033. Nghịch lý và lỗi của lãi suất

(DĐDN) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhiều năm qua vẫn tồn tại những nghịch lý ở các ba loại lãi suất – cơ bản, huy động và cho vay. Đáng nói, giải tỏa nghịch lý này lại xuất hiện nghịch lý khác.

Nghịch lý chỉ đạo

Luật sư Trương Thanh Đức: “Phải bỏ lãi suất cơ bản. Nhưng đó là câu chuyện của Quốc hội, vì nó bị chốt trong 10 điều của 5 đạo luật do Quốc hội ban hành

– Theo ông, nghịch lý nào sẽ là “nghịch lý của nghịch lý”?

Theo tôi, đó chính là lãi suất cơ bản. Từ giữa năm 2009 đến hết quý I/2010, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục tăng lên, nhiều khi tới mức xấp xỉ 12%/năm, còn lãi suất cho vay thì vượt xa con số 12%/năm. Nghịch lý là ở chỗ, các ngân hàng nhất loạt công bố lãi suất huy động chỉ xoay quanh con số 10,49%/năm và lãi suất cho vay không quá 12%/năm để cho khỏi trái với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trên thực tế, khi huy động thì phải cố gắng phát huy hết các “bài vở” để có thể “mua” được vốn. Còn lúc cho vay thì phải ra sức vận dụng mọi mưu mẹo để “bán” khỏi lỗ.

Dù niêm yết lãi suất huy động bắt buộc không quá 10,5%/năm theo đúng cảnh báo, nhưng thực chất thì lại vượt xa mức đó, bằng những thỏa thuận riêng hoặc trả thêm lãi suất dưới đủ mọi hình thức khuyến mại. Các ngân hàng đành niêm yết một mức lãi suất huy động chung cho mọi kỳ hạn khác nhau, từ một vài tuần cho đến một vài năm. Đó là một nghịch lý và trên thực tế, gần như không có người gửi tiền loại kỳ hạn trên 6 tháng.

– Nhưng ông cũng biết, điều đó là trái luật?

Đúng thế. Nhưng các ngân hàng thừa biết điều đó. Vì thế, lãi suất huy động và cho vay, sau một thời kỳ “ngụy trang” lộ liễu, đã được chỉ đạo công khai đương đầu với sự thật. Các ngân hàng được cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với mọi dự án, phương án vay vốn “có hiệu quả”.

Mà đương nhiên đối với ngân hàng, tất cả những hồ sơ nào được cho vay thì đều được đánh giá là có hiệu quả. Không một ai lại tuyên bố cho vay những phương án không có hiệu quả. Như vậy, có thể nói các ngân hàng đã hoàn toàn được tự do cho vay vượt trần 150% lãi suất cơ bản. Điều này là ngược với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và cũng chẳng khớp với Nghị quyết của Quốc hội vào cuối năm 2008. Đây là một cú vượt rào ngoạn mục của lãi suất cho vay, là một tỷ lệ trái luật, nhưng lại là sự cần thiết và mang tính tất yếu để thoát khỏi nghịch lý lãi suất.

Nghịch lý thị trường

– “Cú vượt rào” đó đã đủ giúp các ngân hàng vượt qua nghịch lý lãi suất chưa, thưa ông?

Không hẳn vậy. Sau khi thị trường lãi suất không còn bị méo mó do sự chỉ đạo hành chính, thì lại diễn ra những nghịch lý khác. Đó là tình trạng lãi suất cho vay giảm xuống tương đối nhiều, nhưng lãi suất huy động lại hầu như không giảm theo, mà thậm chí còn tăng lên. Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên sát 12%/năm. Và một lần nữa, lại xuất hiện tình trạng niêm yết chung một mức lãi suất đối với một loạt kỳ hạn huy động khác nhau, thậm chí lãi suất tiền gửi dài hạn lại thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngắn hạn. Ví dụ, gần đây một số ngân hàng như Maritime Bank và Techcombank công bố lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng lại bằng đúng kỳ hạn 3 tháng và lãi suất kỳ hạn 36 tháng lại thấp hơn loại 3 tháng.

