042. Gỡ “rào cản” đất đai

(ĐTCK) – Tiếp cận đất đai là một trong những tiêu chí quan trọng mà các tổ chức quốc tế đánh giá về độ dễ dàng của môi trường kinh doanh Việt Nam. Luật Đất đai 2003 đã có nhiều bước tiến nhằm đơn giản và cụ thể hóa những quy định được coi là phức tạp, song trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều nhược điểm khiến người dân và DN bức xúc. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi, ĐTCK ghi nhận một số ý kiến đóng góp tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội.

Luật sư Đỗ Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Bizlink

Phân biệt về hình thức sử dụng đất và chủ thể sử dụng đất quy định trong Luật tạo ra những rào cản và sự khác biệt không cần thiết và đôi khi tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong nước và nhà ĐTNN. Theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 181/2004/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan, NĐT là tổ chức kinh tế trong nước khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê sẽ phải thực hiện hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất (thu một lần cho cả thời gian sử dụng) và NĐT là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê sẽ phải thực hiện trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, do tổ chức kinh tế trong nước đã trả hết tiền sử dụng đất nên khi bán nhà cho người mua nhà, cả người mua nhà và NĐT trong nước đều không phải trả tiền sử dụng đất nữa. Trong khi đó, ngoài số tiền thuê đất đã trả một lần, nhà ĐTNN có trách nhiệm nộp cho Nhà nước Việt Nam số tiền chênh lệch giữa tiền sử dụng đất và tiền thuê đất đã trả cho Nhà nước. Quy định như vậy đã tạo ra sự bất lợi và không công bằng cho nhà ĐTNN.

Vì vậy, tôi đề nghị Nhà nước không nên phân biệt tổ chức nước ngoài và tổ chức kinh tế trong nước, mà gọi chung là “tổ chức kinh tế”. Thống nhất quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này.

Tiến sỹ Nguyễn Phương Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh

Nhìn chung, thủ tục đất đai còn phức tạp, nhất là đặt vấn đề tiếp cận đất đai trong chu trình thủ tục đầu tư của DN (bao gồm khảo sát địa điểm, lập dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng…). Ngay từ khâu đầu tiên, thủ tục khảo sát, giới thiệu địa điểm ở các địa phương thực hiện rất khác nhau và để đến khi có văn bản cho phép của UBND tỉnh, DN đã phải trải qua nhiều thủ tục từ các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp. Điều 31, Luật Đất đai 2003 quy định, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rất đơn giản, nhưng thực tế để thực hiện được điều đó là quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian và điều đáng nói là nó phụ thuộc rất lớn vào thái độ, quan điểm giải quyết của các cơ quan Nhà nước ở địa phương và các rào cản dưới dạng “quy hoạch”. DN có thể tiến hành các thủ tục theo quy định của từng luật một cách rõ ràng và thuận lợi, nhưng để giải quyết được các thủ tục liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư của DN thì không đơn giản và gặp nhiều khó khăn. Điều đó có nghĩa là, nếu Luật Đất đai quy định về vấn đề này càng đơn giản và lảng tránh “vùng giáp ranh” với các luật liên quan thì khi thực hiện sẽ càng phức tạp.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Đối với DN nhỏ và vừa, trong đó có các DN làng nghề, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là có đất đai làm mặt bằng sản xuất – kinh doanh phù hợp với yêu cầu duy trì và mở rộng sản xuất, do đó quy hoạch sử dụng đất cần thật cụ thể, ổn định để DN có cơ sở tính toán việc thuê đất. Theo khảo sát của chúng tôi, đến nay, phần lớn diện tích đất đai ở vị trí thuận lợi đã được giao cho các dự án, lập các khu, cụm công nghiệp, giá đất đã cao, chi phí san lấp, xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn, cho nên các DN nhỏ và vừa không thể thuê lại mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp được. Song cấp đất cho DN nhỏ và vừa ở những vùng lẫn với dân cư cũng không được, nhất là DN làng nghề, vì gây ra ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để giải quyết mặt bằng cho các DN nhỏ và vừa hiện nay, cần có chính sách trợ giúp về sử dụng kết cấu hạ tầng và giải quyết môi trường cho DN để có thể thuê mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp đã có; hoặc Nhà nước đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho làng nghề, chịu chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng, để DN nhỏ và vừa có thể thuê đất với giá thấp nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Dự luật đã sửa đổi một số quy định bất hợp lý. Tuy nhiên, Dự luật vẫn không sửa đổi quy định tại Khoản 2, Điều 110 của Luật hiện hành là: tổ chức kinh tế chỉ được thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng “để vay vốn”. Vậy tại sao lại không được thế chấp để được bảo lãnh, mở L/C, bao thanh toán hay rộng hơn nữa là để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ hợp đồng kinh doanh thương mại của tổ chức kinh tế? Tương tự là đối với tài sản gắn liền với đất thuê, cũng cần xem lại quy định tại Điều 111 của Luật hiện hành. Tại sao lại chỉ cho phép tài sản thuộc sở hữu của tổ chức kinh tế gắn liền với đất thuê được thế chấp “để vay vốn sản xuất – kinh doanh”, mà không được phép thế chấp để làm việc khác?

Thuỷ Anh

—————

Báo Đầu tư Chứng khoán ngày 22-5-2008:

(173/1.179)

Đăng lại:

http://vietstock.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=73421&ChannelID=38

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,794