(TOPICA) – Tự sự của thầy …
Mới hôm nào, tôi còn là một luật sư trẻ nhất, một luật gia trẻ nhất, một trọng tài viên trọng tài kinh tế trẻ nhất của thành phố Hải Phòng và là đại biểu trẻ nhất trong Đại hội IX Hội Luật Gia Việt Nam. Thế mà bây giờ “bỗng dưng” đã thành người già nhất trong cả mấy tổ bộ môn: Pháp luật Đại cương, Luật kinh tế và Soạn thảo văn bản của TOPICA.
May mà con người thì già đi từng ngày, nhưng bản tính thì hơi khó đổi. Chưa tiếp xúc thì đa số thấy tôi là “đối thủ” đáng gờm, bởi dáng vẻ nghiêm khắc, đăm chiêu. Nhưng tiếp xúc rồi thì sẽ buộc phải thừa nhận “quay ngoắt” rằng, tôi luôn là kẻ vượt ra ngoài khuôn thước, luôn phá bỏ nguyên tắc cứng nhắc, luôn biến mọi chủ đề nghiêm túc, cao siêu thành vấn đề hải hước, đời thường. Chả thế mà đã từng là cộng tác viên chuyên mục vui cười của một tờ báo.
Với phương châm “bảo thủ”, sách vở không nên lấn át thực tế, nên hằng ngày tôi vẫn “học hành” thông qua các công việc yêu thích. “Chuyên canh” nghề luật và đã từng làm trưởng phòng pháp chế của 3 ngân hàng, nhưng tôi cũng “nổi lên” qua việc “thâm canh” sang những nghề khác như làm cộng tác viên về mảng tài chính – ngân hàng cho VCCI; làm giảng viên kiêm chức Khoa Luật sư, Học viện Tư pháp; viết trên trăm bài báo đăng trên Tạp chí Ngân hàng, Tạp chí Nhà Quản lý, Thời báo Kinh tế Sài Gòn,… và đã từng được ghi nhận là 1/10 cây bút xuất sắc nhất của Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống. Tôi cũng đã viết bài và tham gia hàng trăm lượt góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Có một ấn tượng của nghề luật sư hay cãi là, nhờ hăng hái phản biện một vị thứ trưởng Bộ Tư pháp trong một hội thảo, mà ngay sau đó tôi được mời tham gia vào Hội đồng khoa học độc lập để thẩm định một dự luật.
… và cuộc phỏng vấn thú vị theo phong cách E-learning
Xin thầy giới thiệu đôi chút về mình?
Trước hết, tôi không muốn nhận mình là thầy, mà muốn là bạn của học viên. Vì làm thầy là do TOPICA chỉ định, còn muốn được công nhận là bạn thì phải do học viên “ưng cái bụng”.
Tôi là Trương Thanh Đức hiện đang làm việc tại BAOVIET Bank, với chức danh Giám đốc Pháp chế. Với thế mạnh của một luật sư, kỹ sư kinh tế đã có nhiều kinh nghiệm trong các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực ngân hàng thương mại, nên tôi còn đồng thời tham gia hoạt động hành nghề khác, với vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên một Công ty Luật.
Thành tích đáng kể nhất của tôi là, đã soạn thảo được vài trăm văn bản định chế, đào tạo được vài chục cán bộ pháp chế và đã gây dựng được vài phòng pháp chế cho các ngân hàng, qua đó góp phần khẳng định vị thế của lĩnh vực pháp chế trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần.
Thầy đã dạy tại TOPICA được bao lâu rồi? Lý do gì khiến thầy quyết định giảng dạy ở TOPICA?
Sắp đến thời điểm kỷ niệm tròn 1 năm tôi và TOPICA “bén duyên” nhau. Còn chính thức “kết duyên” thì sau đó ít lâu, mở màn ngay từ khoá 1 của nhà trường.
