050. “Bôi trơn”

(DĐDN) – Đối với nhiều doanh nghiệp, việc “bôi trơn” bộ máy hành chính được coi như một sự đảm bảo cho thương vụ của mình hanh thông. Đây là điều kiện tốt cho tiêu cực nảy mầm và sinh sôi.

Trong bảng công bố PCI – chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2007 do VCCI đưa ra, mức chi phí không chính thức phổ biến là 10% và trong đó chi phí “bôi trơn” trong lĩnh vực thuế là nhiều nhất. Thực tế trên đã là “chuyện thường ngày” của doanh nghiệp, nhưng tình hình rất ít thay đổi, thậm chí doanh nghiệp cũng không quyết liệt tiết giảm chi phí này. Cụ thể, điều tra PCI 2007 cũng cho thấy, gần 40% doanh nghiệp được điều tra tin rằng “cán bộ nhà nước lạm dụng các qui định với mục đích trục lợi”. Đối với chỉ số tính minh bạch, 45% doanh nghiệp ở khu vực trung vị của bảng xếp hạng cho rằng, cần phải thương lượng với cơ quan thuế. Còn chỉ số tiếp cận đất đai cho thấy, chỉ có 76% doanh nghiệp ở trung vị có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Lá bùa “bôi trơn”

Có nhiều doanh nghiệp gặp nhau ở quan điểm “bôi trơn” là chuyện không thể không có trong một nền hành chính như hiện nay của chúng ta. Thậm chí, nhờ có “bôi trơn” mà công việc của doanh nghiệp còn hiệu quả hơn. Đơn cử như trường hợp vận tải hàng hóa, chi phí bôi trơn được gọi là “xâu”. Và như đã thành lệ bất thành văn, không “xâu”, hàng còn nằm lâu tại cảng. Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đa phương thức của Hải Phòng chia sẻ, hầu hết các công đoạn, thủ tục, quy trình vận tải hàng hóa liên quan đến các ngành chức năng đều phải có tiền “xâu” mới đúng lệ. Doanh nhân này phân tích, trong điều kiện hàng thông qua cảng tăng với tỷ lệ lớn nhưng năng lực xếp dỡ, thông qua, phục vụ của hệ thống cơ sở hạ tầng kém thì “có tiêu cực mới tốt”. Mỗi ngày tàu chờ cầu, doanh nghiệp phải chi phí ít nhất 1.000 USD trở lên, nên phải chi tiền triệu hay hàng trăm đô la để được sớm vào cầu, nhanh chóng giải phóng tàu thì doanh nghiệp vẫn phải “lấy thế làm mừng”.

Một lĩnh vực không kém nhạy cảm khác là đất đai. Bộ Xây dựng hồi tháng 5 có rà soát các dự án cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ tiến độ các dự án nói chung là do “thủ tục”. Có những dự án hành trình qua 65 thủ tục, mà trong đó có không ít thủ tục không cần thiết. Tính trung bình, mỗi thủ tục mất 15 ngày thì với 65 thủ tục, 1 dự án mất khoảng 3 năm. Đó là chưa kể những khoản chi được rải suốt các khâu trên hành trình đó cho thông đồng bén giọt.

Ông Lê Minh Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê (Hà Nội), người đã kiên quyết nói không với “bôi trơn” đã phải qua hơn 1 năm làm thủ tục đăng ký đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề tin học và ngoại ngữ tiếng Nhật với 18 cửa, 18 dấu cũng phải nếm đủ mùi gian khó, nhu cương các thế. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp vẫn phải “yểm” lá bùa “bôi trơn”.

“Bôi trơn” được tính cách nào?

Theo điều tra, có đến 25% doanh nghiệp tính toán các chi phí “bôi trơn” thành chi phí không chính thức và chi phí thường xuyên. Chi phí này cũng được phù phép để ẩn vào giá thành của dự án… Đơn cử, khoảng một năm trước, một dự án xin đất đầu tư ở Hải Phòng được “chạy” với cái giá ngầm, bình quân là 100 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể dự án khu công nghiệp, chi phí ngầm cũng đến tiền tỷ. Doanh nghiệp tiền đâu để bôi trơn cách ấy? Một đại gia bật mí, doanh nghiệp lập dự án làm nhà máy với vốn đầu tư có thể 80 tỷ nhưng trên thực tế chi phí thực để xây dựng chỉ chiếm khoảng 1/3 con số này. Doanh nghiệp lập dự án xin vay vốn ngân hàng với mức vay 50% (tương đương 40 tỷ), bôi trơn để vay được vốn, cho dù trừ tiền ký quỹ 30% với ngân hàng đi nữa, doanh nghiệp vẫn có cửa để có được 25 tỷ “tiền tươi” đầu tư dự án.

