1.008. Bán hàng đa cấp, lỗi ở quy định hay do quản lý?

(HQ) – Pháp luật quản lý bán hàng đa cấp đã đầy đủ, chặt chẽ là ý kiến của một số vị luật sư nêu ra. Những vấn đề xảy ra trong các hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua nằm ở khâu thực thi pháp luật, việc cơ quan chức năng quản lý, giám sát hoạt động này như thế nào.

Công ty Liên Kết Việt đã mạo danh công ty của Bộ Quốc phòng tạo lòng tin để lôi kéo người dân tham gia. Ảnh internet.

Nếu có lời cảnh báo sớm

Bán hàng đa cấp đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu và chính thức được thừa nhận từ năm 2005. Với các nước trên thế giới, bán hàng đa cấp là loại hình được khuyến khích bởi phương thức này giúp tiết kiệm thời gian trong việc đưa sản phẩm chất lượng từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, nhiều trường hợp bán hàng đa cấp đã “biến tướng” thành một loại hình kinh doanh lừa đảo. Vì sao người dân vẫn mắc lừa trong khi đã có nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra. Nhiều người đặt ra câu hỏi có phải do luật pháp về bán hàng đa cấp chưa nghiêm, chưa đủ chặt để quản lý loại hình này?

Mang câu hỏi này tới Luật sư Trương Thanh Đức, phóng viên Báo Hải quan nhận được câu trả lời: “Pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp hiện đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ, bài bản”.

Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được hướng dẫn chi tiết bằng Thông tư 24/2014/TT-BCT. Trong Nghị định 42 đã liệt kê đến 18 hành vi bị cấm.

Theo ông Đức, vấn đề không nằm ở các văn bản quy định mà nằm ở khâu thực thi pháp luật như thế nào.

Nhìn từ vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt vừa qua có thể thấy, ngày 15-7-2015, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã xử phạt công ty này 570 triệu đồng với nhiều lý do, trong đó có lý do đưa thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm…

Thời điểm đó Cục Quản lý cạnh tranh có thể đưa ra cảnh báo sớm bởi công ty này đã vi phạm “điều cấm” trong Nghị định 42 là cấm người tham gia bán hàng đa cấp cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm về lợi ích của người tham gia bán hàng đa cấp” chứ không cần “viện dẫn” Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Canh tranh rằng “đối chiếu với các quy định, quyết định xử phạt Công ty Liên Kết Việt không thuộc các trường hợp buộc phải công bố công khai”.

Thậm chí, khi phát hiện ra sai phạm còn nhập nhèm, giấu giếm dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. “Điều này chứng tỏ nhận thức của cơ quan quản lý kém, không biết vi phạm bán hàng đa cấp hoặc chỉ có thể giải thích bằng một lập luận là cơ quan này ngầm tiếp tay cho hành vi vi phạm. Nếu vụ việc chỉ có vài trăm người mắc bẫy thì có thể không biết, nhưng quy mô lên đến hàng nghìn người thì không có lý gì mà không biết!”, ông Đức nêu quan điểm.

Bộ Công Thương đã làm hết trách nhiệm?

Nghị định 42 quy định rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi cả nước. Cơ quan Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp, sửa đổi, bổ sung gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp; trực tiếp kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp khi cần thiết…

Vậy nên khi vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt “vỡ lở” với số lượng và quy mô lớn như vậy thì sự nghi ngờ của nhiều người về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp không phải không có lý.

Do vậy, một lần nữa ông Đức nhấn mạnh đến việc phát hiện, xử lý cảnh báo, ngăn chặn mới là quan trọng, trong khi đây lại là vấn đề yếu kém của các cơ quan của Bộ Công Thương.

Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như Liên Kết Việt, mà trước đây đã xảy ra khá nhiều. “Cơ quan quản lý phải nghĩ cách, có biện pháp kịp thời để ngăn chặn thay vì lờ đi”, ông Đức nói.

Theo đó, khi xuất hiện hiện tượng, Cục quản lý cạnh tranh phải theo dõi, nhắc nhở chấn chỉnh thì doanh nghiệp đã không dám “làm bừa”, chứ chưa nói đến phải xử phạt, rút giấy phép. Nếu có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ không nảy sinh thêm rắc rối với quy mô lớn.

Có cách tiếp cận khác, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nói: “Tôi không muốn đi theo xu hướng phê phán quyết định này, quyết định kia, hay “vì sao Bộ Công Thương không đăng công khai quyết định xử phạt Liên Kết Việt”… Điều quan trọng là phải tổ chức lại cho người dân cảnh giác với một hiện tượng, đồng thời có khả năng phòng vệ tốt hơn”.

Trước đây, bán hàng đa cấp ở Hà Nội không thiếu nhưng chỉ tàn phá được một thời gian. Sau khi người dân thành phố được cảnh báo và có sự cảnh giác, bán hàng đa cấp đã tràn về các vùng sâu, vùng xa, núp dưới bóng dưới nhiều hình thức.

Do vậy, cung cấp thông tin, nâng cao khả năng đề kháng luôn luôn phải ưu tiên. “Lòng tham thì ai cũng có nhưng chúng ta không vấp phải do có thông tin đầy đủ hơn họ thôi”, ông Huỳnh nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas), việc tuyên truyền của chúng ta thường là đi sau, khi xảy ra mới “cuống lên”.

“Nếu tuyên truyền bằng điều nọ, luật kia thì chắc chắn không ai nghe. Việc tuyên truyền phải nói về câu chuyện, thậm chí là câu chuyện được khai thác ở nước ngoài. Có người thật, việc thật thì người ta mới nghe”, ông Hùng khẳng định.

Phan Thu


Hải quan (Kinh tế) 17-3-2016:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Ban-hang-da-cap-loi-o-quy-dinh-hay-do-quan-ly.aspx

(452/1.177)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,852