(KT&ĐT) – Việc ưu đãi thuế vào lúc này được ví von như trao cho doanh nghiệp phao cứu sinh. Nhưng chỉ có tiến hành cải cách môi trường kinh doanh mới là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài.
* 85% doanh nghiệp cho rằng, họ cần một môi trường kinh doanh minh bạch hơn việc ưu đãi về thuế
Mấu chốt không chỉ mỗi ưu đãi thuế
Từ quý VI/2008 cho đến nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã ban hành khá nhiều quyết định mới liên quan tới sắc thuế thu nhập doanh nghiệp. Tháng 11/2008, Chính phủ quyết định giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp với các tổ chức niêm yết chứng khoán trong thời gian 2 năm 2004-2006. Đến tháng 12/2008, Chính phủ tiếp tục đồng ý giảm 30% thuế thu nhập nữa với các doanh nghiệp gặp khó khăn, và áp dụng ngay trong quý VI/2008, kéo dài hết năm 2009. Đồng thời, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng, thay vì 6 tháng, và yêu cầu ngành thuếrút ngắn hơn nữa thời gian hoàn thuế GTGT.
Theo lộ trình cải cách thuế giai đoạn 2005-2010, Chính phủ hướng tới 3 mục tiêu quan trọng. Đó là mở rộng diện chịu thuế, giảm thuế suất, khuyến khích sản xuất, đầu tư phát triển và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
Việc giảm thuế được các doanh nghiệp rất hoan nghênh. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc giảm thuế thu nhập có thể không thể hiện tác động rõ rệt nhưng với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là với các công ty đại chúng, việc giảm thuế đã tác động lớn, tích cực tới kết quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện vẫn có quá nhiều kẽ hở, quá nhiều bất cập trong cơ chế quản lý, để dẫn tới kết quả gần như không thể quản lý nổi doanh thu thực tế của doanh nghiệp. Kết quả đương nhiên sẽ là cũng quá khó để thu đúng, thu đủ đối với loại hình thuế thu nhập doanh nghiệp. Có nghĩa là, bên cạnh việc giảm thuế để động viên doanh nghiệp, thì cũng rất cần tăng được hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp, và xem đó như một trong những biện pháp chủ yếu để nâng cao số thu cho ngân sách sau khi giảm mức thu thuế.
Mặt khác, khi đề xuất giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp được đưa ra bàn tại Quốc hội đầu năm 2008, nhiều đại biểu đã cho rằng, điều cần với doanh nghiệp là môi trường hoạt động tốt, minh bạch, chứ chưa hẳn chỉ là giảm thuế. Ông Lê Văn Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng: “Hạ xuống 3% không có giá trị nhiều lắm. Đánh giá của nhiều chuyên gia thì ngay mức thuế 28% cũng không gây cản trở việc thu hút đầu tư vào nước ta. Điều quan trọng là doanh nghiệp trông đợi vào những cải cách trong thủ tục đầu tư, cải tiến môi trường đầu tư. Và đó mới là điểm mấu chốt để khuyến khích phát triển doanh nghiệp bền vững”.
Cải cách hành chính, cách hỗ trợ tốt nhất
Dường như, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra hiện nay đã có tác động mạnh mẽ tới quan điểm quản lý của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Những yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra trong vài năm trước đã được đáp ứng nhanh chóng. Tuy nhiên, thực tế thuế cũng chỉ là một trong những chính sách quản lý tác động- dù là tác động lớn – tới hoạt động của doanh nghiệp. Còn hàng loạt những quy định quản lý khác về thủ tục hành chính, quy định xuất nhập khẩu, môi trường, đầu tư… có thể tác động mạnh, thậm chí có thể đóng vai trò như một cái phanh ngăn cản hiệu quả của những chính sách hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, hiện có khoảng 6.500 thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, hiện nay danh mục các thủ tục hành chính thuộc 21 lĩnh vực quản lý Nhà nước đang được lập để đảm bảo việc thống kê đầy đủ, toàn diện các thủ tục hành chính. Danh mục khoảng 6.500 thủ tục hành chính đang được gửi lấy ý kiến để hoàn chỉnh.
Ông Phúc cũng cho biết, sẽ rà soát thủ tục hành chính theo các tiêu chí về tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của thủ tục hành chính và các văn bản, quy định có liên quan, từ đó đơn giản hoá thủ tục hành chính ở tất cả các cấp. Điều này có nghĩa là, những cải cách về thuế cần được vận dụng trong tương quan với những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, thay vì chỉ được xem như một nỗ lực cải cách của một ngành. Điều doanh nghiệp cần là sự đơn giản, minh bạch, hiệu quả quản lý hành chính cần được nâng cao hơn nữa cùng với những hỗ trợ về thuế. Quan điểm từ các doanh nghiệp cho rằng, rút ngắn thời gian hành chính cũng là tiết kiệm tiền bạc đối với doanh nghiệp. Nói như bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, điều mà doanh nghiệp mong mỏi không phải là ưu đãi về thuế, quan trọng hơn là tất cả rào cản phải được xoá bỏ để có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Văn Lãng
—————-
Báo Kinh tế & Đô thị ngày 06-4-2009:
(125/1.039)
————–
Đăng lại:
http://caicachhanhchinh.gov.vn/PortalPlus.aspx?/vi-VN/News/1//4012/0/3424/