(LĐTĐ) – Cần có giải pháp gỡ nút thắt cơ chế?
Làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để mở rộng sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đã ở mức toàn diện như hiện nay? Đây là một trong những vấn đề được các cấp, ngành đang rất quan tâm.
Thống kê của Bộ Công Thương cho hay, cả nước hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN), trong đó 96% DNNVV. Nhìn vào con số trên, DNNVV đang có số lượng rất hùng hậu, song để các DN sống và phát triển trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế, ngoài vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản trị doanh nghiệp, rào cản lớn nhất theo các chuyên gia là khó khăn về nguồn vốn để DNNVV mở rộng sản xuất – kinh doanh.
Bằng chứng sinh động nhất, theo thống kê hiện nay chỉ có 30% tổng số DNNVV tiếp cận được nguồn vốn qua kênh ngân hàng. Nguyên nhân chính được chỉ ra đó là do hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm quản lý, không đủ tài sản đảm bảo, đã thế báo cáo tài chính không minh bạch đầy đủ.
Về phía ngân hàng, ông Phạm Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm khách hàng doanh nghiệp Thăng Long (thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng – VPbank) cũng đồng quan điểm với những nhận định của các chuyên gia kinh tế.
Đồng thời, kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách việc hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực quản trị để dễ dàng hơn nguồn vốn để mở rộng sản xuất – kinh doanh nhằm trụ vững và phát triển trước làn sóng hội nhập quốc tế, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương (BTA, FTA…) đã và sẽ có hiệu lực.
Còn Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA) cho rằng, hệ thống các ngân hàng cũng đang gặp phải thế khó khi đối diện thực tế đó là nhiều DNNVV không có tài sản đảm bảo, sổ sách kế toán chưa minh bạch, phương án kinh doanh không rõ ràng… thì việc ngân hàng rất thận trọng khi xem xét cho đối tượng DN này vay là điều dễ hiểu.
“Trong khi đó về phía DN, nếu không được rót vốn để thực hiện các phương án kinh doanh mới thì lấy gì “gỡ” lại nợ cũ. Cứ như vậy, DNNVV rơi vào vòng luẩn quẩn, ngân hàng cũng khó làm khác được. Đây là những nguyên nhân có tính cố hữu, khó khắc phục trong thời gian ngắn”- ông Đức cho hay.
Thực tế này, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) – cũng cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhiều, nhưng cần có biện pháp thiết thực hơn để hầu hết các DNNVV có thể tiếp cận được nguồn tài chính.
Để hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, ngoài sự nỗ lực, tự hoàn thiện mình của ngân hàng cũng như các DN, thì vai trò của Chính phủ trong việc hoạch định và hoàn thiện cơ chế, chính sách là rất quan trọng, nếu không nói là yếu tố quyết định.
“Trong khi chờ ngân hàng có sự thay đổi trong cách đánh giá và thẩm định DN, Nhà nước nên thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với chuẩn cho vay riêng để DN có cơ hội tham gia hoặc ngân hàng quốc doanh mua bảo hiểm các khoản cho vay đối với DNNVV.
Ở các nước, quỹ tín dụng vi mô cho cá nhân không cần thế chấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu mô hình này nếu muốn thật sự tháo gỡ khó khăn cho DN” – ông Cung nói.
Tuệ Liên
——————————————————-
Lao động Thủ đô (Tài chính) 08-9-2016:
http://laodongthudo.vn/can-co-giai-phap-go-nut-that-co-che-42000.html
(149/710)