064. Có phải “tham vấn lấy lệ”?

(CĐKD) – Doanh nghiệp được quyền tham vấn khi cơ quan nhà nước tiến hành hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật kinh doanh. Không phải là kiểu “tham vấn lấy lệ” như trước đây mà là “vào cuộc” thực sự từ khi soạn thảo Luật đến khi ban hành và khi Luật được thực thi.  Các bản án sẽ được công khai trên mạng Internet để doanh nghiệp (DN) có thể tra cứu, xem, bình luận bản án để đưa ra các sáng kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật…

Doanh nghiệp chưa mặn mà.

Cộng đồng DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả các văn bản quy phạm pháp luật mà nhà nước ban hành. Cộng đồng DN có tiếng nói quan trọng thậm chí là quyết định trong việc xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Ý kiến tham gia của cộng đồng DN là kênh quan trọng để văn bản pháp luật có tính khả thi, khắc phục tình trạng đơn phương bất hợp lý gây khó khăn cho DN và cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện nguyên tắc minh bạch theo cam kết WTO.

Ngay từ những năm 1993-1994 Việt Nam đã có các quy định về quyền tham vấn chính sách và pháp luật đối với DN và từ khi chính thức gia nhập WTO chúng ta đa xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó cụ thể hoá quyền tham vấn này. Từ các ý kiến tham vấn của DN, Chính phủ sẽ xem xét những văn bản chưa có tính khả thi đối với DN để tránh tình trạng phải sửa đổi khi văn bản đã đi vào cuộc sống. Thế nhưng thực tế tiếng nói của cộng đồng DN trong phản biện và xây dựng pháp luật còn rất yếu ớt, tản mạn.

Ông Phạm Tuấn Khải – Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ  cho biết một số DN rất muốn có những thông tin từ nhà nước nhưng lại chưa cởi mở đối với cơ quan nhà nước, một phần là do các DN đó làm ăn chưa thật minh bạch, công khai nên sợ các chính sách của cơ quan nhà nước. Do vậy, để xây dựng các chính sách hoàn thiện, minh bạch, cơ quan nhà nước rất cần có những ý kiến từ phía các DN. Ông Vũ Viết Ngoạn- Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho hay cơ quan này ít nhận được ý kiến chính thức về các DN tham gia xây dựng chính sách và pháp luật, hoặc có nhận được thì lại rất chậm, khi Luật chuẩn bị phê chuẩn rồi thì DN mới có ý kiến. “Có sự khác nhau trong phương thức xây dựng chính sách của cộng đồng DN nước ngoài và cộng đồng DN Việt Nam. Một số đại sứ các nước mong muốn làm việc với chúng tôi để đưa ra những chính sách, kiến nghị và chiến lược cụ thể trong khi đó, các DN Việt Nam thì không mấy mặn mà”, ông Ngoạn nhận xét.

Ngại, nản hay…sợ?

Sự tham gia của DN vào tham vấn xây dựng pháp luật bao gồm 4 nội dung: Quá trình xây dựng và góp ý dự thảo; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến pháp luật; Bản án và bnh luận bản án; Thi hành và giải quyết vướng mắc doanh nghiệp; Thi hành và kiến nghị xây dựng pháp luật. Quyền tham vấn của DN rõ ràng rất lớn và bản thân DN có thể tự “gỡ khó” cho mình khi đưa vào Luật những ý kiến từ thực tế nhưng vì sao DN không mặn mà, không tích cực tham gia ?

