073. Góp ý Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng: Nhiều vấn đề cần được hoàn thiện

(KTVN) – Hiện Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ về “Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng”.

Đây là hai đạo luật đã được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ hai thông qua năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2003 (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), 2004 (Luật Các tổ chức tín dụng). Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, những quy định trong hai văn bản luật này đã bộc lộ những hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng trong điều kiện hội nhập.

Để khắc phục những hạn chế trên, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của thực tiễn, chiều ngày 29/6/2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng”. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia xung quanh hai dự luật này.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: Cần tách giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng thành hai loại

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng quy định rất nhiều hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), tuy nhiên chưa thể hiện được thực chất của vấn đề, tức vẫn mang tính hình thức. Trong khi đó, để đi vào hoạt động, TCTD còn phải đáp ứng được một loạt các điều kiện khác như: Đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ, trụ sở, cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán, kiểm soát, quản lý rủi ro… Như vậy sau khi được phép thành lập, TCTD sẽ phải trải qua các điều kiện, thủ tục xem xét cho phép của Ngân hàng Nhà nước thì mới được hoạt động. Đó là những loại “giấy phép” không thể thiếu. Do đó cần tách giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD thành hai loại là Giấy phép thành lập và Giấy phép hoạt động để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng và thực tế.

Ông Dương Thanh Minh – Ban Pháp chế, BaovietBank: Lệ phí cấp phép 1% là quá cao

Quy định cấp giấy phép phải nộp một khoản “lệ phí cấp Giấy phép bằng 1% vốn điều lệ hoặc vốn được cấp” trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng là quá cao. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện, làm giảm hiệu quả phục vụ môi trường kinh doanh, đầu tư…. Chẳng hạn: một ngân hàng có vốn 3.000 tỷ đồng, nhưng để xin được phép hoạt động họ phải đóng tới 30 tỷ. Đây là một nghịch lý không thể chấp nhận trong thực tiễn.

Do đó, cần xem xét có giới hạn mức phí tối đa, chẳng hạn: là 10.000 USD. Theo đó, đề nghị sửa thành: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp Giấy phép phải nộp một khoản lệ phí cấp Giấy phép do Bộ Tài chính quy định tùy từng thời điểm nhưng không được vượt quá mười nghìn (10.000) đôla Mỹ”.

Ông Akihiro Saito – Tổng giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Mizuho Corporate Bank: Cần xem lại quy định dư nợ không được vượt quá 15%

Theo quy định hiện hành thì tổng mức dư nợ không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng mẹ, nhưng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại quy định tổng mức dư nợ này không được vượt quá 15% vốn tự có của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nếu dự thảo luật vẫn bị thay đổi như đã nêu trên, thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc phải giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng, hoặc phải tăng thêm vốn tự có của chi nhánh để duy trì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng như hiện tại.

Trong trường hợp không thể tăng thêm vốn tự có, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ phải cắt giảm rất nhiều tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng, và sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp hạn mức tín dụng mới cho khách hàng ở một mức nhất định. Điều này sẽ đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài.

TS. Lê Thị Thu Thuỷ – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: Cần thể hiện được quyền tự chủ, tính độc lập của ngân hàng

Việt Nam đã gia nhập WTO, các cam kết trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính không dễ được thực hiện, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại khó được nâng cao nếu thiếu tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Ngân hang Trung ương. Do đó, nên qui định Ngân hàng Trung ương có vị trí pháp lý độc lập với Chính phủ. Có như vậy mới đảm bảo được sự linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.

Luật gia Vũ Xuân Tiền – Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn quản lý và đào tạo: Nên xây dựng một luật ngân hàng trung ương độc lập

Vì sao chúng ta không xây dựng một luật ngân hàng trung ương Việt Nam, trong khi ở rất nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan, Mexico… đều có Ngân hàng Trung ương.

Ngân hàng Trung ương khác với Ngân hàng Nhà nước ở sự độc lập khá cao với Chính phủ, đó là sự độc lập thể chế; độc lập chức năng; độc lập tài chính; độc lập nhân sự. Do đó, nếu hình thành một Ngân hàng Trung ương độc lập, việc quản lý chi tiêu công sẽ minh bạch hơn. Ở nước ta trong những năm vừa qua, việc chi tiêu công đã và đang lãng phí, thiếu minh bạch một cách nghiêm trọng. Điều đó được thể hiện qua các báo cáo đã công bố của Kiểm toán Nhà nước qua các năm. Vì vậy, đề nghị xây dựng một Luật  Ngân hàng Trung ương Việt Nam theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế./.

Trung Kiên

——————————————–

Thời báo Kinh tế Việt Nam (Tài chính ngân hàng) ngày 02-7-2009:

http://www.ven.org.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1467/seo/Gop-y-Du-thao-Luat-Ngan-hang-Nha-nuoc-va-Du-thao-Luat-cac-to-chuc-tin-dung-Nhieu-van-de-can-duoc-hoan-thien/language/vi-VN/Default.aspx

(205/1.195)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.859. Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không...

Sửa Luật Chứng khoán: Vẫn còn đó không ít băn khoăn. (DĐDN) - Việc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,758