(TQ) – Các doanh nghiệp tư nhân, dù có lớn mạnh, thì cũng chưa thể “lên tập đoàn” một cách chính danh.
Những ngày vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội và báo chí cả nước cụm từ tập đoàn kinh tế luôn được nhắc đến như một sự kiện nóng hổi.
Tuy nhiên, những tập đoàn kinh tế được nói đến là những tập đoàn “con đẻ” của nhà nước với rất nhiều ưu đãi. Còn một lực lượng tập đoàn kinh tế khác, đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế đất nước là tập đoàn kinh tế tư nhân lại ít được chú ý, kể cả trong các văn bản của nhà nước.
Chưa có sự nhìn nhận
Bên cạnh các tập đoàn kinh tế nhà nước, ở Việt Nam hiện nay đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Đồng Tâm, FPT, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Kinh Đô, HIPT, Hoàng Long, T&T… Các tập đoàn này đều có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng ngàn cổ đông. Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn bổ sung: “tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác, tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con”. Chính vì thế, việc dự thảo Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước “bỏ quên” tập đoàn kinh tế tư nhân, đã gây nhiều tranh cãi.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phụ trách pháp chế cho Ngân hàng Bảo Việt, cho rằng nếu căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, Chính phủ cần ban hành nghị định về tập đoàn kinh tế nói chung, chứ không chỉ “quan tâm” đến một nửa vấn đề là tập đoàn kinh tế nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn hiệu lực từ 1/7/2010, để tất cả cùng chung một sân chơi là Luật Doanh nghiệp năm 2005. “Chỉ riêng chuyện đặt tên doanh nghiệp liên quan đến chữ tập đoàn cũng đã thấy khó chấp nhận. Nếu đã không cho đặt tên là tập đoàn, thì cần cấm tiệt, chứ đừng nửa nạc, nửa mỡ kiểu cho phép nhét chữ tập đoàn vào sau chữ công ty. Thế thì chỉ cần viết đúng một lần duy nhất, sẽ nghiễm nhiên được dùng sai cả đời cái từ tập đoàn thay cho từ công ty” – ông Đức nói.
Khoảng cách thực tế và khuôn khổ pháp lý
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, việc hình thành các tập đoàn của Việt Nam là cần thiết nhưng trước hết phải có định nghĩa, khái niệm, làm rõ các tiêu chí về tập đoàn như ngành nghề, vốn, công nghệ, thành viên (phải đáp ứng những điều kiện gì), nhất là giá trị thương hiệu đã được xã hội thừa nhận. Có thể có những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh cũng có thể trở thành tập đoàn kinh doanh. Đã gọi là tiêu chí thì sự liên kết giữa các thành viên như thế nào, chi phối với nhau bởi cái gì dựa theo luật nào.
Áp dụng theo tiêu chí nước ngoài về tập đoàn thì nước ta có đáp ứng được không với việc hình thành các tập đoàn tự phát hiện nay. Nếu gọi vốn là vấn đề chi phối, hiện tại có những tập đoàn nhà nước có công ty thành viên trong đó tập đoàn chhỉ chiếm 10% vốn, nhưng chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn vẫn nắm quyền chi phối. Ngoài ra thì công nghệ, hệ thống phân phối, thương hiệu… cũng phải được xác định, có quy chuẩn cụ thể.
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế do Bộ Kế hoạch – Đầu tư xây dựng hiện vẫn giữ quan điểm chỉ điều chỉnh đối với tập đoàn kinh tế nhà nước. Như vậy, các doanh nghiệp tư nhân, dù có lớn mạnh, thì cũng chưa thể “lên tập đoàn” một cách chính danh |
———————————
Tổ quốc ngày 14-11-2009:
http://www.toquoc.gov.vn/Print/Article/Tap-Doan-Kinh-Te-Tu-Nhan-Dang-O-Dau/pdf