(LĐ) – Chúng tôi không phân biệt thị trường đúng hay sai, quan điểm của những người kinh doanh là thị trường luôn luôn đúng, chỉ có người tham gia thị trường nhận định đúng hay sai. Còn chính sách? Chính phủ có lý do để đưa ra các giải pháp cấp bách. Chúng tôi không phán xử mà chỉ tìm cách ứng xử” (lời lãnh đạo một CTCK).
Chứng khoán vẫn là cơ hội
Phản biện lại một vài ý kiến cho rằng TTCKVN đã sụp đổ, đại đa số khẳng định là chưa có cơ sở để nói như vậy. Ông Trần Bá Trung, GĐ Cty Tài chính Bưu điện nói: “Thị trường không sụp đổ. Chưa Cty nào tuyên bố phá sản, chưa NH nào mất khả năng thanh khoản, nền kinh tế vẫn đang vận hành tương đối tốt. Chưa có tiêu chí để nói là thị trường sụp đổ. Với tôi, thị trường lên chưa có nghĩa là tốt, thị trường sụt giảm chưa có nghĩa là xấu. Thị trường thời điểm này là cơ hội lớn cho những người có tiền”.
Về thông tin có CTCK đã lỗ, mọi người cho rằng kinh doanh lỗ-lãi là chuyện bình thường, có Cty phải bán lại, sáp nhập hay đóng cửa thì đó cũng là sự thanh lọc tất yếu của thị trường.
Thị trường có chu kỳ lên-xuống, đi từ điểm cân bằng này đến điểm cân bằng khác. TTCKVN cũng vậy, đã từng diễn ra thời kỳ gần như “đóng băng” hoàn toàn nhưng sau đó lại hồi phục và phát triển mạnh. Thời kỳ này chỉ có thể coi là thời kỳ sụt giảm của TTCKVN mà thôi.
Một số lãnh đạo Cty tài chính và CTCK cho biết Cty đang chuyển hướng sang đầu tư các CP OTC vì chưa bao giờ CP của các DN chưa niêm yết lại rẻ như vậy, có những CP thị giá đã về gần mệnh giá, trong khi giá trị của DN sau bao nhiêu gây dựng đã rất lớn.
Điều chỉnh biên độ giá – tốt trong ngắn hạn
Về 5 biện pháp bình ổn thị trường của Chính phủ đưa ra vừa qua, ông Trần Bá Trung nói: “Nền kinh tế chỉ có DNNN thì không nói làm gì. Đa sở hữu thì sự điều tiết của Nhà nước trong một số vấn đề cũng chỉ có tính định hướng, mục tiêu. Bản thân mỗi chủ thể kinh doanh phải tự mình tính toán. Luôn có mâu thuẫn nhất định giữa ý chí của Nhà nước và mong muốn của những nhóm lợi ích. TTCK vừa qua đã phản ánh khá rõ điều đó.
Có những thời điểm Chính phủ muốn NĐT mua thì họ lại bán, muốn “xanh” thì “đỏ”, muốn thị trường lên thì thị trường lại xuống. Chúng ta phải quen dần với điều đó để có các giải pháp thị trường, hạn chế biện pháp hành chính và có cách ứng xử phù hợp với quán tính thị trường”.
Liên quan đến biện pháp chỉ đạo và vận động các NH chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố, repo CK, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói: “Thực ra bây giờ nhiều NH cũng không giải chấp nữa, bây giờ bán CK ra là chết, lỗ đầm đìa, thất thoát vốn, bị quy trách nhiệm kinh doanh, NH không dám mạo hiểm thế đâu. Thôi đành nuôi nợ xấu với hy vọng đến lúc thị trường phục hồi.
Bây giờ, NH sẽ thúc ép khách hàng thanh toán các khoản vay CK đến hạn, hoặc trước hạn. NH đòi nợ thì thị trường cạn tiền. Nếu chỉ vận động NH đừng bán CK hay hoãn thu nợ thì khó thực hiện, có thể nghĩ đến việc Chính phủ cho phép khoanh nợ đầu tư CK không? Nếu có chủ trương này thì các NH sẽ yên tâm không giải chấp, không thúc khách hàng trả nợ nữa”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và đưa ra các chính sách, biện pháp đối với TTCK ở VN thường quá lâu, trong khi thị trường biến động liên tục cần phải ứng xử rất nhanh. Vì vậy, nhiều giải pháp quản lý đưa ra chưa phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường.
Trong khi đó, ông Ngô Phương Chí, Phó TGĐ CTCK Bảo Việt nói: “NĐT rất thiếu thông tin. Tại đa số các CTCK, bộ phận tư vấn khách hàng lại nằm trong khối kinh doanh tự doanh nên tính khách quan của thông tin khó được đảm bảo. Chúng ta đang thiếu các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm của các DN. Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN đã xếp hạng DN niêm yết nhưng việc đánh giá mới dựa vào các hồ sơ tín dụng và báo cáo tài chính do các DN công bố nên thông tin chưa thật đầy đủ, chính xác và cập nhật. VN đang rất cần các Cty độc lập định giá tín nhiệm DN để giúp các NĐT có kênh tham khảo”.
Trịnh Ngọc Lan
——————-
Báo Lao Động số 72 ngày 31-3-2008:
(164/893)
————–
Đăng lại
http://www.sbsc.com.vn/news/detail.do?id=12992 31/03/2008 09:49 AM