(ĐBND) – Dự thảo Luật thuế nhà, đất hiện đang được soạn thảo để thay thế Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 (sửa đổi năm 1994), nhằm khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với dự thảo mới nhất, dự luật vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra.
Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi cho biết, mục tiêu, yêu cầu xây dựng luật thuế nhà, đất nhằm đảm bảo: (1) tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; (2) khắc phục những mặt hạn chế của những chính sách thuế nhà, đất hiện hành; (3) nâng cao tính pháp lý của pháp luật hiện hành về thuế nhà, đất trên cơ sở bổ sung mới và kế thừa các quy định còn phù hợp; (4) tiếp cận với thông lệ quốc tế về thuế nhà, đất tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế; (5) động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất, nhất là những đối tượng sử dụng nhà, đất vượt hạn mức quy định.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, mục tiêu góp phần hạn chế đầu cơ nhà đất là khó đạt được do hiện chưa có khái niệm rõ ràng về đầu cơ bất động sản. Nếu cho rằng, nhà đất mà tổ chức, cá nhân mua nhưng không sử dụng là hành vi đầu cơ, cần phải đánh thuế, thậm chí đánh thuế thật nặng, thì không phù hợp, vì nhà đất chưa sử dụng có rất nhiều nguyên nhân. Ví dụ, nhà đầu tư đã hoàn thiện công trình, nhưng do giá xuống thấp, thị trường trầm lắng, không thể bán được hoặc bán bị lỗ mà cho là đầu cơ để đánh thuế thì “chết” nhà đầu tư. Hoặc khi tích cóp được một khoản tiền, người dân Việt Nam thường mua thêm một vài căn nhà, mảnh đất, để sau này cho con cái ra ở riêng, nếu cho đây là hành vi đầu cơ để đánh thuế, thì cũng không phù hợp với đạo lý.
“Vả lại thuế suất thấp như vậy thì việc đánh thuế này có làm giảm hiện tượng đầu cơ được hay không?”- ông Liêm đặt vấn đề. Theo Dự thảo mới nhất, nhà có giá trị trên 600 triệu đồng mới phải nộp thuế theo mức 0,03% của phần vượt trên 600 triệu đồng. Diện tích đất trong hạn mức phải nộp theo thuế suất 0,03%; phần diện tích vượt quá hạn mức, nhưng không quá 3 lần phải nộp thuế theo thuế suất 0,06% và phần diện tích vượt quá 3 lần hạn mức mới phải nộp theo mức 0,09%. “Với mức thuế quá thấp như thế, chắc chắn không khuyến khích được việc sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả; không góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản và tất nhiên không thể động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà đất, nhất là người sở hữu nhiều nhà đất vào ngân sách”- ông Liêm bình luận.
LS Lê Thanh Sơn, Công ty Luật AIC thì cho rằng, 5 mục tiêu mà Chính phủ đưa ra chưa đạt được một mục tiêu nào! “Bên cạnh đó, mục tiêu an sinh xã hội cũng chưa được. Nếu tập trung ở thuế nhà, đất thì tất cả đối tượng sử dụng nhà đất đều phải điều chỉnh vì còn thiếu quá nhiều”. LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng đồng ý với các nhận xét về sự chưa rõ ràng của mục tiêu pháp lệnh. Chính vì sự chưa rõ ràng này mà nên ông Đức rất khó góp ý cho rõ ràng hơn về việc nộp thuế. Chưa giải quyết được mục tiêu là hạn chế đầu cơ, thì luật thuế này có cảm giác đánh lừa dư luận, chưa tập trung được vào nội dung xác định cần nói tới.
T.Phong
—————————————
Người Đại biểu Nhân dân 05-09-2009: