040. Dự thảo luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Vẫn còn những băn khoăn

(HNM)Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TTNDN) sửa đổi tuy đã được Bộ Tài chính chuẩn bị khá kỹ nhưng vẫn có nhiều ý kiến đánh giá là không chi tiết. Hơn nữa, còn nhiều điểm phải xem xét lại do chưa được cụ thể hóa, còn sót đối tượng điều chỉnh…

Chi phí quảng cáo, tiếp thị là một phần trong kinh doanh.  Ảnh: Nguyễn Phượng

“Cần tránh tình trạng luật khung, luật ống’’ là ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ông Đức cho rằng, dự thảo Luật TTNDN (sửa đổi) vẫn nặng tính hình thức và phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn. Quan điểm làm luật như vậy không có gì tiến bộ hơn so với mấy chục năm trước. Đơn cử như khoản 2, Điều 8 quy định: “Hàng hóa, dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp”. Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt và mức tiền không phải thanh toán qua ngân hàng là không đạt yêu cầu. Nếu không ấn định số tiền cụ thể trong trường hợp trên, thì làm sao có thể lý giải cho được việc quy định tại Điều 10 về hoàn thuế như sau: “Trường hợp cơ sở kinh doanh đầu tư mới đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 1 năm trở lên mà số thuế GTGT sử dụng cho đầu tư từ 200 triệu trở lên thì được hoàn thuế theo quý”.

Do đó, một trong những việc cần làm ngay là cần đưa càng nhiều những nội dung đang được thể hiện trong các nghị định, thông tư vào dự thảo Luật càng tốt. Bởi thực tiễn đã chứng minh, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không phải là gạt bỏ hết những nội dung khó, những vấn đề chưa “chín”, mà là cần phải xử lý nó, phải tạo ra những quy phạm tốt nhất để xây dựng Luật có sức sống độc lập, bền vững.

Luật gia Cao Bá Khoát – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn DN và Cộng sự cho rằng: Cần thay đổi tư duy xác định đối tượng nộp thuế thu nhập DN. Luật TTNDN hiện sử dụng phương pháp liệt kê để xác định đối tượng nộp thuế. Phương pháp này vừa bỏ sót đối tượng nộp thuế, vừa dẫn đến việc đánh thuế trùng. Việc bỏ sót đối tượng nộp thuế được thể hiện như sau: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Dự thảo Luật thì: Đối tượng nộp TTNDN bao gồm: DN thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo Luật DN, Luật Đầu tư… Câu hỏi đặt ra là các DN không được thành lập theo Luật DN, Luật Đầu tư mà được thành lập và hoạt động theo các luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm thì có phải nộp thuế thu nhập DN không?

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, qui định DN được phép trích tối đa 10% trên thu nhập chịu thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là chưa phù hợp, cần nâng cao hơn vì chi phí để phát triển khoa học công nghệ rất tốn kém.

Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thu nhập DN của nước ta hiện nay được coi là gần như phức tạp nhất so với thông lệ quốc tế. Cơ quan thuế cần kết hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư rà soát lại danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư để bảo đảm việc ưu đãi trở thành hiện thực. Mặt khác, cũng cần xem lại thuế suất và thời gian ưu đãi đầu tư để bảo đảm tính công bằng, đồng thời đáp ứng yêu cầu rõ ràng, dễ thực hiện để đạt được mục tiêu của việc ưu đãi đầu tư. Bởi theo ông Phạm Đình Thi- thành viên Ban soạn thảo Luật TTNDN sửa đổi, thì vẫn có những DN mười mấy năm vẫn hưởng thuế suất ưu đãi đầu tư.

Xung quanh mức thuế suất thu nhập DN đã được giảm 3% so với hiện tại (từ 28% xuống còn 25%), nhiều doanh nhân vẫn cho rằng mức này còn khá cao so với thực tế. Nếu vẫn giữ mức thuế suất cao như hiện nay thì chỉ một thời gian ngắn nữa lại phải điều chỉnh luật cho phù hợp. Do đó, dự thảo nên hạ thuế suất TTNDN xuống mức 20% hoặc 22% để thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Việc hạ mức thuế suất, giảm mức thuế phải đóng cũng sẽ làm giảm hiện tượng gian lận thuế, trốn thuế.

Về ý kiến lo ngại nhà nước sẽ thất thu ngân sách khi hạ thuế suất, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng điều này là không có cơ sở vì hạ thuế suất cũng sẽ khuyến khích được các cá nhân và hộ gia đình đang kinh doanh và nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển sang thành lập DN có quy mô lớn hơn để được áp dụng mức thuế suất của Luật TTNDN. Mặt khác, với mức thuế suất thấp cũng sẽ hạn chế được các trường hợp phải giảm thuế, ưu đãi thuế. Do đó, sẽ cân đối được nguồn thu này.

Qui định hiện gây nhiều tranh cãi nữa là các khoản chi không được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Theo đó, chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới… không được vượt quá 10% tổng số chi phí. Bà Phương Ngọc Mai – Giám đốc Công ty Thương mại Tấn Lợi cho rằng, chi phí quảng cáo, tiếp thị là một phần trong kinh doanh, tại sao lại phải khống chế ? Quy định này sẽ gây khó khăn cho DN và dẫn đến việc DN phải hợp thức hóa khoản chi này dưới các hình thức chi khác!

Hà Phong

———————————–

Báo Hà Nội Mới ngày 6-5-2008:

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/41/167101/

(314/1.101)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại...

Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại VNG có bất thường? (VNB) -...

Trích dẫn 

3.856. Siết mạnh quy định đầu tư trái phiếu...

Siết mạnh quy định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thị trường càng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,265