1.020. Có hay không việc “lật lọng” ở ngân hàng SCB?

(TBKD) – Vụ việc khách hàng Trần Thị Thanh Phúc “tố cáo” Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Saigon Commercial Bank – SCB) làm “bốc hơi” 4 tỷ đồng trong tài khoản tiếp tục gây tranh cãi, bởi thông tin từ hai phía có sự mâu thuẫn và phản bác nhau.

Theo phản ánh của bà Trần Thị Thanh Phúc – một khách hàng của SCB, ngày 25/8/2015, bà có gửi hơn 4,2 tỷ đồng tại Phòng giao dịch (PGD) SCB tại số 102 Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội) để chuẩn bị mua nhà. Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra rút tiền thì phát hiện 4 tỷ đồng trong tài khoản “không cánh mà bay”.

Số tiền này đã được thực hiện lệnh ủy nhiệm chi tại PGD Thanh Nhàn của SCB (529 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào ngày 5/10/2015. Phía ngân hàng cho biết, thời gian trên, có 1 người thanh niên đã đến thực hiện lệnh chuyển khoản sang tên Lê Thu Hà.

Ngân hàng nói dối

Theo lãnh đạo SCB, theo quy định, khách hàng phải đến quầy giao dịch của ngân hàng để thực hiện giao dịch, nhưng bà Phúc là khách hàng VIP nên ngân hàng tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy, hoặc có giấy ủy quyền.

Tại thời điểm giao dịch, Giám đốc PGD Thanh Nhàn đã trực tiếp gọi đến số điện thoại bà Phúc đã đăng ký trên hệ thống, phía đầu dây bên kia có xác nhận bị đau chân nên nhờ ngân hàng hỗ trợ.

“Ngân hàng đã kiểm tra chứng minh thư người thanh niên mang ra ngân hàng là thật, ủy nhiệm chi chữ ký thật của bà Phúc, gọi điện xác nhận thật, nên đã tiến hành giao dịch”, ông Lại Quốc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc SCB cho biết.

Tuy nhiên, về phía khách hàng, bà Phúc cho biết: “Tôi là chủ tài khoản, tôi không trực tiếp ra giao dịch và tôi không hề ủy quyền lại cho một người nào khác thay tôi để thực hiện giao dịch chuyển khoản đó… Kể từ ngày 25/8/2015, tôi không thực hiện bất kỳ giao dịch rút, chuyển tiền nào từ tài khoản nêu trên”.

Đặc biệt, bà Phúc nói trước đây chưa bao giờ giao dịch tại PGD Thanh Nhàn của SCB (nơi xảy ra sự việc) cho đến khi phát hiện bị mất tiền. Như vậy, khó có thể coi bà Phúc là khách hàng “lâu năm” hay khách hàng VIP để bỏ qua các trình tự bắt buộc để làm thất thoát một số tiền lớn như vậy của khách hàng.


Một phòng giao dịch của SCB

“Phải chăng đây là cách mà SCB đưa ra nhằm đổ lỗi cho khách hàng của mình sau những sai sót mà chính ngân hàng gây ra?”, bà Phúc đặt câu hỏi.

Mặc dù vụ việc đã diễn ra gần một năm, nhưng phía SCB chỉ cho biết ngân hàng đã đưa vụ việc của nữ khách hàng này tới cơ quan điều tra chờ kết luận.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc C nhận định: “Trong bất cứ trường hợp nào, khi không phải chủ tài khoản tới rút tiền, chuyển khoản, mà lại thực hiện giao dịch thì ngân hàng đã sai”.

Hay khách hàng tận dụng kẽ hở?

Trước những “phản pháo” của khách hàng, đại diện SCB cho biết trên giấy ủy nhiệm chi mà SCB cung cấp thì chữ ký trên giấy ủy nhiệm đều trùng khớp với những thông tin bà Phúc đăng ký trước đó trên hệ thống. Bà Phúc cũng khẳng định đó là chữ ký của bà trong đơn trình báo đầu tiên với ngân hàng và biên bản làm việc vào ngày 20/11/2015.

