1.000. Thuế môn bài tăng 3 lần: Đừng để doanh nghiệp thêm nặng gánh

(KTĐT) – Theo dự thảo Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí môn bài Bộ Tài chính vừa công bố, từ 1/7/2017, lệ phí môn bài sẽ thay cho thuế môn bài trước đây và mức thu lệ phí môn bài sẽ tăng mạnh.

Đại diện một số DN cho biết sẵn sàng đóng thêm thuế phí, nhưng mức tăng phải vừa sức, chứ không nên tạo thêm nặng gánh cho DN

Thuế tăng 3 lần, ngân sách tăng thu 1.000 tỷ đồng/năm

Theo dự thảo, mỗi DN phải nộp lệ phí môn bài 3 triệu đồng một năm (nếu vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng); 5 triệu đồng (vốn từ 10 – 100 tỷ đồng) và 10 triệu đồng nếu vốn trên 100 tỷ đồng. Riêng các chi nhánh, cửa hàng trực thuộc DN có mức phí môn bài là 2 triệu đồng. Trong khi đó theo quy định hiện hành, thuế môn bài được phân loại theo 3 mức, từ 1 – 3 triệu đồng.

Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Còn với các hộ gia đình và kinh doanh, lệ phí môn bài cũng thay đổi so với trước đây khi không chia thành 6 mức. Thay vào đó, hộ gia đình, nhóm cá nhân có doanh thu từ 100 – 300 triệu đồng nộp phí 300.000 đồng. Mức phí 1 triệu đồng với hộ gia đình có doanh thu trên 300 triệu đồng. Trong khi đó hiện nay, thuế môn bài đối với kinh doanh cá thể được tính theo 6 bậc tùy vào thu nhập theo tháng… Và nếu được thông qua, mức thu lệ phí mới với phí môn bài sẽ đạt khoảng 2.685 tỷ đồng/năm (ngân sách Nhà nước sẽ tăng 1.000 tỷ đồng so với mức 1.700 tỷ đồng/năm với mức thu cũ).

Có ý kiến cho rằng, thuế phí tăng nhưng chất lượng các dịch vụ mà người dân, DN được hưởng thụ vẫn chưa tăng tương ứng. Tăng thu ngân sách phải bằng các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển, tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí… chứ không phải chỉ nhìn vào việc tăng thuế, phí.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, thời gian qua, trong quá trình thực hiện chính sách thuế môn bài có nhiều bất cập, vướng mắc. Ví dụ, đối với hộ kinh doanh cá thể phần lớn nộp thuế theo phương pháp khoán, không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách, hóa đơn chứng từ, không hạch toán được kết quả sản xuất, kinh doanh thì mức thu thuế môn bài lại quy định gồm 6 mức căn cứ vào thu nhập trên tháng. Hàng năm, cơ quan thuế phải tốn nhiều thời gian cho công tác điều tra doanh số.

Về bản chất thuế môn bài là một khoản lệ phí, nhằm kiểm kê, kiểm soát số lượng cơ sở có hoạt động kinh doanh trong năm. Tuy nhiên, mức thu môn bài khu vực hộ kinh doanh gồm 6 mức tùy thuộc thu nhập trung bình một tháng, gây nhiều khó khăn cho cả người nộp thuế, cơ quan thuế trong việc xác định mức nộp dẫn đến bỏ sót thuế, không phát huy được hết chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh..

Bên cạnh đó, mức môn bài hiện hành khi xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng (từ 1/5/2016 lên mức 1.210.000 đồng). Do đó, việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.

Chống lãng phí hay tăng thuế, phí?

Đón nhận thông tin về việc thuế môn bài sẽ thành phí môn bài và tăng gấp 3 lần so với mức đang áp dụng, ông Vũ Tiến Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Hội chợ và Quảng cáo Sao Việt (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện nay, DN đang phải gánh quá nhiều loại thuế phí. Riêng Sao Việt, DN này đang gánh khoảng 20 loại thuế phí, mà các loại thuế phí luôn trong xu hướng tăng. Nếu tăng thêm phí môn bài với mức tăng cao như dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra, DN sẽ rất nặng gánh. Ông Dũng cho rằng, các chính sách, trong đó có chính sách thuế phải làm sao hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển, chứ không phải DN cứ lớn lên một chút là lại bị tăng thu.

Ông Mạc Quốc Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ (DNVVN) Hà Nội cho biết, việc tăng phí này đương nhiên sẽ tăng gánh nặng cho DN, đặc biệt là khối DNVVN. Ông Quốc Anh cho rằng, thực tế thời gian qua, qua phản ánh của nhiều DN, nhiều loại thuế phí tăng, tuy nhiên, chất lượng dịch vụ lại không tăng tương ứng. Nếu tăng phí, chất lượng dịch vụ phải tăng tương ứng và DN phải được hưởng lợi từ việc họ tăng mức đóng góp. Đơn cử, hiện nay, DN đóng nhiều loại phí nhưng chất lượng các dịch vụ công mà họ được thụ hưởng vẫn còn rất nhiều chuyện phải bàn.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông Trương Thanh Đức, việc tăng thuế môn bài lên mức trung bình 300% là không phù hợp. Thứ nhất, khoản thu này đã được thay đổi về bản chất từ thuế sang lệ phí. Đã là lệ phí, dùng cho việc gì đến đâu thì thu đến đấy tối đa là bù chi và không nhất thiết là phải bù toàn bộ, có thể chỉ một phần, chứ không phải để tăng thu. Vì vậy, lý do tăng phí môn bài để tăng thu vào ngân sách Nhà nước là không thuyết phục. Thứ hai, trong bất kỳ trường hợp nào, các khoản đóng góp ngân sách nếu phải tăng thì 1% đến tối đa 50%, chứ không thể nào tăng vọt lên 300% một lúc. 

Đóng thuế là để xây dựng đất nước, tuy nhiên, mức thuế phí phải vừa sức với DN, chứ không phải để họ hụt hơi trong quá trình tồn tại và phát triển. Để tăng thu ngân sách Nhà nước, chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt như thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu chứ không chỉ là tăng thuế, phí.

Ông Vũ Tiến Dũng Tổng Giám đốc Công ty Hội chợ và Quảng cáo Sao Việt

Nha Trang

————–

Kinh tế & Đô thị (Doanh nghiệp) 15-3-2016:

http://www.kinhtedothi.vn/kinh-te/doanh-nghiep/2016/03/81032a6e/thue-mon-bai-tang-3-lan-dung-de-doanh-nghiep-them-nang-ganh/

(135/1.158)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,851