063. Hãy để doanh nghiệp nhập cuộc!

(KTHT) – Trong số hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành không ít văn bản “treo”, thiếu tính khả thi hoặc gây khó khăn cho hoạt động của DN. Thế nhưng, điều đáng nói là trong quá trình lấy ý kiến đóng góp vào văn bản quy phạm pháp luật, số lượng DN tham gia rất hạn chế, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do DN chưa có ý thức coi việc xây dựng luật là trách nhiệm và quyền lợi của mình, một phần do năng lực về pháp chế của DN còn hạn chế. Bổ sung ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn nói: Hai năm qua, chúng tôi liên tục nhận được đề nghị làm việc của các DN, Hiệp hội DN nước ngoài và đại sứ quán các nước để họ đưa ra những khuyến nghị thay đổi về chính sách của Việt Nam. Trong khi đó, hơn một năm nay, tôi chưa nhận được yêu cầu làm việc nào của DN hay hiệp hội DN trong nước nào, trừ một văn bản kiến nghị của VAFI và Công ty bia Việt Hà.

Thế nhưng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI lại có cái nhìn thân thiện với các DN. Ông Đức cho rằng: DN không tích cực, không mặn mà tham gia xây dựng các văn bản pháp luật không phải là thờ ơ, thiếu trách nhiệm mà do chán ngán, nản lòng, chẳng muốn tham gia.

“Có nhiều cái chán. Chán thứ nhất là, nói không được nghe thì quả là phí lời, thậm chí, còn bị “trù”. Chán thứ hai là, nhiều người đã nói rồi, nói mãi mà cơ quan soạn thảo vẫn không nghe, không đọc, không xem, không nhớ. Nhiều ban soạn thảo tham gia chỉ lấy lệ, còn quyết định vẫn giữ nguyên ý kiến. Cách đây gần một năm, tại một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các ngân hàng, sau một số ý kiến phát biểu được đông đảo người dự tán đồng, có một vị vụ trưởng đã kết luận thẳng toẹt rằng: “Vì cầu thị nên mới tổ chức buổi họp này, chứ quyền của chúng tôi, chúng tôi áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện thế”.

Nhiều DN cũng cho rằng, việc tham gia góp ý, phản biện của DN sẽ khắc phục được tình trạng đơn phương, áp đặt những chính sách bất hợp lý. Song nhiều ý kiến chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu, hậu quả là vẫn không ít văn bản pháp luật ban hành gây khó khăn cho DN, các giấy phép con vẫn thi nhau ra đời, cải cách thủ tục hành chính vẫn ì ạch.

Cũng theo ông Đức, thời gian qua, trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn có một thực tế: dự thảo thì “lành” mà ban hành lại rất “độc”. Nhiều trường hợp, dự thảo rất nhẹ nhàng, không có gì cần góp ý nhưng khi ban hành lại có những quy định bất ngờ, rắn như đinh. Và một thực tế là một số văn bản pháp luật khi ban hành đã tạo ra một gánh nặng pháp lý, gánh nặng về tiền bạc đối với DN.

Trên thực tế, một số ý kiến đóng góp của DN vào việc xây dựng luật, pháp lệnh lại chỉ nhăm nhăm bảo vệ lợi ích, quyền lợi của mình, đây thực chất là “sự giằng xé” về quyền lợi giữa các nhóm có quyền lợi liên quan khiến cơ quan soạn thảo đau đầu hoặc gạt bỏ vì cho là không thiết thực.

Được biết, hiện Uỷ ban kinh tế Quốc hội đang xây dựng một chương trình để DN có thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và hoạch định chính sách một cách tốt nhất. Sắp tới sẽ có văn bản thoả thuận hợp tác với VCCI để tạo thành một kênh cho DN tham gia. Nội dung tham gia là toàn bộ những khó khăn và đưa ra những kiến nghị, những bất cập cần sửa đổi trong văn bản pháp luật.

Để công bằng, khách quan và mọi đóng góp đều được ghi nhận, Luật gia Vũ Xuân Tiền- Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam kiến nghị: Ủy ban pháp luật của Quốc hội, khi thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh, cần quan tâm làm rõ thông tin, ban soạn thảo đã tiếp nhận được bao nhiêu ý kiến góp ý, phản biện, trong đó có bao nhiêu ý kiến được tiếp thu, bao nhiêu ý kiến không được tiếp thu và vì sao? Đó là điều rất cần thiết để tránh tình trạng báo cáo một cách chung chung là đã xin bao nhiêu ý kiến góp ý, song lại không một ý kiến nào được nghiên cứu tiếp thu…

Hà Minh

———————————–

Báo Kinh tế Hợp tác ngày 01-4-2009:

http://baokinhteht.com.vn/home/20090401024317121_p0_c106/hay-de-dn-nhap-cuoc.htm

(286/892)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông...

Trích dẫn 

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không...

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không ít băn khoăn. (DĐDN) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,690