Theo kiến giải của luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI thì rõ ràng không phải DN thờ ơ thiếu trách nhiệm mà là do chán ngán, nản lỏng chẳng muốn tham gia. “Quan trọng nhất là DN cảm thấy nói ra không được lắng nghe, chưa  nói đến tình huống phản biện nhiều thì còn bị trù dập.  DN có nói, đã từng nói nhưng cơ quan soạn thảo không tiếp thu, không nghe, không đọc, không nhớ khiến cho DN có cảm tưởng “tham vấn lấy lệ mặc kệ chúng tôi”. LS Đức thẳng thắn nói. Đồng quan điểm này, luật gia Vũ Xuân Tiền- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo VFAM cũng bức xúc cho rằng những người có ý kiến chuyên sâu góp ý xây dựng pháp luật đều có cảm giác rằng có rất ít ý kiến đóng góp được cơ quan soạn thảo văn bản tiếp thu. Hậu quả là tính khách quan minh bạch trong không ít các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành vẫn không được tôn trọng, các giấy phép con vẫn ra đời, công cuộc cải cách hành chính vẫn ì ạch và tất nhiên DN vẫn gặp khó khăn không đáng có trong hoạt động kinh doanh. “Việc xin ý kiến tham vấn chỉ để đảm bảo đúng thủ tục chứ không thực chất, khiến một bộ phận DN nản lòng”, ông Vũ Xuân Tiền nói.

Việc tham vấn ngay với tổ chức đại diện cho cộng đồng DN như VCCI thì thực tế cũng mới chỉ thực hiện  theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu. Cụ thể là một số Nghị định khi chuyển cho VCCI góp ý có phần những vấn đề  ghi : ý kiến khác được lược bỏ. “ Đó là tiểu xảo của cơ quan soạn thảo để hạn chế những ý kiến không thuận trong một số vấn đề nhạy cảm, điều đó gây khó khăn DN khi góp ý”, ông Vũ Xuân Tiền nói thêm. Luật sư Trương Thanh Đức cũng thẳng thắn  cho rằng “tham vấn là bắt buộc tuy nhiên đều còn diễn ra việc tham vấn lấy ý kiến mang tính chất lấy lệ,  cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến triền miên nhưng rồi cuối cùng vẫn lấy nguyên dự thảo. Cách thức  DN tham vấn  kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì hoặc là hoa mắt chóng mặt hoặc là dẫm đạp lên hoa chứ nên không tránh khỏi tình trạng tham vấn xong rồi thì nước chảy bèo trôi. Người khôn ngoan khen ngợi vài câu cho phải phép, hoạc phán vài câu vô thưởng vô phạt, muốn có ý kiến tham gia thực sự thì mất lòng nhau”.

Ông Đức còn đưa ra ví dụ cụ thể trong cuộc lấy ý kiến về lĩnh vực ngân hàng cách đây hơn 1 năm,  một số ý kiến đóng góp đã được đông đảo ý kiến tán đồng thì một đồng chí Vụ trưởng đứng lên kết luận rằng chúng tôi cầu thị nên mới tổ chức chứ quyền áp đặt thế nào thì các anh phải thực hiện như thế. “ Nói thế lần sau ai muốn góp ý nữa hay không?”, LS Đức gay gắt. Hơn nữa, không hiếm trường hợp dự thảo sạch sẽ, ngon lành nhưng khi ban hành thì mới thấy những cú chốt bất ngờ, những quyết định rắn như đinh từ trên trời rơi xuống. Dẫn đến tình trạng khi thực thi vướng ở Nghị định, hỏng ở thông tư.

Để văn bản pháp quy không là gánh nặng với doanh nghiệp

Trong nhiều trường hợp mỗi văn bản pháp luật kinh doanh được ban hành là một gánh nặng pháp lý đồng thời cũng là gánh nặng tiền bạc với DN. Để văn bản pháp quy không là gánh nặng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, có thể ‘lên đời” hay “phá sản’ DN thì bản thân chính các DN cần nỗ lực tham gia tham vấn, đóng góp các ý kiến từ thực tiễn.

Uỷ ban kinh tế Quốc hội tới đây sẽ có ký kết chương trình hợp tác  với VCCI nhằm  xây dựng một chương trình để DN có thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và hoạch định chính sách một cách tốt nhất. Thông qua kinh nghiệm tham vấn chính sách của VCCI và kinh nghiệm quốc tế, hai đơn vị này kỳ vọng sẽ  trang bị thông tin về quyền của doanh nghiệp và những công cụ, kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình góp ý hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.

Anh Phương

—————————————

Cộng đồng kinh doanh (emotino) ngày 02-4-2009:

(389/1.467)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,476