3.010. Vụ 100 container điều xuất khẩu sang Italy: Bài học đắt giá trong giao dịch quốc tế

(ĐĐK) – Cộng đồng doanh nghiệp mới đây rúng động bởi phi vụ lừa đảo hàng chục container điều xuất khẩu sang Italy, số tiền có khả năng mất trắng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, đây thực sự là bài học về kinh doanh an toàn, lựa chọn đối tác, phương thức giao dịch hợp lý trong thương mại quốc tế.

Bất cẩn trong giao dịch thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trắng tay.

Vụ lừa đảo lớn nhất trong 30 năm của ngành điều

Đến nay phi vụ lừa đảo xuất khẩu điều vẫn còn nhiều bí ẩn. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều nhận định, đây là vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận trong ngành điều hơn 30 năm nay.

Theo ông Nhựt, trên thương trường, những dạng lừa đảo kiểu này là có, nhưng đơn lẻ, không nghiêm trọng như lần này. Với các doanh nghiệp (DN) bị hại, nếu bị mất hàng, thiệt hại không nhỏ.

Có thể tóm tắt phi vụ lừa đảo triệu đô này như sau: 5 DN xuất khẩu điều thông qua môi giới của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt ký hợp đồng xuất khẩu đi Italy với số lượng 100 container hạt điều, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.

DN phát hiện hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh ngân hàng được cung cấp bởi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu); Ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam, cho dù ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng vẫn không nhận được thông tin trả lời; Ngân hàng tại Italy thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc; chứng từ gốc không biết thất lạc nơi đâu.

Trước những dấu hiệu trên, một số DN chưa kịp vận chuyển đã khẩn cấp đề nghị ngân hàng ngăn chặn thu hồi chứng từ để dừng vận chuyển container. Có DN ký xuất hơn 40 container kịp thu hồi 17 container hàng, chịu mất quyền kiểm soát số còn lại. Tổng cộng, trong 100 container ký xuất, tới thời điểm này, các DN và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ đồng. Cảnh sát tài chính đang vào cuộc.

Để giải quyết vụ việc, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm việc với các hãng tàu vận tải 36 container hạt điều đang thất lạc hồ sơ gốc để phối hợp giữ hàng, tạo điều kiện cho luật sư xử lý dứt điểm giúp DN lấy lại hàng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã khẩn cấp có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đề nghị các Bộ trưởng của Italy quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DN Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các DN Italy.

Phía Bộ Công thương cũng cho rằng, qua vụ việc các DN khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước. Các DN nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường… Các DN cũng cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Theo các chuyên gia kinh tế, các khuyến cáo không bao giờ thừa, bởi hoạt động thương mại quốc tế vô phức tạp. Và thực ra đối với lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá, DN Việt Nam cũng đã từng va vấp không ít vụ việc tương tự.

Mới đây nhất một DN xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của Việt Nam khi giao dịch với một đối tượng ở Maroc cũng bị lừa lên tới trăm ngàn USD. Những bài học trong quá khứ kết hợp với phi vụ lừa đảo nghiêm trọng này của ngành điều, DN xuất khẩu tự thân phải rút ra được các bài học trong giao dịch, lựa chọn đối tác.

Rủi ro giao dịch thương mại quốc tế

Quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng, nên ngày càng thêm nhiều DN tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn nạn lừa đảo luôn bủa vây những DN chân chính, nếu không chủ động phòng ngừa, DN sẽ dính bẫy lúc nào không biết. Với các hợp đồng lớn và với đối tác lạ, chưa thẩm định thông tin rõ ràng, DN có thể nhờ bên tư vấn độc lập thứ 3 để ký kết hợp đồng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có nhiều bẫy lừa trong thương mại quốc tế mà DN cần tìm hiểu để tránh rủi ro. Thứ nhất, chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân.

Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch. Điều này dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Một chủ thể mang quốc tịch một quốc gia, trước hết phải tuân thủ pháp luật nước mình về tư cách chủ thể. Pháp luật một quốc gia khác không thể điều chỉnh tư cách chủ thể của cá nhân hoặc pháp nhân mang quốc tịch nước khác.

Vì vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của các bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Thứ hai, xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng. Một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng một pháp nhân không thể tự mình, mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết.

