(VTV1) – Từ 1/7, người vay có tên trong hợp đồng tín dụng sẽ phải chịu mức lãi suất 18%/năm thay cho 13,5% trước đó. Người đi vay sốc, bởi mức lãi suất đã tăng tới hơn 33%…
Hiện trên thị trường ngân hàng đang có hiện tượng các ngân hàng thương mại tăng rất mạnh lãi suất thỏa thuận cho vay tiêu dùng đối với nhiều hợp đồng đang thực hiện dở. Chuyện này tuy đã được quy định trong các hợp đồng tín dụng với khách hàng, nhưng nhiều người đang vay tiêu dùng vẫn hết sức ngạc nhiên và bất bình với ngân hàng, vì bối cảnh này Chính phủ và NHNN đang chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất.
Từ 1/7, người vay có tên trong hợp đồng tín dụng sẽ phải chịu mức lãi suất 18%/năm thay cho 13,5% trước đó. Người đi vay sốc, bởi mức lãi suất đã tăng tới hơn 33%. Điều đáng nói là dù đây là lãi suất thỏa thuận, nhưng người đi vay thì không có cơ hội để thương thảo. Bởi vậy, họ chỉ còn có 2 cách, chấp nhận tuân thủ đúng hợp đồng, hoặc là hủy hợp đồng, nhưng sẽ phải chịu phạt vì thanh toán trước hạn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, cho rằng, cũng bất ngờ vì sự tăng vọt đột biến về lãi suất này. Nhưng ông Đức cũng cho biết, sự bất ngờ này cũng đã từng được dự đoán từ trước.
Không chỉ cho vay tiêu dùng, các lĩnh vực cho vay khác như bất động sản, chứng khoán, các ngân hàng đều không điều chỉnh giảm lãi suất, mà thậm chí còn tăng. Theo các ngân hàng, vì đây là những lĩnh vực có độ rủi ro cao, và chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cũng không khuyến khích cho vay các lĩnh vực này.
Như vậy, rõ ràng không phải lĩnh vực nào cũng được các ngân hàng ưu tiên giảm lãi suất. Trong bối cảnh chính phủ, NHNN đang có chỉ đạo giảm lãi suất để kích thích sản xuất, thì không quá khó hiểu khi một số ngân hàng đẩy mạnh lãi suất ở các lĩnh vực tín dụng khác, mục đích là bù vào phần thu nhập giảm đi ở các khoản vay sản xuất, xuất khẩu, vay nông nghiệp… để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng. Vì theo cái lý của ngân hàng, họ cũng là doanh nghiệp, và cũng đang chịu áp lực hiệu quả kinh doanh trước cổ đông.
Nguyễn Sơn
Bản tin Tài chính VTV1 19h45 ngày 28-7-2010:
(458/458)