071. Như “Luật doanh nghiệp thứ 2”?

(DĐDN) – Có thể nói, Luật Ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) ra đời và có hiệu lực từ 1/10/1998 đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các TCTD hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, trước tình hình cạnh tranh và hội nhập, hai luật này cần được điều chỉnh theo hướng mở, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường pháp lý bình đẳng hơn.

Với quy định hiện nay, chi phí cho mỗi cuộc ĐH cổ đông của DN sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về chi phí và thời gian

Theo dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lần này, một số điểm thay đổi cơ bản so với luật có thể kể ra như: hoạt động của ngân hàng thương mại là căn cứ để dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng khác; yêu cầu cao hơn đối với các chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát của tổ chức tín dụng; phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng; các tỷ lệ đảm bảo an toàn chặt chẽ hơn đối với ngân hàng thương mại; giới hạn về góp vốn, mua cổ phần…

LS Bùi Thanh Lam cho rằng, trong thực tế hoạt động của các TCTD, đặc biệt là vấn đề quản trị, cơ cấu, tổ chức… rất nhiều vấn đề liên quan được Dự thảo luật gần như quy định lại, lặp lại Luật DN. Điều này là không cần thiết bởi vì như thế nó sẽ phá vỡ tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật, nhiều khi một điều luật trong Luật DN phải hiểu trong tính thống nhất của cả đạo luật, nhưng nếu chỉ được “sao” lại sang luật khác sẽ có thể bị hiểu khác đi. Ví như, không nhất thiết phải lặp lại vấn đề đối với các “các quy định chung đối với TCTD là Cty cổ phần…”, “TCTD là Cty cổ phần”… trong dự thảo mà chỉ cần dẫn chiếu sang Luật DN đối với mô hình Cty cổ phần và có chăng bổ sung thêm một số các điều kiện khác cho phù hợp với tổ chức tín dung, luật chuyên ngành.

Mặt khác, nhiều vấn đề, vướng mắc đối với các quy định về tổ chức, quản trị trong Luật DN vẫn đang còn tồn tại, do đó việc lặp lại các quy định này cũng sẽ làm khó thêm cho các TCTD khi thực thi trong thực tế.

Cùng về vấn đề này, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI bày tỏ quan điểm, khẳng định vị trí của mình, Luật Các TCTD phải đóng vai trò như là một “Luật DN thứ hai” điều chỉnh toàn diện, bao quát về các TCTD. Trong trường hợp, nội dung tại luật này khác với Luật DN thì những nội dung đó cần được quy định cụ thể và bảo đảm phù hợp với đặc thù của các TCTD. Ví dụ, cần quy định về điều kiện, thủ tục họp Đại hội đồng cổ đông của TCTD cổ phần, bởi nếu không quy định thì vấn đề này sẽ được áp dụng theo quy định của Luật DN (căn cứ vào quy định về nguyên tắc áp dụng luật tại Điều 2). Theo đó, sẽ phát sinh một số vướng mắc xuất phát từ những điểm đặc thủ của TCTD so với loại hình DN khác. Đơn cử như, việc áp dụng quy định tại Điều 100 của Luật DN: việc mời họp Đại hội đồng cổ đông thì thông báo họp phải được “gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông” cho “tất cả cổ đông có quyền dự họp” sẽ gây khó khăn và tốn kém cho các TCTD có số lượng cổ đông lớn. Ví dụ, Ngân hàng với 60.000 cổ đông, thì việc bắt buộc phải gửi thư bảo đảm đến 60.000 cổ đông và với chi phí khoảng 10.000 đồng/1 thư bảo đảm, thì tổng chi phí cho việc thông báo là rất lớn, trong đó chưa kể các khó khăn về thời gian, thủ tục, công sức và chi phí khác…

LS Đức cũng cho rằng, cần “luật hoá” những vấn đề có tính chất cơ bản tại các văn bản dưới luật đã chứng minh tính hợp lý trong thực tế để quy định chi tiết như thu hút các quy định về tỷ lệ an toàn đối với hoạt động ngân hàng vào Dự thảo. Luật Các TCTD hiện hành quy định “Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, thực tế quy định này đã không được hướng dẫn, không được thực thi, nên đã gây nhiều lúng túng, vướng mắc cho TCTD. Vấn đề này theo LS Đức phải được “luật hóa”, được quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của TCTD trên cơ sở quyền tự do kinh doanh nhưng trong Dự thảo chưa được nhắc đến.

