1.015. Gỡ khó cho nới room, coi chừng trái luật.

(ĐTCK) – “Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc cho việc áp dụng quy định nới room tại Dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán, không cẩn thận là trái với Luật Đầu tư”, luật sư Trương Thanh Đức cảnh báo. 

CTCK nội địa không thể đòi hưởng lợi cả hai đầu: vừa hút thêm vốn từ NĐT nước ngoài, vừa được coi là công ty trong nước

Lý lẽ nào để ông đưa ra cảnh báo hướng đề xuất gỡ khó cho áp dụng quy định nới room của UBCK không cẩn thận là trái với quy định của Luật Đầu tư?

Luật Đầu tư quy định rất rõ rằng, một DN Việt Nam mà có NĐT nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì ứng xử là NĐT nước ngoài. Do đó, ở cấp nghị định mà UBCK đang dự thảo theo hướng: trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán, tuy NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% trở lên cổ phần, phần vốn góp thuộc sở hữu của công ty niêm yết, công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên Sở GDCK, nhưng vẫn được coi là NĐT trong nước, không cẩn thận là trái với quy định của Luật Đầu tư.

Luật không thể và cũng không nên phân biệt NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty Việt Nam chỉ với mục đích là mua bán cổ phần, cổ phiếu, chứ không phải vì mục tiêu thâu tóm, sở hữu công ty Việt Nam. Ai dám khẳng định, sau khi mua cổ phiếu đến mức sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty niêm yết, bên nước ngoài không thâu tóm, tìm cách kiểm soát công ty này?

Cái lý của cơ quan soạn thảo khi đưa ra đề xuất trên là thực tế triển khai quy định nới room tại Nghị định 60/2015 đối với công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên Sở GDCK, tỷ lệ sở hữu nước ngoài thay đổi liên tục, thậm chí hàng giờ khi có NĐT mua vào, hoặc bán ra cổ phiếu, nên việc xác định khi nào tổ chức đó có sở hữu nước ngoài từ 51% vốn điều lệ trở lên là khó khả thi?

Không nên đưa ra lý lẽ ấy để đề xuất hướng gỡ trên cho câu chuyện nới room đang gặp vướng mắc. Không cẩn thận nhà quản lý đang làm rối thêm cơ chế nới room.

Vậy theo ông giải pháp nào là thỏa đáng?

 luật sư Trương Thanh Đức

Trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư là bất kể DN niêm yết hay không niêm yết, khi có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì đều được coi là NĐT nước ngoài.

Điều này đảm bảo công bằng, bình đẳng, tránh phân biệt đối xử giữa DN niêm yết và không niêm yết. Hơn nữa, càng là công ty đại chúng, DN niêm yết, thì càng phải quản lý chặt chẽ tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài, chứ không phải theo hướng nới lỏng như đề xuất của UBCK.

Vì lý do đó, việc áp dụng tỷ lệ sở hữu nước ngoài nên triệt để tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và các quy định của pháp luật chuyên ngành theo hướng: tỷ lệ sở hữu tối đa ở ngành nào, thì nghiêm túc tuân thủ, chẳng hạn như với lĩnh vực ngân hàng là tối đa 30%, chứ không nên tìm cách phá trần tỷ lệ này với lý lẽ: nỗ lực thu hút vốn ngoại vào TTCK.

Mặt khác, cần phải nhìn nhận rằng, Luật Đầu tư quy định DN Việt Nam có NĐT sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên bị đối xử là NĐT nước ngoài là một bước mở đáng kể, tạo thuận lợi cho DN thu hút vốn ngoại. Trước khi có quy định này, thậm chí DN chỉ có 1% sở hữu nước ngoài, thì cũng bị coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài và bị đối xử như NĐT nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là các CTCK ủng hộ đề xuất của UBCK rằng, mặc dù tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nước ngoài từ 51% trở lên nhưng vẫn được coi là công ty nội địa, vì như thế họ được hưởng các quyền lợi nhiều hơn so với CTCK ngoại. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?

Như thế là không sòng phẳng. CTCK nội địa không thể đòi hưởng lợi cả hai đầu: vừa được hút thêm vốn từ NĐT nước ngoài, vừa được coi là công ty trong nước.

Đã chấp nhận cho NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, thì CTCK phải chấp nhận bị đối xử là NĐT nước ngoài. Còn nếu muốn là công ty nội địa để được hưởng các quyền lợi mà CTCK nước ngoài không có, thì họ phải chấp nhận để nước ngoài sở hữu dưới 51% vốn điều lệ.

Hữu Đạo thực hiện


Đầu tư Chứng khoán (Chứng khoán) 25-3-2016:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/go-kho-cho-noi-room-coi-chung-trai-luat-146553.html

(918/918)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,735