038. Ưu đãi thuế: Chưa đủ!

(DĐDN) – Việc ưu đãi thuế vào lúc này được ví von như trao cho doanh nghiệp phao cứu sinh. Nhưng chỉ có tiến hành cải cách môi trường kinh doanh mới là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài.

Từ quý 4/2008 cho đến nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã ban hành khá nhiều quyết định mới liên quan tới sắc thuế thu nhập doanh nghiệp. Tháng 11/2008, Chính phủ quyết định giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp với các tổ chức niêm yết chứng khoán trong thời gian 2 năm 2004 – 2006. Đến tháng 12/2008, Chính phủ tiếp tục đồng ý giảm 30% thuế thu nhập nữa với các doanh nghiệp gặp khó khăn, và áp dụng ngay trong quý 4/2008, kéo dài hết năm 2009. Đồng thời, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng, thay vì 6 tháng, và yêu cầu ngành thuế thực hiện rút ngắn hơn nữa thời gian hoàn thuế GTGT.

Giảm thuế – tăng hậu kiểm

Theo Lộ trình cải cách thuế giai đoạn 2005 – 2010, Chính phủ hướng tới 3 mục tiêu quan trọng. Đó là mở rộng diện chịu thuế, giảm thuế suất, khuyến khích sản xuất, đầu tư phát triển và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.

Dĩ nhiên, việc giảm thuế sẽ được giới doanh nghiệp hết sức hoan nghênh. Với các doanh nghiệp nhỏ, việc giảm thuế thu nhập này có thể sẽ không thể hiện tác động rõ rệt. Nhưng với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là với các công ty đại chúng, việc giảm thuế đã tác động lớn, tích cực tới kết quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể sẽ không mang lại tác dụng như ý muốn của các nhà hoạch định, nếu bản thân ngành thuế không đẩy nhanh hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình.

Câu hỏi đặt ra là ngành thuế đã đảm bảo các doanh nghiệp khai báo doanh thu một cách trung thực – cơ sở để đảm bảo chất lượng thu thuế thu nhập doanh nghiệp – hay chưa ? Câu trả lời, dường như sẽ là… chưa! Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện vẫn có quá nhiều kẽ hở, quá nhiều bất cập trong cơ chế quản lý, để dẫn tới kết quả gần như không thể quản lý nổi doanh thu thực tế của doanh nghiệp. Kết quả dẫn tới đương nhiên sẽ là cũng quá khó để thu đúng, thu đủ đối với loại hình thuế thu nhập doanh nghiệp. Có nghĩa là, bên cạnh việc giảm thuế để động viên doanh nghiệp, thì cũng rất cần tăng được hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp, và xem đó như một trong những biện pháp chủ yếu để nâng cao số thu cho ngân sách sau khi giảm mức thu thuế.

Mặt khác, khi đề xuất giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp được đưa ra bàn tại Quốc hội đầu năm 2008, nhiều đại biểu đã cho rằng, điều cần với doanh nghiệp là môi trường hoạt động tốt, minh bạch, chứ chưa hẳn chỉ là giảm thuế. Ông Lê Văn Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng: “Hạ xuống 3% không có giá trị nhiều lắm. Đánh giá của nhiều chuyên gia thì ngay mức thuế 28% cũng không gây cản trở việc thu hút đầu tư vào nước ta. Điều quan trọng là doanh nghiệp trông đợi vào những cải cách trong thủ tục đầu tư, cải tiến môi trường đầu tư. Và đó mới là điểm mấu chốt để khuyến khích phát triển doanh nghiệp bền vững”.

Cải cách – một cách tái đầu tư

Dường như, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra hiện nay đã có tác động mạnh mẽ tới quan điểm quản lý của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Những yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra trong vài năm trước đã được đáp ứng nhanh chóng. Vậy thì việc giảm thuế sẽ tác động thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp? Đặt câu hỏi – dường như vô lý này, thực ra lại là cần thiết. Vì về bản chất, thuế cũng chỉ là một trong những chính sách quản lý tác động  – dù là tác động lớn – tới hoạt động của doanh nghiệp. Còn hàng loạt những quy định quản lý khác về thủ tục hành chính, quy định xuất nhập khẩu, môi trường, đầu tư… có thể tác động mạnh, thậm chí có thể đóng vai trò như một cái phanh ngăn cản hiệu quả của những chính sách hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, hiện có khoảng 6.500 thủ tục hành chính của cả cơ quan Nhà nước liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, hiện nay danh mục các thủ tục hành chính thuộc 21 lĩnh vực quản lý nhà nước đang được lập để đảm bảo việc thống kê đầy đủ, toàn diện các thủ tục hành chính. Danh mục khoảng 6.500 thủ tục hành chính đang được gửi lấy ý kiến  để hoàn chỉnh.

Ông Phúc cũng cho biết, sẽ rà soát thủ tục hành chính theo các tiêu chí về tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của thủ tục hành chính và các văn bản, quy định có liên quan, từ đó đơn giản hoá thủ tục hành chính ở tất cả các cấp.

Điều này có nghĩa là, những cải cách về thuế cần được vận dụng trong tương quan với những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, thay vì chỉ được xem như một nỗ lực cải cách của một ngành. Điều doanh nghiệp cần là sự đơn giản, minh bạch, hiệu quả quản lý hành chính cần được nâng cao hơn nữa cùng với những hỗ trợ về thuế. Quan điểm từ các doanh nghiệp cho rằng, rút ngắn thời gian hành chính cũng là tiết kiệm tiền bạc đối với doanh nghiệp. Vấn đề là cuộc khủng hoảng này có làm thay đổi tốc độ cải cách hành chính hay lại trở thành một cái cớ để trì hoãn những nỗ lực cải cách mà thôi.

Nói như bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, điều mà doanh nghiệp mong mỏi không phải là ưu đãi về thuế, quan trọng hơn là tất cả rào cản phải được xoá bỏ để có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp mở hầu bao

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI và VNCI thực hiện đã chứng minh: Ưu đãi thuế chỉ là một phần rất nhỏ trong việc thu hút đầu tư. PCI là công cụ hữu ích để cộng đồng doanh nghiệp địa phương thể hiện đánh giá của họ về thực tế môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đồng thời cung cấp cho chính quyền địa phương các cấp các thông tin cụ thể, xác thực về nguyện vọng của doanh nghiệp để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, góp phần đắc lực vào công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Qua PCI, chúng ta cũng thấy được rõ những cản trở mà cộng đồng doanh nghiệp dân doanh hiện đang phải đối mặt. Đó vẫn là những khó khăn về thủ tục hành chính, những nút thắt về cơ sở hạ tầng hay sự thiếu hụt nguồn lao động có trình độ. Theo tôi, để doanh nghiệp có thể mở hầu bao ra đầu tư chính quyền các cấp nên cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh của địa phương và vùng kinh tế. Và từ đó để thấy rằng không chỉ ưu đãi thuế mới là biện pháp chủ yếu để kích cầu.

————————————–

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp 02-4-2008:

(129/1.428)

—————–

Đăng lại:

  1. http://www.taichinhdientu.vn/Home/Uu-dai-thue-Chua-du/20094/42609.dfis
  2. http://news.sanotc.com/ViewItem.aspx?hl=vi&item=335630

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,769