(KT&ĐT) – Hàng nghìn trong tổng số hơn 19.000 văn bản quy phạm pháp luật của nước ta có nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên quá trình xây dựng hầu hết các văn bản này, lại thiếu đi tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay không mặn mà với việc góp ý xây dựng văn bản pháp luật. Tuy nhiên nguyên nhân quan trọng không phải vì doanh nghiệp ngại va chạm hay thờ ơ mà là do họ đã nản lòng, không muốn tham gia góp ý hay phản biện.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực doanh nghiệp, hiệp hội trong công tác tham vấn hoạch định chính sách” do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 24/3, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc trước việc một số cơ quan ban hành văn bản pháp luật đã phớt lờ ý kiến của doanh nghiệp .
Đơn cử như gần đây VCCI có tổ chức một hội thảo lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đa số các ý kiến đề nghị xóa bỏ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng đã trở nên thiết thân với đời sống hiện nay như bia hơi, máy điều hòa nhiệt độ… Song tới khi ban hành, luật vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu.
“Doanh nghiệp thấy chán, thấy nản lòng vì cảm thấy tiếng nói của mình không có trọng lượng, không có giá trị”, ông Đức giãi bày.
Chưa kể nhiều hội thảo do chính các Bộ ngành, cơ quan ban hành văn bản pháp luật đứng ra chủ trì nhưng lại nặng tính hình thức, tham vấn chỉ là lấy lệ. Cách đây gần một năm, tại một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các ngân hàng, sau một số ý kiến phát biểu được đông đảo mọi người tán đồng, có một vị vụ trưởng đã kết luận: Vì cầu thị nên mới tổ chức buổi họp này chứ quyền của chúng tôi áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện như thế! Kết luận này khiến những người ngồi dưới phải sững sờ.
Có lẽ vì thế mà những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chọn giải pháp an toàn, đó là… im lặng …
Thu Trang
————
Báo Kinh tế và Đô thị ngày 25-3-2009:
(91/455)
————–
Đăng lại