Như vậy, việc bà Phúc có ký ủy nhiệm chi hay không đến thời điểm này vẫn còn chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một nhân viên ngân hàng cho biết, đối với một giao dịch khách hàng cá nhân, thông thường, khách hàng đến ngân hàng sau đó mới viết và ký ủy nhiệm chi ngay tại quầy giao dịch và phải là chủ tài khoản.

Thế nhưng, tại vụ việc giấy ủy nhiệm chi là do người thanh niên kia chuẩn bị trước từ nhà mang đến, “không có khách hàng cá nhân nào thực hiện giao dịch như vậy cả”, nhân viên ngân hàng này nói. Hơn nữa, chữ ký trên ủy nhiệm chi đó được chính bà Phúc xác nhận là của bà. Phải chăng hành động này là có chủ ý?!

Đáng chú ý, sau khi chuyển tiền, Giám đốc PGD Thanh Nhàn – Lương Thị Hải Định, đã gọi điện thông báo cho bà Phúc hoàn tất việc chuyển tiền và gửi tặng bà 1 mũ bảo hiểm vì đủ tiêu chuẩn nhận quà. Qua điện thoại, bà Phúc có cảm ơn ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Phúc không chấp nhận lời giải thích từ phía ngân hàng và cho rằng SCB làm sai quy định nên phải có trách nhiệm hoàn trả 4 tỷ đồng ngân hàng thực hiện sai quy trình làm thiệt hại cho bà.

Mặc dù phía SCB cho biết đã đưa vụ việc này trình báo tới cơ quan điều tra, nhưng bà Phúc lại cho biết, tới thời điểm hiện tại, bà vẫn chưa nhận được bất kỳ lời mời nào lên làm việc, xác minh vụ việc mất tiền từ bất kỳ cơ quan điều tra nào.

Lời khẳng định này của bà Phúc dường như đang đi ngược lại hoàn toàn với những giấy tờ, tường trình mà phía SCB cung cấp.

SCB đã cung cấp đơn của bà Phúc tố cáo người bạn tên Nguyễn Thị Thanh Hằng tới cơ quan điều tra vì tội lừa đảo vào ngày 20/11/2015, với nội dung, bà Phúc nghi ngờ bà Hằng có liên quan tới vụ việc mất 4 tỷ đồng của mình do thời điểm xảy ra giao dịch bà Phúc bị ốm, bà Hằng là người chăm sóc cũng như giúp đỡ mọi việc.

Thế nhưng mới đây, bà Phúc lại cho biết, bà không làm bất cứ một lá đơn nào có nội dung như trên. Đồng thời, biên bản làm việc ngày 20/11/2015 mà bên SCB cung cấp bà Phúc cũng nói là do SCB soạn ra, có nhiều điểm có lợi cho ngân hàng, không phải là văn bản khách quan.

Bà Hoàng Thu Hà – Giám đốc chi nhánh SCB Hai Bà Trưng, cho biết sau khi vụ việc xảy ra, phía ngân hàng và khách hàng có làm việc với nhau. Trong quá trình làm việc, bà cũng yêu cầu mọi giấy tờ đều viết bằng tay để so sánh với chữ viết của bà Phúc.

Bà Hà cho biết, những lời mà bà Phúc nói là hoàn toàn không chính xác và đang đổ lỗi cho phía ngân hàng, nói những điều có lợi cho bản thân bà Phúc. Bà Hà cũng nhấn mạnh rằng nếu cơ quan điều tra chưa gặp bà Phúc thì làm sao biết được nội dung vụ việc để tiến hành điều tra?

Hiện nay, tại rất nhiều các NHTM, các khách hàng VIP thường được nhân viên ngân hàng “chiều chuộng” đến mức bỏ qua nhiều quy định an toàn, làm tắt các quy trình giao dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất tiền cho ngân hàng nếu khách lật lọng và kiện ngược.

Thùy Linh

———————————————————–

Thời báo Kinh doanh (An sinh) 09-9-2016:

http://thoibaokinhdoanh.vn/An-sinh-37/Co-hay-khong-viec-%E2%80%9Clat-long%E2%80%9D-o-ngan-hang-SCB-26393.html

(43/1.294)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,698