Một vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên nên tìm hiểu những quy định về thẩm quyền và ủy quyền của quốc gia đối tác hoặc yêu cầu bên kia cung cấp các giấy tờ để chứng minh hoặc cam kết mình có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Thứ ba, về hình thức hợp đồng, Việt Nam cũng đã tuyên bố bảo lưu Điều 11 của Công ước Viên 1980 nên nhất thiết các hợp đồng được ký kết phải được thực hiện dưới hình thức văn bản. Nếu có sai phạm về hình thức, Tòa án Việt Nam hoặc Trọng tài tại Việt Nam có thể tuyên hợp đồng vô hiệu.

Ngoài ra DN Việt khi làm hợp đồng cũng chú ý, về vấn đề chọn Luật áp dụng, ngôn ngữ trong hợp đồng. Mỗi ngôn ngữ có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc hiểu sai, nên tốt nhất các bên có thể sử dụng chung một ngôn ngữ.

Bài học đắt giá

Thống kê từ Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam (VIAC) cho hay, riêng trong năm 2021 đơn vị này tiếp nhận, thụ lý 270 vụ tranh chấp mới trong đó, số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 18%, tranh chấp có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài chiếm 39% và tranh chấp trong nước chiếm 43%.

Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, DN khi hội nhập có rất nhiều khó khăn bủa vây. Vì vậy, cơ quan quản lý và ngành hàng nên phổ biến cho các DN kiến thức kinh tế, thương mại quốc tế tốt.

Suy cho cùng, bài học đắt giá triệu đô từ phi vụ hạt điều là một bài học đắt giá cho DN Việt. Trong đó bài học đầu tiên là phải thẩm định kỹ thông tin về đối tác. Nhiều DN đã rất chủ quan, kể cả khi ký hợp đồng lớn, song không cử người trực tiếp sang làm việc, không thẩm định chéo thông tin về đối tác.

“DN nên thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu, liên hệ với các công ty cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, các hiệp hội DN ở nước nhập khẩu… để tìm hiểu về đối tác” – ông Thịnh khuyến cáo.

Giới chuyên gia cho rằng, về phía cơ quan quản lý, cần phải tích cực tìm hiểu thêm, cảnh báo và công bố các thủ đoạn lừa đảo cũng như danh sách những đối tác có dấu hiệu lừa đảo cho DN, tích cực giúp đỡ DN nếu cần thực hiện các thủ tục pháp lý.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam): Xảy ra tranh chấp ở nước ngoài thì vô cùng phức tạp

Thương mại quốc tế dựa trên các hệ thống pháp luật khác nhau, đồng tiền khác nhau và các bên không dễ dàng gặp gỡ trực tiếp để xử lý các trục trặc. Đặc biệt khi xảy ra việc tranh chấp, khiếu nại, kiện cáo ở nước ngoài thì vô cùng phức tạp, tốn kém về tố tụng tòa án, trọng tài và thi hành án.

 Vì vậy, việc thanh toán trong giao dịch thương mại quốc tế thường phải dựa vào bên trung gian có uy tín là ngân hàng, là tổ chức tài chính chuyên nghiệp về dịch vụ thanh toán, thành thạo luật chơi chung và đặc biệt là có độ tin cậy rất cao tại mỗi nước sở tại.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: Cần chú trọng xác minh khách hàng

Các DN xuất khẩu của chúng ta cần hết sức quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trường hợp khách hàng đã vài lần ký hợp đồng và thực hiện, thì chúng ta vẫn phải duy trì quá trình xác minh, thẩm tra đó.

Việc xác minh đó có thể bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó là kênh thông qua các thương vụ Việt Nam tại các nước. Các DN Việt Nam cũng nên dành quyền chủ động soạn thảo hợp đồng, như vậy DN của chúng ta sẽ nắm vững và hiểu rõ các quy định, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng đó, cũng như các điều khoản liên quan đến bồi thường. Như vậy nếu không may xảy ra vấn đề về tranh chấp pháp lý thì việc xử lý sẽ giúp chúng ta nắm vững quy trình hơn.

T.HẰNG – M.SANG

————————–

Đại đoàn kết (Dòng sự kiện) 24-3-2022:

http://daidoanket.vn/vu-100-container-dieu-xuat-khau-sang-italy-bai-hoc-dat-gia-trong-giao-dich-quoc-te-5682499.html

(160/2.091)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,982