(TBNH) – Bên cạnh những thành công, đóng góp to lớn đã được khẳng định, thì trong khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng có nhiều vấn đề tồn đọng từ nhiều năm nay. Đó là những vướng mắc, tranh chấp, nợ nần lớn, thua lỗ triền miên, hiện tượng chuyển giá, ô nhiễm môi trường…
Nguy hiểm hơn là việc chủ DN và người đại diện DN hoặc bỏ trốn, hoặc mất tích và để lại khối nợ lớn, thậm chí là rất lớn (đặc biệt là nợ ngân hàng), và cả nợ thuế… Họ để lại hàng trăm, có nơi là cả ngàn người lao động mất việc nhưng không được nhận các chế độ lương, bảo hiểm đầy đủ. Sự tồn tại của DN chỉ còn ở cái tên và những khu đất, nhà máy, để hoang hóa.
Ở những nơi có những DN chỉ còn lại cái bóng như thế này thì cơ quan thuế thất thu, đến cả tiền thuê đất cũng không thể thu được và hàng loạt các hệ lụy đau lòng khác đẩy đến nhiều quan hệ kinh tế đơn thuần đã bị hình sự hóa. Những việc này ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam, tác động không nhỏ đến đời sống người lao động và đời sống kinh tế – xã hội ở địa phương đó.
Nếu do rủi ro kinh doanh mà cứ quy kết xử lý hình sự, thì nhà đầu tư sẽ sợ hãi bỏ trốn |
Tuy vậy, các cơ quan nhà nước lại tỏ ra hết sức lúng túng, bị động, không có cách xử lý triệt để, thống nhất. Theo ông Lê Xuân Hiền – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương): Nguyên nhân chính là chúng ta thiếu cách thức xử lý kiên quyết, hiệu quả đối với các trường hợp đặc biệt này, khi mà chúng ta chỉ quanh quẩn với việc duy nhất là thu hồi dự án. Chưa kể, nếu thu hồi dự án xong thì làm thế nào tiếp theo? Rồi tài sản, đất đai, các quan hệ dân sự của DN được xử lý như thế nào?
Chủ DN bỏ trốn, nhà xưởng bỏ không nhưng tên DN vẫn tồn tại trong hệ thống đăng ký DN, đó là một thực tế làm sai lệch độ chính xác và tin cậy của hệ thống dữ liệu bởi không thể loại bỏ tên DN này dù nó chỉ còn là cái bóng. Vậy tại sao không cho phá sản những DN này, nhiều người đã từng đặt câu hỏi.
Còn LS. Trương Thanh Đức thì cho biết “Hiếm khi giải quyết được cho DN phá sản, mặc dù đã ban hành 3 đạo luật về phá sản DN”.
Tất cả gần như chưa có cơ chế xử lý một cách rõ ràng. Có ý kiến cho rằng: Nhà nước, với tư cách là một bên chủ thể trong các hợp đồng (thuê đất, cho vay…) có lẽ cũng cần phải chấp nhận đây là một rủi ro giống như rủi ro kinh doanh của DN.
Khi trả lời câu hỏi về vấn đề “Nhà nước cũng phải chấp nhận rủi ro”, LS.Trương Thanh Đức cho rằng “Hiểu Nhà nước phải chấp nhận rủi ro không phải là chấp nhận cho mất trắng mà nghĩa là không thể cầu toàn, cần phải xử lý theo cách thức đặc biệt, nhằm giảm thiểu thiệt hại chứ không thể không cho phá sản chỉ vì để “bảo lưu” nợ nần vì sợ mất nợ. Sớm cho phá sản bắt buộc hay bán thanh lý DN để “làm sạch” môi trường kinh doanh đều là những giải pháp tốt hơn là không làm gì.
Vậy xử lý thế nào khi có DN FDI “mất tích”. Và làm gì để không còn xảy ra tình trạng chủ DN bỏ trốn để lại hệ quả nặng nề.
Giải pháp được các chuyên gia cho rằng, trước mắt, cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát các DN FDI bỏ trốn, mất tích. Thống kê những nguồn lực mà DN đó đang nắm giữ như là đất đai, nhà, xưởng, trang thiết bị, hàng hóa… rồi báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở đó, cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể để tháo gỡ bằng được cho các DN này.
Đồng thời cần thông báo công khai danh tính chủ các DN FDI là người nước ngoài bỏ trốn, mất tích, phối hợp với các nước để xử lý trách nhiệm mà họ đã gây ra.
Để tháo gỡ bằng được cho DN, và để sẽ không có thêm chủ DN FDI nào bỏ trốn nữa, thì cần xác định rõ cho DN, nếu do làm ăn kém hay gặp khó khăn mà bị thua lỗ, nợ nần, thì phải được xác định là rủi ro kinh doanh và được phép phá sản DN. Như thế, chủ DN sẽ có trách nhiệm phối hợp với với các cơ quan chức năng thanh lý tài sản để trả lương cho người lao động, trả nợ thuế và các khoản nợ khác. Sau đó, chủ DN sẽ có cơ hội làm lại từ đầu.
Bản thân tài sản, đất đai, nhân công, không có lỗi và không có hại, vì vậy cần tìm mọi biện pháp tháo gỡ để làm sao nhanh chóng đưa vào khai thác, sử dụng càng sớm càng tốt. Nếu còn cứu được, thì cần tạo điều kiện cho những người có trách nhiệm liên quan để họ làm ăn, duy trì hoạt động để có cơ hội công nợ trả dần chứ không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Còn nếu do rủi ro kinh doanh mà cứ quy kết xử lý hình sự, thì nhà đầu tư sẽ sợ hãi bỏ trốn, vì sợ phải đi tù. Hậu quả là tiền bạc vẫn mất mà mọi việc thì rơi vào bế tắc, kéo dài không xử lý được. Và thiệt hại còn tiếp tục tăng lên.
Giải pháp lâu dài cần phải chuẩn hóa các quy trình, quy định ở tất cả các khâu liên quan đến các DN nói chung và khối FDI nói riêng, tránh tình trạng “con voi chui qua lỗ kim” để rồi người nước ngoài ôm tiền chạy mất, còn hậu quả thì chúng ta phải gánh chịu. Cần tạo ra một cơ chế bảo đảm ba yêu cầu: Muốn vào Việt Nam “ôm” tiền cũng không được, “ôm” được tiền rồi cũng không chạy, không trốn được và dù có trốn được thì cũng sẽ bị xử lý.
Đức Linh
Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 23-3-2016:
http://thoibaonganhang.vn/xu-ly-fdi-bo-tron-mat-tich-nhu-the-nao-46563.html
(191/1.149)