1.011. Truy thu 1.200 tỉ của hai đại gia bia là vô lý

(PL) – Việc truy thu thuế đối với Sabeco và Habeco tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp.

“Truy thu thuế đối với Sabeco là không hợp lý”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã phát biểu như trên tại tọa đàm diễn ra ngày 6-9 về vấn đề truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Tọa đàm do Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Không chỉ ông Nguyễn Sỹ Cương mà đại diện Bộ Công Thương cùng nhiều chuyên gia đều đồng ý rằng: Việc truy thu thuế TTĐB đối với hai công ty trên ngoài việc không phù hợp pháp luật còn gửi một thông điệp tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Phải hành xử theo luật

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương,  có ý kiến cho rằng Sabeco lách luật để trốn thuế nhưng điều đó không đúng. “Tôi đã nói rất rõ về việc đừng nói chuyện lách luật, vì hệ thống luật các nước vài trăm năm vẫn có lỗ hổng. Luật tốt là lỗ hổng ít. Trong luật có lỗ hổng mà người ta lách được thì người ta không phạm tội” – ông Cương nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định: “Khi đặt vấn đề truy thu thuế TTĐB thì ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến Sabeco và Habeco mà còn nhiều công ty khác”.

Bia Sài Gòn bị đề nghị truy thu thuế hơn 400 tỉ đồng . Ảnh: HTD

Chính vì vậy Vụ Pháp chế Bộ Công Thương đã có nhiều công văn gửi các cơ quan thuế liên quan và đề nghị xem xét, tạo điều kiện cho DN nhưng không nhận được những phản hồi tích cực. “Chúng tôi đành báo cáo Thủ tướng để xem xét việc này, vì đây là quyền của Thủ tướng” – ông Tân thông tin.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, khẳng định: Với tinh thần mới của Luật Đầu tư, Luật DN, Nghị quyết 35 của Chính phủ… thì có cơ sở để khẳng định Sabeco và Habeco không vi phạm pháp luật.

“Nhà nước có dám sòng phẳng với DN không? Có thực hiện đúng quy định chính mình đặt ra không?” – LS Đức đặt câu hỏi và tự trả lời: Nhà nước không thể hành xử theo quan điểm, mong muốn và ý chí áp đặt của mình mà phải theo luật.

Hồi tố cũng phải có nguyên tắc

Đề cập đến nguyên tắc hồi tố trong vụ việc này, ông Tân nhấn mạnh: “Phải hết sức tránh việc hồi tố. Nếu có hồi tố thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho DN”.

Đồng tình, ông Cương nói: “Quan trọng hơn nữa là phải hồi tố theo quy định của luật chứ không phải thích hồi tố là hồi tố. Làm như thế là không hợp lý!”. Theo ông Cương, nếu muốn hồi tố thì chính luật đang được áp dụng phải có quy định về hồi tố hoặc phải sửa đổi luật theo hướng quy định cụ thể về thời hiệu.

Trước những thông tin về việc Bộ Tài chính đã có những sửa đổi trong các thông tư, nghị định để hợp thức hóa việc truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco và Habeco, luật sư Đức khẳng định ngay: “Không thể sửa thông tư và nghị định để hồi tố được đâu. Hiến pháp nói rõ chỉ có luật mới có thể hạn chế quyền của công dân. Nếu nói rằng quyền công dân không phải là quyền của DN thì chả có ý nghĩa gì”.

Đến lượt mình phát biểu, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương, lấy làm tiếc vì không có đại diện Bộ Tài chính tại tọa đàm này và khẳng định: “Nếu kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco và Habeco là đúng thì cơ quan thuế phải bồi thường chứ không phải hai công ty trên”.

Ông Dũng còn cho biết Sabeco, Habeco đã phải đi vay ngân hàng để tạm nộp thuế theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. “Bắt nạt DN như vậy là rất phi lý. Nếu nói theo tinh thần kiến tạo, phục vụ của Chính phủ mới thì Bộ Tài chính đã đi ngược lại tinh thần này” – ông Dũng nhận định.

Còn luật sư Trương Thanh Đức thì “khuyên” Nhà nước nên nhận phần thiệt. “Nhưng trong trường hợp này Nhà nước cũng chả thiệt, vì như Sabeco vẫn còn tới 90% vốn nhà nước. Vấn đề quan trọng hơn là lấy lòng tin của dân, của DN” – luật sư Đức nói.

Ai chịu trách nhiệm nếu Sabeco sai?

Không chỉ Sabeco, Habeco mà cả Vinataba khi nộp thuế chắc chắn đã được cơ quan thuế hướng dẫn. Bây giờ Bộ Tài chính nói phải theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Như vậy nếu Sabeco, Habeco sai, Vinataba sai… vì đã thực hiện theo hướng dẫn của ngành thuế đồng nghĩa là việc cơ quan thuế hướng dẫn sai. Anh phải chịu hậu quả của việc đó chứ không thể bắt DN chịu thay.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN SỸ CƯƠNG

Tháng 2-2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với Sabeco hơn 408 tỉ đồng. Ngày 28-1-2016, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục có công văn kiến nghị truy thu thuế TTĐB từ năm 2012 đến tháng 9-2015 đối với Habeco là hơn 838 tỉ đồng.

Từ đó đến nay, Bộ Công Thương, Sabeco và Habeco liên tục có nhiều văn bản giải trình và kiến nghị về các kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Bộ Công Thương đề nghị xem xét không hồi tố kê khai và nộp bổ sung thuế TTĐB đối với các công ty thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

CHÂN LUẬN

——————————————————

Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 07-9-2016:

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/truy-thu-1200-ti-cua-hai-dai-gia-bia-la-vo-ly-651040.html

(237/1.072)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,981