(PL) – Thực hiện tính thuế và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo hướng dẫn của cơ quan thuế, thế nhưng Habeco và Sabeco đều “ngã ngửa” khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào và kiến nghị truy thu thuế với số tiền lên tới hơn 1.247 tỷ đồng do xác định chưa đúng giá tính thuế TTĐB.
Hình minh họa
Điều đáng nói, Bộ Tài chính lại “hướng dẫn” DN thực hiện theo kết luận của KTNN(!?). Theo Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, vụ việc này nếu không được giải quyết “thấu tình đạt lý” sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh…
Thuế hướng dẫn một đằng, kiểm toán truy thu một kiểu
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Rượu bia nước giải khát Việt Nam (VBA), để thực hiện các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính về thuế TTĐB, các DN mà trực tiếp là TCty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có các văn bản gửi các cơ quan thuế để xin hướng dẫn về cách xác định giá tính thuế TTĐB và đã được Cục Thuế TP HCM và Tổng cục Thuế hướng dẫn cách xác định giá để tính thuế TTĐB và từ năm 2007 đến 2015, các DN đã thực hiện theo văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế.
Thế nhưng tại Báo cáo kiểm toán về việc kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của TCty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) (Công văn 118/KTNN-TH ngày 4/2/2015) KTNN đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với Sabeco số tiền là 408.856.000.444 đồng do xác định chưa đúng giá tính thuế TTĐB với lý do “giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của Công ty cổ phần Thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco như Tổng Công ty đang thực hiện”.
Tại Báo cáo kiểm toán về việc kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 của TCty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) (Công văn 91/KTNN-TH ngày 28/1/2016), KTNN đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB từ năm 2012 đến tháng 9/2015 đối với Habeco số tiền là 838.161 triệu đồng, ( trong đó năm 2012 là 189.973 triệu đồng, năm 2013 là 224.418 triệu đồng; năm 2014 là 231.624 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2015 là 192.146 triệu đồng) do xác định chưa đúng giá tính thuế TTĐB với lý do “giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của Công ty bao tiêu sản phẩm, không phải là giá bán ra tại công ty mẹ như Tổng công ty đang thực hiện”.
Trước “án oan” này, cả Sabeco và Habeco đều có văn bản giải trình gửi Bộ Tài chính, KTNN và Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài chính. Nhưng hiện tại, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP HCM vẫn yêu cầu các DN thực hiện theo Kết luận của KTNN.
“Thích” là hồi tố ?
Tại buổi tọa đàm về thuế TTĐB do VCCI và VBA tổ chức chiều 6/9, ông Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, việc hồi tố “vô lối” của các cơ quan nhà nước mang nặng tính áp đặt và cửa quyền. “Không thể có chuyện hôm nay Tổng cục Thuế hướng dẫn DN cách tính thuế và nộp thuế thế này rồi mai thấy kiểm toán nói khác thì lại bắt DN phải nộp thuế được…”- ông Cương phát biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng cách làm của KTNN còn vô lý hơn khi bắt DN phải hồi tố truy thu thuế TTĐB từ năm 2012 – 2015, trong khi, pháp luật về thuế TTĐB và quy định hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/1/2016 (!?). Theo ông, hồi tố thì phải theo hướng có lợi cho DN và quan trọng hơn là hồi tố phải được quy định trong luật chứ không phải “thích là hồi tố”.
“Không thể theo tinh thần, theo quan điểm, theo mong muốn, theo ý chí áp đặt, mà phải theo pháp luật!”. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định trong trường hợp này DN không hề vi phạm pháp luật, kể cả có áp đặt rằng DN lách luật thì cũng không vi phạm pháp luật.
“Luật Ban hành văn bản QPPL đều chỉ cho phép áp dụng lợi, chứ không bao giờ, không có luật nào cho phép áp dụng hồi tố bất lợi cho người chịu tác động. Thậm chí nói căng ra, muốn sửa thì phải sửa luật, chứ nghị định, thông tư mà quy định thì cũng vi hiến: Chỉ luật mới được cấm, được hạn chế quyền của công dân, của DN…”, Luật sư Đức quả quyết.
Được – mất?
Với việc đề nghị truy thu thuế của KTNN, đối tượng chịu thiệt đầu tiên là DN và cổ đông. Thực tế, Cty Carlsberg Breweries A/S, hiện là cổ đông chiến lược, sở hữu hơn 17% vốn điều lệ của Habeco đã có văn bản gửi KTNN và Tổng cục Thuế nêu ý kiến và kiến nghị về cách hiểu và áp dụng luật liên quan đến thuế TTĐB đối với sản phẩm Bia Hà Nội.
Tuy nhiên đi sâu về vấn đề quyền lợi thì Nhà nước lại chính là đối tượng phải chịu thiệt lớn nhất, bởi hiện Nhà nước đang nắm 82% vốn tại Habeco và 89% vốn tại Sabeco. Nói như Luật sư Trương Thanh Đức , nếu truy thu thuế, Nhà nước chỉ bỏ từ túi nọ sang túi kia.
Hơn nữa, theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, 2 “đại gia” bia này sẽ phải bán hết phần vốn trong năm nay hoặc muộn nhất là năm sau. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, với một quyết định truy thu thuế khó hiểu như vậy, chắc chắn việc bán phần vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco trên sẽ phải chịu thiệt hại lớn hơn gấp nhiều lần số thuế truy thu.
Không chỉ có vậy, theo luật sư Đức, nếu các cơ quan cứ cố tình ép thu thuế của DN như vậy thì vấn đề còn là sự mất lòng tin của hơn nửa triệu DN.
Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhắc lại nỗi sợ lớn nhất của DN là tính tiên liệu và vụ việc này nếu không giải quyết “thấu tình đạt lý” thì sẽ ảnh hưởng rất xấu đến môi trường kinh doanh. Theo ông, các nhà đầu tư luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tính thống nhất của pháp luật và những rủi ro chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước. “Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cứ để xảy ra tình trạng tiền hậu bất nhất của các cơ quan nhà nước…”- Trưởng ban Pháp chế VCCI lo ngại.
Thanh Thanh
———————
Pháp luật VN (Chính sách) 10-9-2016:
(240/1.311)