1.007. “Tiền ảo” Octa: Nằm ngoài pháp luật, mặc sức tung hoành?

(GT) – Chưa có quy định nào về “tiền ảo”, chính là lỗ “hổng” của pháp luật khiến tiền ảo tung hoành thị trường.

Người chơi ngồi trước trụ sở Mt.Gox (Sàn GD tiền ảo Bitcoin tại Nhật Bản đã sập vào năm 2014) để đòi tiền

Ai quản lý hoạt động kinh doanh tiền ảo?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, chiếu theo các quy định của pháp luật, tiền ảo Octa là kinh doanh đa cấp trái luật. Vì Octa không phải hàng hóa, vật chất hiện hữu, cũng không phải tiền tệ mà là một dạng dịch vụ không rõ ràng. Chỉ nói riêng về tiền ảo thì nó đã không được pháp luật thừa nhận.

Trao đổi với Báo Giao thông về tính hợp pháp của đơn vị kinh doanh Octa tại Việt Nam, mà cụ thể là Tập đoàn Octa Capital, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Bộ Công thương không cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt độngbán hàng đa cấp cho đơn vị này”. Hiện nay, Bộ Công thương đang thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, Octa không được coi là hàng hóa.

Trong khi đó, khi trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, cũng cho hay, “đây (Octa – PV) là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) và NHNN đã có giải thích rõ ràng”. Theo đó, các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tới nay, các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng các dạng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng cho khách hàng”.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý giải của NHNN về mặt quản lý dưới góc độ phương tiện thanh toán. Còn về việc quản lý hoạt động kinh doanh đối với loại tiền ảo này, thì chưa rõ đâu là đơn vị quản lý vì nó chưa nằm trong bất cứ quy định pháp luật nào.

Lỗ hổng luật pháp?

Trao đổi với một chuyên gia về tiền tệ, vị này cho hay, nhìn vào bản chất vấn đề, việc nhà đầu tư lấy ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài có hợp pháp hay không cần phải căn cứ vào quy định của Luật Đầu tư 2014 và 2 Nghị định hướng dẫn (Nghị định 83 về đầu tư trực tiếp và 135 về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài). Chiếu theo đó, tiền ảo không nằm trong danh mục đối tượng điều chỉnh nào.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, trước hết, việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của NHNN. Còn đối với hoạt động kinh doanh tiền Octa mà Báo Giao thông nêu (cũng như các loại tiền ảo khác), hiện nay chưa có quy định nào điều chỉnh, kể cả danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng không bao gồm loại hình này. Ông Hiếu thừa nhận đây chính là lỗ “hổng” của pháp luật hiện nay và cho rằng các bộ ngành phải đề xuất để bổ sung.

Đối với một số nội dung PV Báo Giao thông đặt ra với NHNN như: Quy định của pháp luật về chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài như thế nào? Số lượng ngoại tệ mỗi cá nhân/tổ chức được chuyển mỗi lần bao nhiêu? Tại sao NHNN mới chỉ đưa ra cảnh báo mà không đề xuất cấm kinh doanh tiền ảo… được đại diện cơ quan này khất và yêu cầu Báo Giao thông gửi công văn để trả lời.

 

Nhiều sàn tiền ảo đã sập, nhà đầu tư chao đảo

Từ năm 2014, sàn bitcoin đình đám Mt.Gox tại Nhật (giá trị quy đổi tương đương hơn 400 triệu USD) sập đã khiến cả thị trường chao đảo. Tiếp đó, sàn mycoin tại Hong Kong (trị giá 3 tỷ đô-la Hong Kong, khoảng 380 triệu USD) ngừng hoạt động gây khốn khó cho nhiều nhà đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh, đây là hình thức kinh doanh tiền ảo nhưng mô hình gần giống kinh doanh đa cấp. Nếu như hầu hết công ty kinh doanh đa cấp đều kinh doanh các sản phẩm hữu hình, người đến trước sẽ được hưởng lợi dựa trên mức tiêu thụ sản phẩm/doanh số của người đến sau thì đối với kinh doanh tiền ảo, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao khi càng có nhiều người tham gia… Điều này tạo sự khan hiếm vì số lượng tiền ảo được tạo ra luôn là có hạn (theo ý thức chủ quan của người/tổ chức tạo ra) nhưng mong muốn có chúng lại là vô hạn! Và người tham gia bị thúc đẩy bởi tâm lý “tôi phải là người đi trước”. Càng nhiều người nghĩ mình là người đi trước sẽ càng có nhiều người tham gia.

Đòi lại tiền vô vọng như “chim trời cá nước”

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, nếu sàn giao dịch tiền ảo Octa sập hay Tập đoàn Octa Capital phá sản thì các nhà đầu tư Việt Nam có cách nào đòi được tiền không, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định là không. “Trừ khi nhà đầu tư biết pháp nhân điều hành ở đâu để sang tận nơi đó khởi kiện, đòi nợ nhưng trường hợp này vô cùng hy hữu. Còn các nhà đầu tư tại Việt Nam tham gia đầu tư tiền ảo này thì vô vọng như chim trời cá nước”, ông Đức nói.

Cao Sơn


Giao thông (Kinh tế) 16-3-2016:

http://www.baogiaothong.vn/tien-ao-octa-nam-ngoai-phap-luat-mac-suc-tung-hoanh-d142115.html

(177/1.051)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,851