036. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không phải là gạt bỏ những vấn đề khó (kỳ 1)

(ĐBND) – Theo các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thì dự thảo Luật có nhiều ưu điểm, tạo đà cho sự phát triển của DN trong thời kỳ hội nhập. Song, vẫn còn nhiều điểm phải xem xét lại do chưa được cụ thể hoá, còn sót đối tượng điều chỉnh và mập mờ trong phân mục phải chịu thuế và không chịu thuế.

  Kỳ I:  Không dùng Nghị định và Thông tư để thay thế vai trò của Luật
      Đây là ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ông Đức cho rằng, Dự thảo Luật vẫn ở dạng luật khung, luật ống. Thực tế cho thấy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được xây dựng và sửa đổi nhiều lần, nhưng cho đến Dự thảo lần này vẫn chỉ là nguyên tắc chung chung, thiếu cụ thể, thiếu chi tiết, không thể thực hiện được ngay theo yêu cầu, đòi hỏi mới về xây dựng Luật. Luật Thuế TNDN hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung) gồm 15 trang, trong khi Nghị định quy định chi tiết là 22 trang và Thông tư hướng dẫn thi hành là 40 trang. Cơ bản, dự thảo Luật vẫn là Luật Thuế TNDN năm 2003, nhưng lại có nhiều Nghị định và nhiều Thông hướng dẫn. Do đó, một trong những việc quan trọng là cần đưa càng nhiều những nội dung đang được thể hiện trong các Nghị định, Thông tư vào Dự thảo Luật càng tốt. Bởi trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không phải là gạt bỏ hết những nội dung khó, những vấn đề chưa “chín”, mà là cần phải xử lý nó, phải tạo ra những quy phạm tốt nhất để xây dựng Luật có sức sống độc lập, bền vững.
Luật gia Cao Bá Khoát – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự cho rằng: Cần thay đổi tư duy xác định đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật Thuế TNDN hiện sử dụng phương pháp liệt kê để xác định đối tượng nộp thuế. Phương pháp này vừa bỏ sót đối tượng nộp thuế, vừa dẫn đến việc đánh thuế trùng. Việc bỏ sót đối tượng nộp thuế được thể hiện như sau: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Dự thảo Luật thì: Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp không được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà được thành lập và hoạt động theo các luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm thì có phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không? (Bởi vì Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Tại khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Luật quy định: Doanh nghiệp thành lập theo pháp luật nước ngoài vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những khoản thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng khoản 1 Điều 2 lại xác định đối tượng nộp thuế TNDN không bao gồm các doanh nghiệp thành lập theo pháp luật nước ngoài. Vậy trong trường hợp này ai là người phải nộp thuế TNDN? Theo Ts Nguyễn Văn Tuyến – Đại học Luật Hà Nội: Tại Điều 2 của Dự thảo Luật quy định về đối tượng nộp thuế cũng còn nhiều điều chưa ổn. Đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân có thu nhập chịu thuế thì Dự thảo chưa đề cập đến một cách rõ ràng. Điều này có thể gây tranh cãi hoặc giải thích, áp dụng Luật không thống nhất, bởi lẽ có ý kiến cho rằng thu nhập của doanh nghiệp tư nhân đã được cá nhân chủ doanh nghiệp nộp thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, dự thảo Luật cần tính đến trường hợp này, tránh nguy cơ quy định chồng chéo, trùng lặp giữa Luật Thuế TNCN với Luật Thuế TNDN.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, cách diễn đạt trong dự thảo chưa thể hiện rõ ràng những dấu hiệu hay điều kiện để giúp người thu thuế và người nộp thuế xác định được chính xác về chủ thể nộp thuế. Nghĩa là một doanh nghiệp như thế nào thì sẽ phải nộp thuế TNDN? Điều này là rất quan trọng, không chỉ đối với cơ quan thuế, cán bộ thuế mà cả đối với người nộp thuế, vì họ có nghĩa vụ tự kê khai thuế, tự tính thuế và tự nộp thuế theo cơ chế quản lý thuế hiện hành.
Cũng bàn về Đối tượng nộp thuế theo Luật Thuế TNDN, Ts Nguyễn Thị Lan Hương- Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng: Điều 2 của Dự thảo Luật Thuế TNDN chưa xem xét đến tính đặc thù về cơ cấu thu nhập của tổ hợp tác cũng như doanh nghiệp quy mô nhỏ. Những đơn vị này có thể sẽ lúng túng trước việc lựa chọn áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân hay Luật Thuế TNDN? Theo Luật Thuế TNCN, cá nhân có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ, và thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật là người nộp thuế và người chịu thuế. Điều này thể hiện sự phân tách giữa áp dụng Luật thuế đối với thu nhập của cá nhân và thu nhập của tổ chức.
Khác với thu nhập là đối tượng áp dụng của Luật thuế TNDN, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ theo Luật Thuế TNCN không được chuyển lỗ. Nếu từ ưu điểm này, cá nhân kinh doanh sẽ lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp để áp dụng Luật Thuế TNDN thay cho việc áp dụng Luật Thuế TNCN. Theo Luật Thuế TNDN và Luật Thuế TNCN, tổ chức kinh doanh có nghĩa vụ chấp hành chế độ quản lý hóa đơn chứng từ, tuy nhiên, đối với tổ chức kinh doanh có quy mô nhỏ, tuân thủ đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ cũng đồng nghĩa với việc làm tăng chi phí kinh doanh, và cuối cùng ảnh hưởng đến thu nhập của tổ chức đó. Bởi vậy, cần quy định giải pháp lựa chọn kê khai áp dụng theo Luật Thuế TNCN đối với các cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh, thành viên góp vốn của công ty hợp danh với quy mô nhỏ có số lượng lao động ít.

(Còn nữa)

Vân Hà

——————————–

Báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 09-3-2008:

http://www.nguoidaibieu.com.vn/pPrint.aspx?itemid=34949

(250/1.265)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,769