– Vậy ông có thể lý giải nguyên nhân?

Theo tôi, nghịch lý này có phần xuất phát từ 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, ngân hàng nào cũng sợ bị “cướp” mất khách hàng gửi tiền. Mất khách hàng vay vốn không đáng ngại lắm và không mất nhiều chi phí để có thể tái lập. Nhưng mất khách hàng gửi tiền, nhất là khách hàng là các tổ chức kinh tế, thì bị xem như là nguy cơ bỏ mất “trận địa” thị trường huy động, sẽ phải trả giá đắt để khôi phục.

Thứ hai, do tỷ lệ lạm phát tăng cao mấy năm gần đây, làm cho khách hàng chưa yên tâm gửi tiền vào ngân hàng với kỳ hạn tính bằng năm, mà vẫn tiếp tục gửi theo từng tháng. Nhất là sau khi Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm nay từ 7% lên 8%, thì người gửi tiền càng muốn “lướt sóng”. Quan điểm tuyệt đối hóa việc vận hành thị trường theo lãi suất thực dương tại mọi thời điểm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý: Bỏ vốn sản xuất, kinh doanh không có lời bằng mang tiền gửi nhà băng. Lãi suất tiết kiệm lên tới gần 12%/năm, trong khi lợi tức của nhiều doanh nghiệp cũng như của chính một số ngân hàng chỉ trên dưới 10%/năm. Vì vậy, nguồn vốn của các tổ chức kinh tế và dân cư, thay vì chảy thẳng vào nhà máy, công trường, thì lại đổ hết vào kho két ngân hàng.

Thứ ba, các ngân hàng phòng xa nguy cơ thanh khoản, cho nên dù dư nợ tăng không đáng kể, dù không thiếu vốn, nhưng vẫn “tích cốc phòng cơ”. Bởi nỗi khiếp đảm suýt mất khả năng thanh toán trong toàn hệ thống từ năm 2008 vẫn như còn rình rập các ngân hàng. Đặc biệt, việc cảnh báo úp mở do NHNN phát ra về con số huy động vốn từ thị trường liên ngân hàng không được quá 20% đã làm cho nhiều ngân hàng càng thêm run sợ. Vì vậy, người ta sẵn sàng huy động của tổ chức kinh tế và dân cư với lãi suất cao hơn hẳn so với nhận tiền gửi liên ngân hàng. Hiện tượng này đã kéo dài và đó là một nghịch lý thị trường chưa từng có. Việc này đã làm hạn chế rất nhiều hoạt động kinh doanh tiền tệ cũng như việc liên thông, chuyển dịch, điều hòa vốn giữa các ngân hàng.

Bài toán hóa giải?

Nhưng đó chỉ là nguyên nhân của một nghịch lý. Với tư cách là một chuyên gia ngân hàng, ông có thể lý giải nguyên nhân của các nghịch lý như ông nói?

Theo tôi, lãi suất cơ bản chỉ là một trong những căn cứ để các ngân hàng ấn định lãi suất cho vay cụ thể với nhiều loại cho vay và nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Theo lẽ thường, bên cạnh lãi suất cơ bản, thực tế thị trường phải có nhiều mức lãi suất khác cao hơn và thấp hơn. Thế nhưng trong nhiều năm qua, đã không có loại lãi suất cho vay thấp hơn, mà chỉ có cao hơn, thậm chí là thoát ly hoàn toàn lãi suất cơ bản. Như vậy, lãi suất cơ bản đã quên mất lẽ sống là phải đồng hành cùng thị trường. Đó là lỗi đầu tiên của lãi suất cơ bản. Nó đã đi một mình một đường và đánh mất vai trò dẫn dắt thị trường.