Điều quan trọng nhất khiến tôi quyết định tham gia giảng dạy ở TOPICA là, tôi được thả sức hướng dẫn, truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm cho học viên. Nói theo ngôn ngữ đời thường thì giống như lời của tác giả cuốn Không gia đình: Khi mình dạy người khác thì cũng là tự dạy cho mình. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì công việc này là một cơ hội để tôi tự khẳng định mình rằng mặc dù đã rời trường Đại học Luật 25 năm rồi, nhưng vẫn chưa quên luật.
Ấn tượng của thầy khi giảng dạy tại TOPICA?
Tôi tâm đắc với phương pháp của TOPICA ở chỗ, nó có thể đáp ứng tốt cả 3 yêu cầu học hành, đó là: Học để hiểu vấn đề, học để biết hỏi ai và học để biết tra cứu ở đâu, chứ không phải học để tiếp nhận thông tin như một cái máy, để cái gì cũng biết nhưng chẳng để làm gì và để không biết phải “chép bài” ở đâu cho đúng mà vẫn vượt qua mọi kỳ thi cử.
Hay nói cách khác, TOPICA tạo cơ hội rộng mở cho học viên đáp ứng được 4 lý do chính đáng của việc học như UNESCO đã tổng kết là: Học để biết sống chung, học để hiểu, học để làm và học để tồn tại (để tự khẳng định mình), chứ không phải là học vì bằng cấp.
Cảm nghĩ của thầy khi truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình cho học viên?
Tôi nghĩ rằng, mình hãy đóng vai của một hướng dẫn viên du lịch, chỉ cho du khách những cảnh vật hiện hữu và đôi khi còn là tiềm tiềm ẩn. Du khách tự khám phá và cảm nhận. Thấy đẹp thì khen, thấy xấu thì chê, chứ chẳng thụ động gật lắc theo người khác. Đó là loại du lịch văn hoá, du lịch khám phá.
Tôi cũng có cảm nghĩ rằng, mình đã biến kinh nghiệm của cá nhân thành tài sản chung cho mọi người cùng khai thác. Điều đặc biệt là tài sản này không bị hao mòn mất mát đi, mà càng sử dụng thì lại càng có giá trị.
Học viên khai thác được giảng viên nhiều hơn, đồng thời giảng viên cũng cung cấp được nhiều thông tin hơn, nhất là thông tin đa chiều và sát thực cuộc sống. Đây là cách học rút ngắn ví như kiểu học nghề “bảo bối gia truyền”. Nhưng có điểm khác biệt ở đây là, hãy cho học viên thấy được mặt trái, thì họ sẽ thấu hiểu hơn mặt phải. Nếu chỉ cho họ nhìn thấy mặt phải thì rất dễ “choáng ngã” khi áp vào cuộc sống.
Thầy thấy học viên của chương trình cử nhân trực tuyến TOPICA có thú vị, so với học viên nơi khác?
Nếu như ở BAOVIET Bank, khách hàng của tôi là khách hàng nội bộ, ở Công ty Luật, khách hàng của tôi là khách hàng bên ngoài, thì ở TOPICA, học viên là khách một dạng khách hàng thật đặc biệt. Học viên ở đây thường là đã có bằng cấp “giắt lưng”, cho nên cái họ cần thật sự là sự hiểu biết, chứ không chỉ vì bằng cấp.
Học viên TOPICA luôn thôi thúc tôi phải chia sẻ. Và đó cũng chính là ước muốn của tôi: Cho nhiều thì sẽ nhận được nhiều. Điều thú vị là có nhiều sự tương tác thoải mái và tự do hơn. Mà tự do thoải mái thì luôn dẫn đến sự hứng khởi, sáng tạo và đổi mới.
Xin cảm ơn thầy vì những chia sẻ thú vị!
Chương trình đào tạo trực tuyến TOPICA 10-2010:
https://topica.edu.vn/tin-tuc/thay-cai-va-thay-giao-1/
(1.277/1.277)