(TBNH) – Câu chuyện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tổng Sabeco và Habeco vẫn chưa dừng lại dù đã gần 2 năm DN cùng Hiệp hội Bia – rượu và nước giải khát (VBA) liên tục kiến nghị, Bộ Công Thương cũng có ý kiến, chuyên gia và luật sư lên tiếng không đồng tình.
Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp rất hẹp giữa đại diện của DN, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VBA, luật sư, chuyên gia và cả đại biểu Quốc hội, dù giọng điệu, lời nói của những người phát biểu có nhiều cung bậc khác nhau, song tự chung lại đều tỏ ra bức xúc bởi vấn đề đã không còn là của Sabeco hay Habeco mà đã trở thành vấn đề của môi trường kinh doanh và niềm tin của DN, uy tín của cơ quan Nhà nước.
“Vụ việc của Sabeco và Habeco là điển hình cho vấn đề rủi ro chính sách, là minh chứng cho nỗi sợ lớn nhất của DN, đó là chính sách hay thay đổi khó tiên liệu. Một nỗi lo nữa, liệu việc này có trở thành tiền lệ rất nguy hiểm cho môi trường kinh doanh không?”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết.
Sabeco và Habeco đang chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu 2 DN phải nộp thuế theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư, đến giá trị DN và sẽ gửi đi thông điệp tiêu cực đến cộng đồng DN.
Vì đâu lên nỗi. Lần ngược thời gian được biết, từ năm 2007 đến năm 2015, 2 DN này đã hỏi cơ quan thuế và nộp thuế đủ số thuế theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Nhưng Kiểm toán Nhà nước trong các đợt kiểm toán tại các DN năm 2014 và 2015 đã kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với 2 DN này. Sở dĩ như vậy do Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá tính thuế khác với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. 2 DN này đang được coi là “lách luật”.
Sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước, 2 DN này và VBA đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét lại. Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), sau khi có kết luận của Kiểm toán và kiến nghị của DN, xét thấy việc truy thu thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến Sabeco và Habeco mà còn nhiều công ty khác.
Ông cho biết, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng và cả Thủ tướng Chính phủ xem xét không hồi tố kê khai và nộp bổ sung thuế TTĐB đối với các DN thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
“Kiểm toán Nhà nước đã hiểu và giải thích luật theo cách của mình và áp truy thu thuế với DN khác với cách giải thích của cơ quan thuế đã hướng dẫn DN trước đây. Lẽ ra khi có cách hiểu khác nhau thì nên hiểu theo cách có lợi cho DN”, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.
Theo ông Tuấn, nếu hồi tố theo hướng không có lợi cho DN là đi ngược lại tinh thần pháp luật Việt Nam, thế thì “DN cần lên án mạnh”.
“Không phải là cơ quan có quyền thì hiểu thế nào cũng được, làm thế nào cũng được, muốn kết luận về DN thế nào cũng được. Làm thế là không được” đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phát biểu. Trong trường hợp phải hồi tố thì cũng hồi tố theo hướng có lợi cho cho DN.
Ông Cương cho biết: “Việc này tôi, anh Cung (TS.Nguyễn Đình Cung), anh Đức (Luật sư Trương Thanh Đức) nói nhiều rồi… Đừng nói chuyện lách luật. Chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp luật, nếu luật có hổng mà DN lách luật thì không phải họ vi phạm pháp luật”. Với trường hợp của 2 DN này đã làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế, quyết toán thuế các năm đã được kiểm toán, nay chính đơn vị kiểm toán đó lại có kết luận khác là sao, và phải chăng cơ quan thuế đã hướng dẫn sai?
“Từ nay cho đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức về việc này thì DN không phải nộp thuế truy thu như kiến nghị của Kiểm toán… Luật nào cũng có quy định về thời gian áp dụng, không thể theo luật mới để hồi tố cho việc đã xảy ra trước khi luật mới có hiệu lực được”, ông Cương thẳng thắn nêu quan điểm.
Ông Cương cho biết thêm: “Tôi đã theo dõi việc này 14 tháng. Đến nay có 2 vấn đề đặt ra: Thứ nhất, truy thu số thuế này Nhà nước được gì? mất gì? Thứ hai là câu chuyện pháp lý, nguyên tắc”.
Ông Cương phân tích, nhìn chung Nhà nước đang nắm giữ 90% cổ phần ở 2 DN này, nếu 2 DN này không phải truy nộp số thuế này, Nhà nước được lợi ngần đó. Ngược lại khi phải nộp truy thu bao nhiêu thì Nhà nước mất đi ngần đó. Hơn nữa, với 90% cổ phần đang nắm giữ, vì vụ việc truy thu, khi niêm yết bán cổ phần giá trị DN giảm đi, Nhà nước mất nhiều hơn. Và mất nhiều hơn nữa là ở uy tín của Nhà nước khi để cho DN mình sở hữu tới 90% cổ phần không tuân thủ đúng pháp luật thuế để đến nỗi bị truy thu thuế hàng nghìn tỷ đồng.
“Suốt thời gian qua tôi chưa thấy chuyên gia, luật sư, doanh nhân nào đồng tình với kiến nghị này của Kiểm toán”, ông Đức nói. Là trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, là thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và luật Đầu tư, ông Đức khẳng định không có luật nào cho phép áp dụng hồi tố bất lợi cho người chịu tác động của luật. Nhà nước sống dựa vào DN chứ không phải ngược lại, nếu đánh mất lòng tin của nửa triệu DN là Nhà nước tự đối đầu tự làm ảnh hưởng xấu đến chính mình.
Chủ tịch VBA, ông Đậu Anh Tuấn và những người có mặt trong cuộc họp khẳng định mục tiêu cuộc họp là để kéo gần DN với cơ quan nhà nước, bảo vệ bình đẳng cho cổ đông là Nhà nước và tránh tác động xấu của chính sách không chuẩn.
“Tôi có nhiều niềm tin ở Chính phủ mới sẽ tổ chức bài bản và sẽ có chuyển biến tích cực. Cách giải quyết vụ việc này sẽ gửi một thông điệp lớn về môi trường kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn phát biểu.
Ngọc Linh
—————————————————————————————-
Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 07-9-2016:
http://thoibaonganhang.vn/sabeco-habeco-va-noi-so-lon-nhat-cua-doanh-nghiep-53195.html
(110/1.247)