041. Dự thảo Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm: Nên thống nhất, tập trung vê toàn bộ chế định giao dịch

(KTHT) – Để bảo vệ nhà đầu tư, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn trong hoạt động tín dụng, thương mại và bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia các giao dịch, từ năm 2002 – 2007 những thiết chế về đăng ký giao dịch bảo đảm đã được hình thành, khung pháp lý về giao dịch bảo đảm cơ bản đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện trong các văn bản qui phạm pháp luật liên quan.

Theo đó, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đã được triển khai ngày càng rộng khắp ở các lĩnh vực gồm cả động sản, bất động sản; trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm ngày một thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; số lượng giao dịch bảo đảm được đăng ký không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, đánh giá về hoạt động của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay, Bộ Tư pháp cho rằng, giao dịch bảo đảm còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm phân tán trong nhiều văn bản khác nhau dẫn đến chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn; đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm hạn chế mới bao gồm việc thế chấp, cầm cố tài sản và một số giao dịch khác; phương thức đăng ký còn bất cập nên thời gian hoàn thành việc đăng ký cũng như tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm bị kéo dài, gây tốn kém cho các bên liên quan…; các quy định về tiêu chuẩn, chức danh đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được thống nhất và ban hành dẫn đến tình trạng kiêm nhiệm, cán bộ đăng ký không được đào tạo chuyên sâu và toàn diện nên chất lượng của công tác đăng ký giao dịch bảo đảm chưa cao; hệ thống pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh hội nhập (đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản bảo đảm; hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm…). Đó là những lý do Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII đã quyết định chuyển việc xây dựng Dự án Pháp lệnh về Đăng ký giao dịch bảo đảm lên thành Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, dự kiến sẽ thảo luận tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2008).

Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự luật này và xin ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân… liên quan. Một số chuyên gia cho rằng, nội dung của dự thảo luật cần tập trung tối đa hóa các giao dịch được đăng ký hướng đến mục tiêu cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản. Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm phải là đạo luật chung điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, song vẫn cần có quy định cụ thể mang tính đặc thù đối với một số loại tài sản như tàu bay, tàu biển…, đồng thời pháp điển hóa các quy định hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm. Để tối đa hoá thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, bên cạnh những trường hợp bắt buộc phải đăng ký theo quy định của pháp luật, dự thảo Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm cần mở rộng các trường hợp đăng ký theo yêu cầu.

Về mô hình cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, nhiều ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên hiện trạng nhưng giữa các cơ quan có thẩm quyền đăng ký cần có sự cập nhật, trao đổi thông tin về giao dịch bảo đảm. Thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký là thời điểm ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu nhằm công khai hoá cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu. Đối với thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký, nên quy định thời hạn theo yêu cầu của người đăng ký. Hoàn trả lại lệ phí đăng ký cho người yêu cầu trong trường hợp đơn yêu cầu bị cơ quan đăng ký từ chối theo một trong các căn cứ đã được pháp luật quy định để đảm bảo công bằng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, soạn thảo Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm là một việc khó vì những vấn đề liên quan đã được đề cập trong các Luật Dân sự, Luật Hàng hải, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hàng không dân dụng… Còn nếu chỉ quy định về thủ tục đăng ký như dự thảo hiện nay thì Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm ít giá  trị pháp lý. Dự thảo Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm cũng chưa tạo ra được sự đột phá để giải quyết tình trạng phân tán, manh mún, bất hợp lý về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ông Đức cho rằng, Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm nên quy định thống nhất, tập trung về toàn bộ chế định giao dịch bảo đảm, không nên chỉ quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm (tức là chỉ quy định đơn thuần về mặt thủ tục và hình thức) như dự thảo hiện nay. Đồng thời luật này cũng cần phải khắc phục được sự bất cập của Luật Dân sự ở một điểm mấu chốt là phân biệt rõ giữa giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm và giá trị pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm. Mặt khác, giao dịch bảo đảm xuất phát từ sự tự nguyện, hợp pháp phải có hiệu lực pháp lý ngay với các bên giao dịch. Việc công chứng giao dịch bảo đảm chỉ là lựa chọn tự nguyện hoặc có ý nghĩa hoàn tất thủ tục hành chính. Đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ có giá trị với người thứ 3, chứ không phải lại có giá trị ngược lại quyết định giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm như hiện nay./.

Việt Anh

————-

Báo Kinh tế Hợp tác ngày 13-5-2008:

(319/1.142)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại...

Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại VNG có bất thường? (VNB) -...

Trích dẫn 

3.856. Siết mạnh quy định đầu tư trái phiếu...

Siết mạnh quy định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thị trường càng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,265