035. Xử lý mạnh hơn những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

(TBTC)Trong thời gian qua, mặc dù ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các cơ quan hữu quan đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn những tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn liên tiếp xảy ra. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường đã và đang được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm, chẳng hạn như: Sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán, Nghị định thay thế Nghị định 36 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK… Để có cái nhìn dưới một góc độ khác về hoàn thiện khung pháp lý cho việc xử phạt các vi phạm trên TTCK, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI.

* Có ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa có tác dụng ngăn ngừa cao, mức xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.  Theo ông, làm thế nào để việc xử phạt đạt hiệu quả hơn?

– Đúng vậy! Tôi cho rằng, việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhẹ, vì vậy chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt nhẹ cũng dẫn đến việc chưa phát huy được tác dụng ngăn ngừa vi phạm, nên hiện tượng phạm luật xảy ra còn khá nhiều. Việc xử phạt trong thời gian qua chủ yếu gồm hai hình thức là cảnh cáo và phạt tiền, mà chưa có trường hợp nào bị xử phạt hình sự về các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Theo tôi, muốn xử phạt có hiệu quả, thì cần thay đổi ba vấn đề sau: Thứ nhất là cần tăng mạnh mức phạt, nâng mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm cao hơn hẳn mức cao nhất 70 triệu đồng hiện nay; Thứ hai, phải tịch thu toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm; Thứ ba là xử lý phạt tù đối với các tội phạm về chứng khoán theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự.

* Hiện nay, trên TTCK có những hành vi mang dấu hiệu trục lợi một cách công khai như hiện tượng tập trung mua bán vào một vài mã để đẩy giá cổ phiếu hoặc, các quỹ đầu tư cũng tham gia lướt sóng… Với tư cách là một chuyên gia về luật, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò quản lý điều hành thị trường?

– Việc tập trung mua bán một vài mã chứng khoán thật khó có thể phân biệt được khi nào thuộc trường hợp để đầu tư chính đáng, khi nào thuộc trường hợp “đẩy giá”. Tương tự, việc lướt sóng, mua vào bán ra liên tục khi nào là nhân tố thúc đẩy sự sôi động của thị trường, khi nào làm ảnh hưởng xấu đến thị trường. Vai trò của cơ quan quản lý, điều hành thị trường là phải xây dựng và thực thi được các quy định pháp lý nhằm khuyến khích yếu tố tốt, hạn chế yếu tố xấu, bắt lỗi chính xác và bài bản. Phải có tiêu chí phân biệt rõ giữa hành vi phạm luật và hành vi mua bán hợp pháp, tức là giữa việc trục lợi sai trái và việc kiếm lời chính đáng. Nếu nhà đầu tư có tiền thì họ được phép mua vào hoặc bán ra thật nhiều, không loại trừ mua, bán toàn bộ số lượng giao dịch trong một số phiên. Nó chỉ là bất hợp pháp khi đi kèm theo những thủ đoạn kích giá, hạ giá trái phép như tung tin giả, mua bán giả, không thực hiện đúng thủ tục chào mua, chào bán công khai,… Một trong những biện pháp tốt nhất để hóa giải thị trường chứng khoán – thị trường mua bán thông tin – là phải tức thời công khai toàn bộ những thông tin cần thiết, có ý nghĩa. Ví dụ không chỉ công bố thông tin của một nhà đầu tư có giao dịch lớn, mà cần phải công bố 10 nhà đầu tư có giao dịch lớn nhất đối với một mã chứng khoán, trong trường hợp số lượng giao dịch vượt quá 10% số cổ phiếu…

* Hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước đang hoàn thiện hành lang pháp lý về TTCK. Ông có ý kiến đóng góp gì để hành lang pháp lý về TTCK được hoàn thiện hơn?

– Về hành lang pháp lý đối với TTCK nói chung, hiện nay còn một số bất cập và chưa bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết cho một lĩnh vực chuyên ngành có rất nhiều đặc thù. Ví dụ, những quy định về quản trị công ty đại chúng và công ty niêm yết hiện nay là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng lại không hề được quy định trong Luật Chứng khoán, mà chỉ được quy định trong Thông tư. Do vậy, Luật Chứng khoán cần được sửa đổi toàn diện, triệt để hơn. Đối với các văn bản dưới luật, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính cần cho phép xử phạt về chứng khoán lên mức tối đa 500 triệu đồng. Hay cần sửa đổi các thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có hướng dẫn về xử lý hình sự (Thông tư liên tịch số 46/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 11/3/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công an “Hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán”, ra đời trước khi có 3 điều quy định về tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự).

* Xin cám ơn ông!

Duy Thái – Ánh Phượng

——————-

Thời báo Tài chính Việt Nam số 83 ngày 12-7-2010:

(1.073/1.073)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,468