(ĐT) – Đó là băn khoăn của các chuyên gia kinh tế, luật gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Hội thảo góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai do Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội.
Điểm được nhiều đại biểu lưu ý tại Hội thảo là cơ hội tiếp cận về đất đai là rất khác nhau, tuỳ vào mối quan hệ. Điều này dẫn tới nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.
“Người ta đã hy vọng vào một sự thay đổi căn bản khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực theo hướng công khai, minh bạch trong các mối quan hệ về đất đai, nhưng thực tế trong gần 5 năm qua là cơ hội tiếp cận về đất đai của người dân các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày một ít đi”, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nói.
Theo ông Tuấn, nếu như khẳng định công bằng xã hội như một định hướng phát triển đất nước, trong đó mọi người có cơ hội tiếp cận một cách công bằng các cơ hội phát triển, các nguồn lực phát triển…, thì phải nói đến một nội dung rất quan trọng là sự công bằng trong việc tiếp cận đất
tiếp cận đất đai – như là một loại tư liệu sản xuất chủ yếu. Có một vài doanh nghiệp giàu lên từ đất mà chúng ta nhìn thấy (nhờ làm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị…), nhưng rất nhiều doanh nghiệp âm thầm phá sản vì không tiếp cận được với mặt bằng sản xuất.
Góp ý với Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003, ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra hàng loạt những bất cập của Dự luật sửa đổi. Đó là sự không tương thích của các điều khoản trong cùng một bộ luật và sự không tương thích giữa Luật Đất đai với các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở… Ví dụ, khoản 7 điều 9 được sửa đổi từ “Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất” thành “Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, tổ chức liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất”.
Ông Cung cho rằng, ở đây cần làm rõ khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” và “tổ chức nước ngoài”. Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bất kể tỷ lệ sở hữu) đều là pháp nhân Việt Nam, thì nên đương nhiên coi là tổ chức kinh tế Việt Nam và được đối xử như nhau. Đó là có quyền được giao đất hoặc cho thuê đất chứ không chỉ là “được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất”.
Trên thực tế, về cơ bản thuê đất 49 năm không khác gì so với giao đất có thu tiền. Sự phân biệt nói trên trên thực tế đang gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước, chứ không phải doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ví chi phí cho đất được giao cao hơn đất được thuê, trong khi đó giao và thuê đối với họ là tương tự nhau!
Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã chỉ ra những bất cập trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đó là: “Tổ chức kinh tế chỉ được thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng để vay vốn”.
Vậy tại sao không được thế chấp để được bảo lãnh, mở L/C… để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ hợp đồng kinh doanh. Tương tự, tại sao lại chỉ cho phép tài sản thuộc sở hữu của tổ chức kinh tế gắn liền với đất thuê được thế chấp “để vay vốn sản xuất, kinh doanh”, mà không được phép thế chấp để làm việc khác (?) Hay vì đất đai là tài sản “đặc biệt” nên tài sản khác gắn với đất đai cũng chịu chung số phận chỉ có quyền sở hữu nửa vời (?).
Theo các chuyên gia, thì “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” là trong nhiều năm qua, chúng ta đã không thừa nhận thị trường đất đai. Cùng với đó là những khuyết điểm, yếu kém trong quản lý về đất đai đã dẫn đến những tác hại lớn cho nền kinh tế.
——————————-
Báo Đầu tư ngày 27-5-2008:
(167/830)
————
Đăng lại
http://www.khanhhoainvest.gov.vn/Default.aspx?tabid=472&ItemID=1404