072. Môi trường pháp lý đầu tư

(VNB) – Luật sư Trương Thanh Đức trả lời phỏng ván Journalist of Vietnam Business Forum

ATTN: Mr. Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI

Fr:     Đoàn Kim Phượng

PV TC Vietnam Business Forum

Nhân dịp xuân Tân Mão, Tạp chí Vietnam Business Forum – VCCI Phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, về vấn đề cải thiện môi trường pháp lý hỗ trợ cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam.

  1. Thời gian qua Chính phủ rất tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng độ hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, xin ông cho biết môi trường pháp lý của Việt Nam đã được cải thiện như thế nào và có hỗ trợ tích cực hay chưa cho việc thành lập cũng như hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam?

Môi trường pháp lý đã được cải thiện một cách đáng kể trong thời gian qua. Doanh nghiệp FDI cũng như tất cả các doanh nghiệp khác đã thực sự có một “sân chơi” chung khá công bằng, bình đẳng. Chẳng hạn đều được thực hiện các thủ tục đơn giản hơn trong việc thành lập doanh nghiệp mới được quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chính phủ và Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 04-6-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp không còn phải làm 3 thủ tục rời rạc khác nhau như trước kia là đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc con dấu. Và đặc biệt là việc quy định rõ tại Điều 12 về “Quyền thành lập doanh nghiệp” của Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01-10-2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp: Trường hợp doanh nghiệp FDI có không quá 49% vốn điều lệ thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thì khi thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam sẽ chỉ phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Và việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này được áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước.

Về hoạt động của doanh nghiệp, cũng đã có những quy định mới rõ ràng, cụ thể hơn như Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01-10-2010 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã chỉ rõ: Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp FDI được thực hiện tương tự như doanh nghiệp trong nước, không nhất thiết phải kèm theo việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Doanh nghiệp FDI cũng được mua nhà và sở hữu nhà ở theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03-6-2008 của Quốc hội và Nghị định số 51/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03-6-2009. Việc này cũng đã được quy định cụ thể hơn tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.

Luật Trọng tài năm 2010 cũng có quy định đối với tranh chấp có một bên là doanh nghiệp có FDI thì được phép sử dụng ngôn ngữ do các bên thoả thuận thay vì bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt như các trường hợp khác.

Ngoài ra, trong thời gian qua, còn một loạt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành điều chỉnh riêng về đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI như:

  • Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg ngày 18-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam;
  • Nghị định 80/2010/NĐ-CP ngày 14-7-2010 của Chính phủ quy định về hình thức, nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
  • Thông tư số 131/2010/TT-BTC ngày 06-9-2010 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam (hướng dẫn thực hiện Quyết định số 88/2009/QĐ-Ttg ngày 18-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ);
  • Thông tư số 186/2010/TT-BTC ngày 18-11-2010 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư.
  1. Theo ông, thủ tục hành chính rườm rà có phải là một trong những nguyên nhân khiến môi trường đầu tư Việt Nam kém hấp dẫn?

Điều này là một việc không thể phủ nhận. Không những nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước đều rất sợ thủ tục hành chính. Mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, đã gây ra rất nhiều khó khăn trở ngại cho môi trường đầu tư. Nó đã làm nhà đầu tư bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, mất nhiều chi phí đầu tư và giảm mong muốn mở rộng địa bàn, lĩnh vực đầu tư.

  1. Đề án 30 của Chính phủ là đề án thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc thực thi đề án này?

Đề án 30 của Chính phủ với mục tiêu rất cần thiết, rất quan trọng, trong đó có việc phấn đấu giảm ít nhất 30% số thủ tục hành chính. Tuy nhiên thủ tục hành chính sinh ra từ toàn bộ hệ thống luật lệ chằng chịt phức tạp, được vận hành bởi quá nhiều các cơ quan hành chính quan liêu và quá đông cán bộ, công chức kém về trình độ, năng lực, nhưng lại giỏi về cản trở, nhũng nhiễu, cho nên mặc dù đã bắt đúng bệnh, tìm ra được chỗ dở, nhưng việc thay đổi vẫn còn quá nhiều khó khăn, chậm chạp. Vì vậy kết quả đạt được từ Đề án cải cách thủ tục hành chính còn rất hạn chế, chủ yếu là ghi nhận, hứa hẹn và mong chờ vào quá trình sửa đổi luật lệ, chính sách trong tương lai.

Có thể nói hiệu quả lớn nhất của Đề án này là đã rung lên được những hồi chuông báo động về trình trạng trầm trọng cần phải thay đổi về mọi thủ tục hành chính đang trói buộc nền kinh tế nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.

  1. Ông cho biết việc cải thiện môi trường pháp lý tại Việt Nam cần nhấn mạnh vào điểm yếu nào?

Vấn đề muôn thuở vẫn là cơ chế. Mà cơ chế là luật lệ do con người sinh ra và dung dưỡng nó. Vậy thì cần nhấn mạnh vào khắc phục điểm yếu cốt tử là con người, bao gồm con người xây dựng và con người thực thi pháp luật. Con người xây dựng pháp luật đã tạo ra quá nhiều quy định chung chung, chồng chéo, mâu thuẫn, phức tạp, bất cập, đi ngược lại thực tế; nghị định thì vô hiệu hoá luật, thông tư lại vô hiệu hoá nghị định. Con người thực thi pháp luật thì không muốn công khai, rõ ràng, minh bạch; muốn rắc rối thay vì đơn giản, muốn hạch sách thay vì vô tư. Hai con người này tất yếu phải “đẻ” ra những đòi hỏi oái ăm, những yêu cầu khó chịu, những thủ tục vô lý, làm vẩn đục môi trường pháp lý. Mà con người như vậy thì cũng lại do cơ chế sinh ra. Con người “đẻ” ra cơ chế thế nào, thì cơ chế lại “sinh” ra con người như thế.

 

Hà Nội ngày 14/12/2010

Trân trọng cảm ơn ông.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

ĐOÀN KIM PHƯỢNG

Journalist of Vietnam Business Forum

091 359 2068

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không...

Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không ít băn khoăn. (DĐDN) - Việc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,849