(TTX) – Chiều 29/6, tại Hà Nội, Phòng Công nghiệp Thương Mại (VCCI), Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật về Ngân hàng Nhà nước và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng.
Góp ý cho dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), TS. Lê Thị Thu Thuỷ – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hoạt động kinh doanh ngân hàng là hoạt động rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến lợi ích của toàn xã hội, mang tính rủi ro lớn, hệ thống ngân hàng là “huyết mạch của nền kinh tế”, vì vậy pháp luật về hoạt động này cũng cần có những thay đổi nhất định nhằm bảo đảm được tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở đó điều chỉnh các mối quan hệ xã hội hiệu quả hơn. Bà Thuỷ cho rằng, Luật các TCTD nên bao quát cả hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; bởi lẽ một trong các vấn đề rất quan trọng, quyết định tới sự tồn tại của một doanh nghiệp là hoạt động của nó. Vì vậy Luật các TCTD điều chỉnh về hoạt động ngân hàng của các TCTD thì cũng nên điều chỉnh luôn cả hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác. Hoạt động ngân hàng dù được thực hiện bởi tổ chức nào đi chăng nữa thì đều thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN). Nếu không qui định thì sẽ bỏ sót đối tượng quản lý, có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Đề cập đến việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, dự luật quy định rất nhiều hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD, tuy nhiên hầu hết chỉ là định tính, không có định lượng, chưa thể hiện được thực chất của vấn đề, tức là Luật chỉ mang tính nguyên tắc hình thức. Nếu cứ theo Luật thì không thể hình dung điều kiện cấp phép là gì, vì không có tiêu chí rõ ràng, không xác định được giá trị thực của giấy phép.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, dự thảo Luật NHNN Việt Nam chưa trao đầy đủ thẩm quyền cho NHNN với tư cách là một ngân hàng trung ương đã phần nào hạn chế khả năng chủ động và tính linh hoạt của NHNN trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của một ngân hàng trung ương như các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức của cơ quan này.
Hiện nay, mục tiêu hoạt động của NHNN được quy định trong luật hiện hành quá rộng và đôi lúc còn mâu thuẫn, không phù hợp với tình hình kinh tế phát triển trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Các quy định pháp lý về điều hành các công cụ chính sách tiền tệ như chiết khấu tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất cơ bản còn quá chi tiết, nhưng chưa rõ ràng và mang nặng tính hành chính. Chất lượng thống kê kinh tế vĩ mô bị hạn chế do chưa có các quy định xử phạt đối với các trường hợp cung cấp thông tin sai lệch hoặc cố tình không cung cấp thông tin./.
———————————–
Thông tấn xã Việt Nam ngày 29-6-2009:
(112/633)