(DĐDN) – Như DĐDN đã từng có nhiều bài viết khẳng định: tham vấn xây dựng pháp luật là điều rất cần thiết, bắt buộc trong quy trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, theo nhiều DN, tham vấn hiện nay hầu hết chỉ mang tính hình thức, lấy lệ.
Không chỉ tạo ra các diễn đàn để đông đảo DN có thể tham vấn xây dựng pháp luật, VCCI còn là cầu nối giữa DN và cơ quan chức năng
Tại sao DN không tích cực, không mặn mà tham gia xây dựng các văn bản pháp luật? Trả lời câu hỏi này, một số chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến DN nản lòng, không muốn tham gia đóng góp xây dựng luật là quy trình xây dựng pháp luật hiện còn nhiều bất cập.
Tham vấn “cưỡi ngựa xem hoa”
Nhiều DN tự bảo nhau, góp ý xây dựng luật phải khéo, bởi không cẩn thận sẽ bị “trù” cho tới số. Chính vì vậy, người khôn ngoan thì khen ngợi đôi ba câu cho phải phép. Người hiểu biết thì phán vài câu vô thưởng vô phạt. Theo các DN, nếu các nhà xây dựng luật muốn có ý kiến tham gia thật sự, thì đôi khi phải chấp nhận sự phản bác khó nghe, vì tham gia vô tư thì người ta không cần nguỵ trang sự thật để lấy lòng nhau.
Không chỉ có vậy, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI đưa ra một ví dụ: Tại một cuộc lấy ý kiến của các ngân hàng, sau một số ý kiến phát biểu được đông đảo người dự tán đồng, có một vị Vụ trưởng đã kết luận thẳng toẹt rằng: “Vì cầu thị nên mới tổ chức buổi họp này, chứ quyền của chúng tôi áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện như thế”. Vậy, lần sau không biết có còn ai muốn góp ý nữa không?
Bên cạnh đó, nhiều DN phàn nàn, hình như cơ quan soạn thảo không nghe, không đọc, không xem, không nhớ các đóng góp của mình. Để rồi cuối cùng hậu quả, văn bản được ban hành nhiều bất cập. Cơ quan soạn thảo lại viện dẫn rất nhiều lý do để thoái thác.
Cuối cùng DN không thông thì muốn tìm hiểu rõ luật để còn… lách luật. Ví dụ, về khoản đóng góp bảo hiểm xã hội của người lao động, DN còn quan tâm hơn là chính người lao động hay Công đoàn. Khi thực hiện Bộ luật Lao động, thì DN chỉ phải đóng 17% bảo hiểm xã hội. Sau khi có Luật Bảo hiểm xã hội, thì tăng lên 18%. Đến khi có Luật Bảo hiểm y tế, thì chuẩn bị lên 20%. Nếu cộng cả phần đóng góp của người lao động, mà thực chất DN cũng phải lo chi trả, thì bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tương ứng là 23%. Khi tỷ lệ đóng góp tăng lên, thì DN sẽ tìm cách hạ thấp thu nhập tính bảo hiểm, vốn dĩ lâu nay đã ở mức khá thấp (Hợp đồng lao động chỉ ghi 30-50% mức lương).
Cải thiện cách nào ?
Việc tham gia góp ý kiến, phản biện của cộng đồng DN đối với các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng để khắc phục tình trạng đơn phương, áp đặt những chính sách bất hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Đó cũng là điều kiện quan trọng để thực hiện nguyên tắc minh bạch, nguyên tắc nền tảng quan trọng nhất của WTO mà VN đã là thành viên.
Về nguyên tắc, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xin ý kiến góp ý, phản biện của tất cả các đối tượng chịu tác động của văn bản đó. Từng cá nhân, pháp nhân đều có thể tự mình nêu các ý kiến góp ý, phản biện hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình. Đại diện cho quyền lợi của đội ngũ DN và doanh nhân Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thời gian qua luôn là tổ chức chủ động tích cực trong công tác lấy ý kiến đóng góp xây dựng văn bản pháp luật, đặc biệt các văn bản liên quan đến kinh tế, DN.
Tuy nhiên để nâng cao chất lượng, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vẫn tiếp tục cần được cải thiện. Theo ông Michael McNamer – Cố vấn Cao cấp, nguyên Giám đốc đào tạo Cục thẩm định văn bản bang California, khi công chúng có cơ hội cho ý kiến đối với các dự thảo VBQPPL, họ sẽ nhanh chóng phát hiện ra các sai sót, những bất cập, trùng lặp hoặc thiếu sót cũng như kẽ hở trong quy định của các văn bản đó. Rõ ràng, việc khắc phục những thiếu sót trên sẽ giúp cải thiện chất lượng của VBQPPL.
Ông Michael cho rằng, dự thảo VBQPPL cần được đăng tải lên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo/Chính phủ trong thời hạn ít nhất là 60 ngày để người dân cho ý kiến. Thậm chí, các hoạt động tham vấn còn phải thực hiện trước khi tiến hành soạn thảo đối với các tổ chức và cá nhân có khả năng bị ảnh hưởng. Qua đó, ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến của họ về dự thảo VBQPPL, đánh giá tác động hoặc các vấn đề đòi hỏi việc ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ VBQPPL. Ban soạn thảo cũng nên quy định đơn giản về ngày và thời gian gửi ý kiến. Ngày và tháng quy định phải được tính toán sao cho thỏa đáng để người góp ý có đủ thời gian để chuẩn bị và trình ý kiến. Thời gian tối thiểu sẽ là thời gian do luật quy định song các cơ quan có thể quy định thêm tuỳ theo hoàn cảnh.
Bá Tú
————————————
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 25-3-2009:
http://dddn.com.vn/20090324082720294cat101/xay-dung-luat-de-dn-man-ma-!.htm
(406/1.054)