035. Có đổi nhưng chưa mới

(KTSG) – Dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do Bộ Tài chính trình Chính phủ đang nhận được nhiều góp ý, phản biện của giới chuyên môn và doanh nghiệp.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói, sau 5 năm đi vào cuộc sống, Luật Thuế TNDN đã phát huy vai trò của nó và tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động quản lý thuế. Tuy nhiên, những đòi hỏi cải cách hệ thống thuế theo quy định chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã làm lộ rõ những khiếm khuyết của luật này. Ông Lộc nhấn mạnh tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Thuế TNDN ngày 22/2 tại Hà Nội rằng, Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, và VCCI, chủ yếu tập trung vào những điểm sửa đổi, nhằm lắng nghe ý kiến của đại biểu về các vấn đề chưa thống nhất.

Vẫn chuyện thông tư, nghị định hướng dẫn luật

“Đừng dùng nghị định và thông tư thay thế vai trò của luật!”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bày tỏ bức xúc về việc nghị định và thông tư còn nhiều hơn cả luật. Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng dự thảo lần này mới chỉ nêu ra những nguyên tắc chung chung, thiếu chi tiết và không đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện một luật mới.

Theo Luật sư Đức, Dự thảo Luật Thuế TNDN, sau khi sửa đổi, gồm 15 trang, trong khi nghị định quy định chi tiết là 22 trang, thậm chí thông tư hướng dẫn thi hành dày tới 40 trang. Thực chất, dự thảo vẫn chỉ là một luật thuế được áp dụng từ năm 2003 nhưng lại có quá nhiều nghị định và thông tư khá rối rắm được ban hành vào các năm 2003, 2004, 2005 và 2007, hướng dẫn nhiều nội dung rất khác nhau.

“Dự luật vẫn còn là luật khung, luật ống”, Luật sư Đức nói, và khuyến cáo rằng, một trong những việc cần làm ngay là đưa càng nhiều nội dung được thể hiện trong các nghị định, thông tư hướng dẫn vào dự luật mới càng tốt.

Cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm tiếp thu, lắng nghe những ý kiến phản biện và tìm cách xử lý nó một cách khách quan trên cơ sở những nghiên cứu khoa học, cũng như phải tạo ra những quy phạm tốt nhất để xây dựng một đạo luật có sức sống độc lập và thực sự đi vào cuộc sống.

Luật sư Đức cảnh báo cơ quan soạn thảo về “căn bệnh” luật “sống ký sinh vào các văn bản dưới luật” (thông tư, nghị định). Nếu không có những điều chỉnh kịp thời thì luật vẫn phải chờ thông tư nghị định. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là doanh nghiệp sẽ không thực thi luật một cách nghiêm túc.

Về nguyên tắc, khi luật ra đời hoặc được chỉnh sửa và ban hành thì các văn bản hướng dẫn, như nghị định, thông tư, công văn trả lời, trước đây đương nhiên sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế sau nhiều lần sửa đổi, Dự luật Thuế TNDN chưa thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc vào các văn bản này.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cũng nói: “Chúng tôi e rằng, với nội dung Dự thảo Luật Thuế TNDN quá ngắn gọn sẽ phải ban hành thêm hàng loạt nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn khác, gây khó khăn cho việc tiếp cận và thông hiểu các văn bản này”.

Nhiều điểm chưa hợp lý

Dễ nhận thấy ở dự luật này là sự điều chỉnh về mức thuế suất thuế TNDN. Điều 10 của dự luật ghi mức thuế suất là 25%. Các chuyên gia cho rằng, việc hạ thuế suất từ 28% hiện nay xuống 25% “là tất yếu khách quan”. Tuy nhiên, mức thuế mới vẫn còn khá cao so với các nước trên thế giới. Theo Luật gia Cao Bá Khoát, nên giảm mức thuế suất vì hiện nay Việt Nam đã ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. “Mức thuế 25% cộng với mức thuế thu nhập cá nhân thì quá cao”, ông Khoát nói.

Cụ thể hơn, Luật gia Vũ Xuân Tiền đề xuất hạ thuế suất thuế TNDN xuống mức 20% hoặc 22%, vì xu thế chung hiện nay là các nước trong khu vực và trên thế giới đều “mạnh dạn” hạ thấp mức thuế này để thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Ở châu Á, Singapore đã quyết định hạ thuế suất thuế TNDN từ mức 20% xuống 19%, Trung Quốc cũng giảm xuống 25%, so với mức 33% trước đó. “Với xu hướng chung đó, nếu chúng ta giữ mức thuế suất 25% thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ lại phải điều chỉnh, tính ổn định của chính sách thuế lại bị phá vỡ”, Luật gia Vũ Xuân Tiền kiến nghị.

Một điểm quan trọng nữa, việc hạ thuế TNDN là một trong những giải pháp làm giảm động cơ trốn thuế, gian lận thuế của các doanh nghiệp. Mối lo về thất thu ngân sách khi hạ thuế không có cơ sở, bởi lẽ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động và nguồn thu cho ngân sách từ thuế sẽ được cân đối.

Một trong những điều khoản trong dự luật bị “phản đối” mạnh mẽ nhất là khoản 12, điều 8 quy định về các khoản chi không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Theo đó, “Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị, chi phí hỗ trợ tiếp thị… không được vượt quá 10% tổng số chi phí”.

Mức khống chế 10% của dự luật không thay đổi so với luật thuế TNDN hiện nay và bị coi là “chỉ phù hợp với thời kinh tế bao cấp”, thời mà doanh nghiệp “không cần quan tâm đến quảng cáo, tiếp thị và khuyến mại”. Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Ngày nay, bán hàng là bán thương hiệu, mà 10% thì sẽ giật gấu vá vai để xây dựng thương hiệu”.

Các ngân hàng thương mại cho biết, giới hạn này là rất bất hợp lý, vì chi phí quảng cáo, tiếp thị là một phần trong kinh doanh của họ, đề ra giới hạn 10% sẽ gây trở ngại cho họ.

Ông Ashok Sud, thành viên ban điều hành Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham), kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, nói hậu quả của mức khống chế 10% là rất lớn, vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế Việt Nam, khả năng thu hút đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. “Dự thảo về Luật Thuế TNDN hiện nay thậm chí là một bước lùi so với Thông tư 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007, đưa ra các quy định làm hạn chế đáng kể danh mục các chi phí đã xác định được tính khấu trừ thuế theo Công văn số 1766”, ông Sud bức xúc.

Luật gia Vũ Xuân Tiền nhắc lại đây là vấn đề đã được giới doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều lần, như tại cuộc đối thoại ngày 26/7/2004 giữa 342 doanh nghiệp và cơ quan thuế, khi có nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này. Khi đó, ông Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế thừa nhận là “đã nghe nhiều ý kiến như vậy”, và hứa “sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một mức khống chế phù hợp hơn với thông lệ quốc tế”.

“Có lẽ, lần sửa đổi, bổ sung lần này là thời cơ thuận lợi nhất để lời hứa của ông tổng cục trưởng trở thành hiện thực”, Luật gia Vũ Xuân Tiền kết luận.

Thành Trung

————————————-

Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 29-2-2008:

http://www.tin247.com/sua_luat_thue_thu_nhap_doanh_nghiep_co_doi_nhung_chua_moi-3-21219008.html

(346/1.432)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,771