044. Vòng xoáy lạm phát: Doanh nghiệp nhỏ – nỗi lo lớn

(NDĐT) – Lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội. Mưu sinh ngày càng khó khăn, giá cả đầu vào cho sản xuất liên tục tăng đột biến, nguy cơ thất nghiệp, phá sản đang hiển hiện.

Mở đầu cuộc hội thảo “Ứng phó lạm phát từ góc độ quản trị doanh nghiệp” sáng nay, tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nói: “Hơn ai hết, chúng ta, các nhà quản trị doanh nghiệp, cảm nhận một cách trực tiếp và sâu sắc nhất những tác động của tình trạng này”.

Hơn 100 đại biểu là các nhà quản trị doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước sáng nay đến dự Hội thảo với những công việc, vị trí khác nhau, nhưng tất cả họ đều có chung một nỗi lo là lạm phát và làm thế nào để sống chung với lạm phát.

 

“Vòng quay bế tắc” của ông Đức

Ông Trương Thanh Đức là Giám đốc Công ty Luật ANVI. Cái khó đối với ông và của các nhà quản trị doanh nghiệp hiện nay là chưa thể thoát khỏi vòng xoáy lạm phát.

Ông Đức nói, các doanh nghiệp chân chính đều muốn giảm giá thành sản phẩm, nhưng lại phải đối mặt với “địch thủ” là hàng hóa đầu vào liên tục tăng cao. Khi lạm phát lên cao, thiên hạ lại đua nhau tăng giá. Tăng giá thì dễ, nhưng bán được lại là vấn đề, vì túi tiền của mọi người đều rỗng. Khi túi rỗng thì không thể nói chuyện kinh doanh, vì vậy, doanh nghiệp phải cầu đến ngân hàng. Nhưng bản chất ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, mà lại là loại doanh nghiệp đặc biệt, nghĩa là vẫn phải coi cái gốc của kinh doanh là sản phẩm, cái đích là lợi nhuận. Nhưng sản phẩm có tốt, bền, rẻ, đẹp, mà không bán được thì cũng vô nghĩa. Nhưng cho dù có bán hàng giá cao, mà không thu được tiền về thì cũng vô vị.

Ông Đức phân tích, mặc dù không muốn nhưng các ngân hàng phải đua nhau tăng lãi suất vì không có tiền mặt và kết quả là “doanh nghiệp lại khó vay, vòng quay lại bế tắc”.

Cuối cùng ông Đức cũng nói lên được nỗi lo của mình khi dẫn dụ, ngân hàng đang duy trì lãi suất cơ bản một cách hợp lý trong nhiều năm, rồi bất ngờ tăng lên 37%. Giá xăng dầu đang giữ ở mức hợp lý trong một thời gian dài, bổng chốc vọt lên hơn 30%. Trong lúc nguồn vốn và khả năng thanh toán của các ngân hàng đang căng thẳng, lại đột ngột rút đi hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Ông Đức mong rằng, Chính phủ cần điều hành nền kinh tế với các giải pháp đồng bộ, cân đối tổng thể. Các chính sách cần có một lộ trình hợp lý, tránh biện pháp sốc, điều chỉnh đột ngột dễ làm doanh nghiệp choáng váng và gục ngã.

 

Nỗi lo lớn của một doanh nghiệp nhỏ

Bên ngoài hành lang, Bà Trần Thu Huyền, Tổng giám đốc công ty CP Sơn Châu Á rầu rĩ nói, mới cách đây ba tuần, một quan chức còn tuyên bố sẽ không tăng giá xăng, dầu, điện, than cho tới hết năm 2008, để giữ ổn định thị trường. Tin vậy, bà Huyền yên tâm lên kế hoạch xây dựng chính sách giá bán sản phẩm của công ty đến hết năm 2008.

Nhưng đùng một cái, giá xăng dầu tăng vọt hơn 30% khiến mọi toan tính của bà đổ bể. Giờ đây một doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ như Sơn Châu Á lại phải ngồi tính toán lại theo mặt bằng giá mới, và kéo theo hàng loạt vấn đề phải làm lại từ đầu.

Bà Trần Thu Huyền nói: “Chúng tôi phấp phỏng lo ngại về những chính sách không nhất quán, những dự báo từ các cơ quan chức năng không chính xác. Có những nghị định, thông tư, nghị quyết vừa đến tay doanh nghiệp chưa ấm chỗ thì đã có văn bản khác thay đổi tới 50-70% nội dung, thậm chí trái ngược văn bản trước”.

Bà Huyền lo lắng đặt câu hỏi: “Không biết tới đây, lấy gì bảo đảm rằng các mặt hàng thiết yếu như điện, than sẽ không tăng?”.

Chưa hết, bà Huyền trình bày tiếp. Doanh nghiệp nhỏ của bà phải quản lý tài chính theo công thức 40-30-30, có nghĩa là vốn tự có chỉ là 40%, còn lại phải đi vay ngân hàng 30%, và 30% từ các nguồn khác. Trong khi, lãi suất ngân hàng đã được đẩy lên tới 20%, các nhà cung ứng vật tư lại ép phải thanh toán ngay.

Cực chẳng đã, doanh nghiệp của bà buộc phải dừng đầu tư dài hạn, hoãn mở rộng sản xuất. Thậm chí, bà đã phải tính đến chuyện chuyển nhượng một số dự án lớn, đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí quản lý, và tiết giảm nhiều chi phí khác như quảng cáo, hay tài trợ… Mặt khác, bà vẫn phải hỗ trợ và chia sẻ với các nhà phân phối bằng cách duy trì triết khấu, thưởng doanh thu… Đồng thời xem xét thận trọng khi bán hàng cho các công trình để tránh nợ đọng. Có chương trình khuyến khích nhà phân phối thanh toán nhanh để tối ưu sự luân chuyển của dòng tiền mặt vốn đang rất khan hiếm.

Theo bà Huyền những doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tồn tại trong thời điểm hiện nay, cần sớm lên kế hoạch thoát khỏi sự lệ thuộc ngân hàng, thay vào đó là vận dụng tối đa các quan hệ đối tác lâu năm để ủng hộ và hợp tác trong từng tình huống.

Kết thúc câu chuyện, bà Huyền chốt lại: “Về cơ bản, doanh nghiệp tư nhân rất cần một môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp Nhà nước, một hành lang pháp lý ổn định hơn và những quy định nhất quán trong điều hành kinh tế từ Nhà nước”

 

Xuân Bách

————————————

Báo Nhân dân điện tử ngày 24-7-2008:

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông...

Trích dẫn 

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không...

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không ít băn khoăn. (DĐDN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,695