Mặc dù không có bất cứ quy định nào o bế, nhưng lãi suất cơ bản vẫn bị rơi vào tình trạng xơ cứng, tự đánh mất vai trò của mình. Lúc cần tăng giảm bao nhiêu cũng được để cho sát với thực tế thị trường, thì nó đã quên nhiệm vụ. Đến khi gặp sự biến lãi suất tăng vọt vào đầu năm 2008, thì nó mới chợt bừng tỉnh. Và từ chỗ là giải pháp tình thế, nó đã bị khoác cho trọng trách như của một cái van tim, đóng hay mở đều sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ huyết mạnh thị trường. Đó là lỗi thứ hai của lãi suất cơ bản, nó không vận động được một cách bình thường, vì phải chịu áp lực quá nặng nề.

Lãi suất cơ bản đã đi một mình một đường và đánh mất vai trò dẫn dắt thị trường

Một số đạo luật thay vì xác định cụ thể mức lãi suất giao dịch tối đa hay mức cụ thể để kết tội cho vay nặng lãi, thì lại đi dựa dẫm vào lãi suất cho vay cao nhất hoặc lãi suất cơ bản của ngân hàng. Do lãi suất cơ bản không những được “đóng đinh” trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự, mà còn hiện diện ít nhất trong 3 đạo luật khác nữa, nên đã trở thành lý do cơ bản xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối việc bỏ lãi suất cơ bản. Đó cũng chính là lỗi thứ ba của lãi suất cơ bản, nó đã bị pháp luật khóa cứng, cứ phải đứng như “bù nhìn” chịu trận.

Việc nhiều đạo luật căn cứ vào lãi suất ngân hàng đã dẫn đến tình trạng đa số không biết giới hạn nào là vi phạm pháp luật dân sự, hành chính hay hình sự. Bởi vì, lãi suất ngân hàng thay đổi quá nhiều và vận hành theo những cơ chế quá khác biệt trong từng thời kỳ. Riêng lãi suất cơ bản, trong vòng 10 năm qua, đã có trên 20 lần thay đổi và càng sau này càng thiếu ý nghĩa thực chất. Đặc biệt là giai đoạn 2002 – 2005, không thể xác định được một mức lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cao nhất nói riêng theo quy định của pháp luật, do thực hiện hoàn toàn cơ chế tự do hóa lãi suất.

Lãi suất toàn bộ thị trường ngân hàng đã từng được tự do hóa 100% từ tháng 6/2002 đến tháng 5/2008. Trên thực tế từ trước đến nay, trần lãi suất cho vay dựa trên lãi suất cơ bản cũng dường như đã bị vô hiệu hóa trong các giao dịch kinh tế, dân sự, bên ngoài ngân hàng. Từ giữa tháng 4/2010 đến nay, các ngân hàng đã được trở lại cho vay theo lãi suất thỏa thuận, tức là tự do hóa lãi suất trong ngành ngân hàng, thì một lần nữa lãi suất cơ bản lại bị vô hiệu hóa. Ngân hàng là những tổ chức cho vay chuyên nghiệp với bao nhiêu điều kiện ràng buộc chặt chẽ mà còn được giải phóng khỏi “xiềng xích” lãi suất cơ bản. Vậy thì chẳng có lý do gì lại bắt các pháp nhân và cá nhân khác phải đội mãi cái vòng kim cô lãi suất cơ bản trong các giao dịch kinh tế, dân sự. Đó là lỗi thứ tư của lãi suất cơ bản, nó đã gây ra quá nhiều rắc rối, công ít, tội nhiều, đáng bỏ hơn là đáng giữ.

– Vậy hóa giải nghịch lý lãi suất là gì?

Chỉ một câu thôi, theo tôi, phải bỏ lãi suất cơ bản.

– Xin cảm ơn ông!

Ngọc Nhi (thực hiện

—————

Diễn đàn Doanh nghiệp 21-6-2010:

http://dddn.com.vn/20100616032536102cat81/nghich-ly-va-loi-cua-lai-suat.htm

(1.963/1.963)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.972. Những kỷ lục "khủng" liên quan đến đấu...

Những kỷ lục "khủng" liên quan đến đấu giá đất năm 2024. (ĐTM) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,619