Cũng có thể nói, các doanh nghiệp bị đẩy vào tình thế phải “bôi trơn”. Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI rút ra kết luận: “Nếu phải đi cửa sau mới có chính sách tốt, chứng tỏ “cửa chính” đang có rào cản, thậm chí đóng sập”. Vậy nên, PCI 2007 mới tính ra rằng, chỉ cần tăng điểm tính minh bạch lên được 1 điểm, các tỉnh dự đoán tăng được 4,3% số lượng doanh nghiệp, 23% doanh nghiệp đầu tư mới và khoảng 30 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

Giảm bôi trơn bằng cách nào?

Tán thành với ý kiến chỉ có thể giảm chứ không thể loại trừ được yếu tố “bôi trơn”, luật gia Trần Hữu Huỳnh- Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, muốn vậy, Nhà nước cần can thiệp ở mức tối thiểu và các quyết định phải minh bạch; giảm dần thủ tục, ít đưa thủ tục mới vào. Chỉ khi lợi ích lớn hơn chi phí thì mới đưa vào thủ tục. Các quy định không khả thi hoặc trở thành những rào cản đầu tư cần phải được gỡ bỏ. Chính những bất hợp lý trong các quy định về chứng từ hóa đơn thuế, mức khoán quá thấp… đã khiến “bôi trơn” trong lĩnh vực này đứng đầu bảng.

TS Luật gia Trần Đình Triển- Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân chỉ ra thực tế, các doanh nghiệp không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Vậy nên, nếu như không “bôi trơn”, cứ chính tắc mà làm thì doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng” bởi trình tự xét khiếu nại, khiếu tố hiện còn quá phức tạp. Doanh nghiệp có nguyện vọng hết sức chính đáng, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, minh bạch, cơ quan hành chính vì dân, vì doanh nghiệp thì ắt hẳn doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí và từ đó tự giác nộp thuế. Xét đi xét lại mấu chốt vẫn là sự minh bạch của hệ thống, ông Triển chia sẻ với quan điểm của ông Trần Hữu Huỳnh.

Từng “va” với hành trình xin giấy phép, Giám đốc Công ty Hoàng Lê cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công là tất yếu và là chìa khóa giải quyết cái cảnh “một cửa nhưng nhiều khóa” của hệ thống hành chính. Làm được điều đó không khó nhưng đòi hỏi sự quyết tâm nhập cuộc của các cấp chính quyền để thắng được “bản chất quan liêu của Nhà nước”!

Chi phí bôi trơn, xét đến cùng, lại đổ lên đầu người tiêu dùng, bởi cách này hay cách khác nó đều được “phù phép” vào giá thành, vào các chi phí thường xuyên của doanh nghiệp. Nhà nước cũng thiệt hại không nhỏ vì thất thu. Vì thế, bôi trơn có thể mang lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp nhưng về dài hạn, nó tác động tiêu cực đến cả cộng đồng. Và nếu như các doanh nghiệp không có đầu óc tính toán bôi trơn hay không muốn bôi trơn sẽ phải co cụm lại và đành chịu bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Đã đến lúc, con số điều tra về chi phí “bôi trơn” không chỉ là chuyện “khổ lắm, còn hơn thế nữa” mà cần phải được nhìn nhận như hiểm họa của môi trường đầu tư. Và nó đòi hỏi phải hành động thực tế!

Ông Vũ Duy Thái – Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết, qua khảo sát 991 doanh nghiệp ở Hà Nội có 22-36% số doanh nghiệpđược hỏi đã chi từ 2-10% tổng thu nhập cho các chi phí không chính thức để “bôi trơn” hoạt động của doanh nghiệp; 7-9% đã chi từ 12- 13%. Có 3,46% chi từ 13 – 25% và cá biệt, 0,57% số DN được hỏi đã chi tới trên 25%.

Lưu Hương (Doanh nhân)

————————————

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 15-9-2008:

http://dddn.com.vn/20080910045419917cat104/Boi-tron.htm

(52/1.472)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,835