(HQ) – Luật pháp của Nhà nước phải nâng đỡ doanh nghiệp, áp dụng những điều có lợi cho môi trường kinh doanh, hoạt động sản xuất thì mới lấy được lòng tin của doanh nghiệp.
Việc xác định mức tính thuế TTĐB cần được cụ thể hơn. Ảnh: Internet
Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến quy định của luật pháp gây tranh cãi cho hoạt động của doanh nghiệp, điều này khiến các doanh nghiệp đều chờ mong sự kiện toàn hơn từ chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chẳng hạn, quy định tại Điều 292 của Bộ Luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đã gây ra nhiều tranh cãi, bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp. Mới đây, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Điều 292 của Bộ Luật Hình sự 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan tư pháp đều có cùng quan điểm bỏ Điều 292.
Trong một cuộc họp được tổ chức mới đây tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề về quy định pháp luật cho doanh nghiệp một lần nữa được các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia nhắc đến với một sự mong mỏi sẽ được hoàn thiện và có tính thống nhất hơn.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh… đã được ban hành trên tinh thần ủng hộ doanh nghiệp. Vì thế, những tranh cãi về luật liên quan đến doanh nghiệp không chỉ là vấn đề về pháp luật mà là câu chuyện ứng xử của cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp như thế nào.
“Nguyên tắc chung mà Luật dân sự Việt Nam và thế giới đều có nêu, cơ quan, tổ chức ban hành hợp đồng mẫu có nội dung khó hiểu, khó giải thích thì người ban hành phải chịu thiệt, làm được như vậy mới lấy được lòng tin của công dân, doanh nghiệp. Vì thế, chính sách cần áp dụng những điều có lợi cho doanh nghiệp, không nên áp đặt nếu không sẽ mất niềm tin của hơn nửa triệu doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, cần thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp với các cơ quan hoạch định chính sách. Các chính sách nếu thiếu sự đồng bộ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, cản trở sự ra đời, sáng tạo của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp sẽ được xây dựng cụ thể hơn, khu biệt đến từng lĩnh vực, có những hướng dẫn thống nhất, đặc biệt luôn phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ví dụ như cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), do độ chênh của giá cả nên các mức tính thuế, cơ sở tính thuế TTĐB cần được xác định cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng mặt hàng, từng ngành nghề. Vì giá trị của một chiếc xe ô tô, một thùng bia hay một bao thuốc lá là khác nhau, chưa kể giá bán hàng phụ thuộc nhiều yếu tố, lên xuống theo từng thời điểm.
Một vị chuyên gia có nói, hệ thống pháp luật nào cũng có lỗ hổng, tuy nhiên hệ thống pháp luật tốt thì lỗ hổng càng ít. Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện về luật pháp nên có lỗ hổng là chuyện bình thường. Vì thế, các doanh nghiệp cũng phải góp phần vào công cuộc giám sát, kiểm tra việc thực thi của chính sách.
“Muốn như vậy, doanh nghiệp và hiệp hội phải chủ động, phải có sự liên kết lại để phản ánh kịp thời những vướng mắc khó khăn lên các cơ quan điều hành”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Hương Dịu
—————————————————
Hải quan (Doanh nghiệp) 08-9-2016:
http://www.baohaiquan.vn/pages/luat-phap-phai-co-loi-cho-doanh-nghiep.aspx
(177/762)