033. Chi phí tính thuế: Thế nào là hợp lý?

(ĐTCK) – Theo Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ có 13 khoản chi phí của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Có nghĩa là tất cả các khoản chi khác không nằm trong 13 khoản này thì doanh nghiệp đương nhiên được trừ khi xác định chịu thuế.

Quy định này tưởng chừng cụ thể, chi tiết, tránh được “phiền phức” khi xác định thu nhập chịu thuế, được ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) coi là sự cải cách vượt bậc so với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

Tuy nhiên, sau khi so sánh, phân tích, nhiều doanh nghiệp thấy rằng, có ít nhất 4 trong số 13 khoản chi phí không được trừ trong Dự thảo là bất hợp lý.

Dự thảo quy định, phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý và giá thực tế xuất kho không được coi là chi phí hợp lý (không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế). Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam đặt câu hỏi: Thế nào là mức tiêu hao hợp lý? Câu hỏi này không có câu trả lời vì trên thực tế, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức tiêu hao năng lượng, nguyên nhiên, vật liệu cho từng ngành hàng, từng lĩnh vực. Đơn cử, trong lĩnh vực vận tải, một doanh nghiệp ở miền Trung cho biết, mỗi địa phương quy định một mức tiêu hao nhiên liệu riêng và không địa phương nào giống địa phương nào. Luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng, quy định trong Dự thảo đã “lùi” một bước so với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, bởi hiện tại doanh nghiệp được tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xác định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu.

Phần chi trả lãi vay vốn sản xuất – kinh doanh ngoài ngân hàng, tổ chức tín dụng vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại cùng thời điểm vay theo Dự thảo cũng không được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế. Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI) là không phù hợp, bởi trong tình trạng thiếu vốn như hiện nay, các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất cả đầu ra lẫn đầu vào thì lấy lãi suất của ngân hàng nào “làm chuẩn” để tính chi phí cho doanh nghiệp.

“Vào giữa tháng 2/2008, các ngân hàng thương mại phải vay nhau trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất lên tới 30%/năm thì mức khống chế trong Dự thảo phải cân nhắc lại cho phù hợp”, ông Đức đề xuất.

Chi phí tiền trang phục cho người lao động trên 500.000 đồng/năm (từ cuối năm 2007 nâng lên là 1 triệu đồng/năm) cũng không được coi là chi phí hợp lý. “Tại sao chúng ta không sòng phẳng mà áp dụng “luật chơi”: nếu có hóa đơn, chứng từ mua sắm trang phục thì khoản chi này của doanh nghiệp phải được coi là chi phí hợp lý. Ngược lại, nếu không có hóa đơn, chứng từ thì một đồng mua sắm trang phục cũng không được tính là chi phí hợp lý”, ông Đức nói và cho rằng, trong điều kiện kinh tế phát triển, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng – chứng khoán đã “mạnh tay” chi trang phục cho nhân viên thì không nên khống chế mức chi này. “Để phục vụ cho công tác, giao tiếp, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, tổ chức tài chính… phải may những bộ quần áo hàng chục triệu đồng cho lãnh đạo thì việc khống chế như Dự thảo hoàn toàn không phù hợp”, ông Đức nhấn mạnh.

“Tôi và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rất ấn tượng với bài báo: “Có 1.001 cách xác định chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN”, bởi bài báo này chỉ ra rất nhiều cách để xác định chi phí hợp lý nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước”, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc mở đầu buổi hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội tổ chức. Theo bà Cúc thì Dự thảo nên quy định cụ thể các khoản được trừ và các khoản không được trừ, bởi như vậy sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Nếu không đề cập cả 2 nội dung (chi phí được trừ và chi phí không được trừ) thì tôi thiên về hướng quy định đầy đủ, cụ thể các khoản chi phí được trừ hơn là quy định cụ thể các khoản chi phí không được trừ như trong Dự thảo”, bà Cúc nêu quan điểm. Vẫn theo bà Cúc, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định cụ thể các khoản chi phí liên quan đến thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, nếu Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định ngược lại sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Quy định như trong Dự thảo tưởng chừng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế lại có thể gây khó cho doanh nghiệp”, bà Cúc nói.

Hàng Châu

————————————-

Đầu tư Chứng khoán ngày 27-2-2008:

(289/973)

Đăng lại:

http://www.vntrades.com/tintuc/name-News-file-article-sid-21004.htm

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,774