ cấp cho những tổn thất xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề, cần xem lại khái niệm “hoàn thuế”. Dự luật cần làm rõ, hoàn thuế là cho ai, cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hay là cho đối tượng chịu thuế?
Thuế GTGT hiện nay đánh vào túi người tiêu dùng. Nhưng Nhà nước lại hoàn thuế cho doanh nghiệp, chứ không hoàn thuế cho người đã nộp thuế đó.
Các ý kiến khác đánh giá chung, dự thảo hai luật còn quá ngắn gọn! Nhiều vấn đề có thể cụ thể hóa ngay thì luật không quy định ngay. Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét, đây là đặc trưng của “luật khung”, “luật ống” nước ta.
Việt Nam không thiếu những trường hợp, áp dụng luật chỉ được 30-40%, còn lại là phải nhờ đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Luật đang sống bám vào Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
“Giảm thuế quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách” (ANTĐ) – Bên lề Hội thảo, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm ủy ban Tài chính và Ngân sách, Văn phòng Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh 2 dự thảo luật sửa đổi này. – Nhiều DN vẫn cho rằng, mức thuế suất 25% là quá cao so với các nước khác trong khu vực như Singapore (19%), cùng với sự trượt giá đồng tiền, luật sẽ không hợp lý trong tương lai. Vì sao chúng ta không hạ thấp hơn nữa?
– Ông Phùng Quốc Hiển: Trước đây, chúng ta đã có giai đoạn giảm thuế suất từ 32% xuống 28% trong thời gian 9 năm. Lần này, chúng tôi đã tính toán một cách khoa học và đang đề nghị trình lên Quốc hội để thông qua giảm tiếp xuống 25%. Việc giảm này phải phù hợp với lộ trình cải cách của chúng ta và đảm bảo không gây thiếu hụt cho ngân sách Nhà nước. Nếu chúng ta giảm quá nhanh sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. ở các nước thì lộ trình giảm cũng qua từng mốc chứ không giảm đột biến. – Thưa ông, vì sao chúng ta không đưa các trang trại vào diện chịu thuế TNDN trong đợt sửa đổi này? – Ông Phùng Quốc Hiển: Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, ta đang có những khuyến khích vì đây là lĩnh vực phải chịu nhiều tác động mạnh nhất trong WTO. Chính vì thế, chúng ta cần có một số chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp để có thể đứng cùng các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ. Đứng sau nông nghiệp là một lực lượng lao động lớn ở nông thôn, còn gặp nhiều khó khăn so với lao động ở các ngành khác. – Các đại biểu cho rằng, dự thảo hai luật quá ngắn gọn sẽ kéo theo hàng loạt văn bản dưới luật ra đời. Ông có ý kiến gì về điều này? – Ông Phùng Quốc Hiển: Đúng là có rất nhiều luật trong tình trạng bị gọi là “luật ống”, “luật khung”. Luật ra đời, kèm theo đó phải có rất nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn để giải thích luật, chưa đi vào cuộc sống. Lần này, chúng tôi đã xác định việc soạn thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi và Luật Thuế TNDN sửa đổi phải hạn chế được sự hướng dẫn của các Nghị định, Thông tư. Chúng tôi sẽ khắc phục tối đa vấn đề này. Hoàng Thu (Thực hiện) |
Băng Dương
————————————–
Báo An ninh Thủ đô ngày 23-2-2008:
(47/1.487)