Ông Akihiro Saito – TGĐ chi nhánh Hà Nội, Mizuho Corporate Bank :

Giữ nguyên “Tổng mức dư nợcấp tín dụng của chi nhánh NHNN”

Theo quy định tại mục 1, điều 128 của dự thảo Luật Các TCTD thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng sẽ thay đổi. Theo quy định hiện hành thì tổng mức dư nợ này không được vượt quá 15% vốn tự có có của ngân hàng mẹ, nhưng theo dự thảo thì tổng mức dư nợ này không được vượt quá 15% vốn tự có của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vì vậy đề nghị là các quy định hiện hành về cách tính tổng mức dư nợ cấp tín dụng nên được duy trì, nghĩa là không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng mẹ. Nếu Dự thảo Luật vẫn thay đổi như đã nêu trên, thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc phải giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng, hoặc phải tăng thêm vốn tự có của chi nhánh để duy trì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng như hiện tại. Trong trường hợp không thể tăng thêm vốn tự có, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải cắt giảm rất nhiều tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng, và sẽ rất khó khăn trong việc cung ứng hạn mức tín dụng mới cho khách hàng ở một mức nhất định. Điều này sẽ đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định đầu tư vào VN của các DN nước ngoài.

Luật gia Vũ Xuân Tiền – Tổng Giám đốc Cty cổ phần tư vấn quản lý và đào tạo VFAM VN :

Vì sao không xây dựng một Luật Ngân hàng trung ương độc lập ?

Ở rất nhiều quốc gia đều có Ngân hàng trung uơng. Ngân hàng trung ương khác với Ngân hàng nhà nước ở sự độc lập khá cao với Chính phủ. Đặc biệt quan trọng là, việc Ngân hàng trung ương cấp tài chính trực tiếp cho Chính phủ và các cơ quan công quyền ảnh hưởng trực tiếp đến cung tiền cơ sở, tạo ra những rủi ro lạm phát nghiêm trọng và do vậy cần phải cấm thực hiện. Nếu hình thành một Ngân hàng trung ương độc lập, việc quản lý chi tiêu công sẽ minh bạch hơn. Ở nước ta trong những năm vừa qua, việc chi tiêu công đã và đang lãng phí, thiếu minh bạch nghiêm trọng. Vì vậy, xin đề nghị, xây dựng một Luật Ngân hàng trung ương VN theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

LS Nguyễn Minh Thắng – Trưởng Phòng Pháp chế Ngân hàng Đông Nam Á :

Nên điều chỉnh lại một số khái niệm

Định nghĩa về “Tổ chức tín dụng” và “hoạt động ngân hàng” như trong Dự thảo có thể khiến một số loại hình Cty bảo hiểm, Cty thương mại trở thành Tổ chức tín dụng. Bởi vì, trong thực tế, có các Cty bảo hiểm có nhận tiền của khách hàng theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc và lãi cho người giao tiền. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đã bắt đầu xuất hiện các Cty hoạt động trung gian thanh toán và không cần thiết phải áp dụng theo cơ chế quản lý đối với tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, nên điều chỉnh lại khái niệm “tổ chức tín dụng” hoặc điều chỉnh lại các khái niệm về “hoạt động ngân hàng” “nhận tiền gửi” “cung ứng dịch vụ thanh toán” sao cho phù hợp, đặc trưng hơn với hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng.

Phương Thảo

——————

Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 01-7-2009:

http://www.dddn.com.vn/20090630095311173cat103/nhu-luat-dn-thu-2.htm

(429/1.534)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,910