1.026. SCIC và những câu hỏi lớn – Bài 1

(TBNH) – “Nhà báo phải tìm hiểu xem SCIC có làm đúng với pháp luật không, đúng với điều lệ công ty không, đúng với quyền hạn và trách nhiệm không?”, một vị chuyên gia có uy tín – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đã nói vậy với Phóng viên Thời báo Ngân hàng. 

Ảnh minh họa

Hợp pháp nhưng chưa hợp lý

Là một DNNN quá đặc thù lại nắm trong tay nguồn lực lớn của Nhà nước nên hoạt động và hiệu quả của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) luôn là tâm điểm của dư luận với những khía cạnh và quan điểm khác nhau.

Đơn cử có những ý kiến không đồng tình khi SCIC đã chiểu theo cơ chế quản lý công chức nhà nước về tuổi lao động nên không đề cử những người có năng lực có kinh nghiệm vốn đang là lãnh đạo của DN đó làm đại diện vốn tại DN, ứng cử vào HĐQT của DN.

“Thay thế người đại diện khác, đó là điều đáng tiếc, song buộc phải tuân theo vì đó là quy định”, ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu. Bởi theo Nghị định 106/2015/NĐ-CP, người đại diện vốn Nhà nước, lãnh đạo DNNN áp dụng quy chế như các công chức, viên chức Nhà nước về tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu.

“Những trường hợp như chị Vũ Thị Thuận tại Traphaco hay chị Phạm Thị Việt Nga tại Dược Hậu Giang đều đã đến tuổi nghỉ hưu nên chúng tôi không đề cử họ đại diện vốn tại DN. Nhưng SCIC cũng tuân thủ quy chế bầu, theo điều lệ công ty, SCIC cũng là cổ đông bỏ phiếu bầu theo quy chế. Như trường hợp chị Thuận có số phiếu cao vào HĐQT Traphaco, SCIC không có ý kiến gì”, ông Nguyễn Đức Chi giải thích.

“SCIC không đề cử là đúng luật, không sai. Đứng về nguyên lý thì việc SCIC là chủ sở hữu hay đại diện sở hữu và khi giữ cổ phần chi phối ở DN thì được quyền định đoạt nhân sự của DN. Thứ hai lãnh đạo DNNN cũng như tôi, là một công chức Nhà nước đến tuổi thì nghỉ hưu”. Vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến khác. “Hành động của SCIC là hợp pháp nhưng chưa thật hợp lý trong nhiều trường hợp với mục đích thu hút người có năng lực nhất để quản lý và phát triển có hiệu quả phần vốn Nhà nước tại DN”, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN – Văn phòng Chính phủ cho biết.

Theo ông, để đạt được sự hợp lý thì phải có cơ chế linh hoạt để thu hút người giỏi vào quản lý phần vốn nhà nước và DNNN. Họ là những doanh nhân, không nên quản lý họ hoàn toàn như quản lý công chức Nhà nước. Thế nhưng đáng tiếc là SCIC chưa có cơ chế để sử dụng những người tuy quá tuổi lao động nhưng họ giỏi, có năng lực và chưa thể thuê người giỏi người có năng lực khác cùng cán bộ của SCIC quản lý vốn Nhà nước.

“Công chức, viên chức Nhà nước đến tuổi nghỉ hưu thì phải cho nghỉ, vì pháp luật không có quy định cho phép kéo dài trong trường hợp này. Nếu muốn kéo dài thì chỉ có hai cách: Thứ nhất là ký hợp đồng lao động thêm như thuê lao động bên ngoài và giao cho nhiệm vụ tham gia việc quản lý vốn cổ phần. Thứ hai là dùng lá phiếu của mình để bầu họ tiếp tục làm thành viên HĐQT như bất kỳ thành viên nào khác, với sự tin tưởng rằng sẽ làm tốt cho công ty nói chung và cho cổ đông là chính mình nói riêng”, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI hiến kế.

Tốt hay không để thị trường phán xét

Một bức xúc nữa hướng vào SCIC đó là tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của một số DN lớn, SCIC đã bỏ phiếu phủ quyết một số nội dung, đề xuất thay đổi một số nội dung như chia cổ tức; có những trường hợp SCIC không đồng ý cho DN tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu…

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “SCIC có quyền biểu quyết như thế, miễn là không làm gì sai trái, còn việc có tốt hay không thì để thị trường và “hậu thế” phán xét. Quan trọng nhất SCIC là “thủ môn”, chứ không phải “tiền đạo”, nên nhiệm vụ sống còn của SCIC là giữ gôn, tức là làm sao cho không mất, không giảm quyền của nhà nước tại DN”.

“Tôi khẳng định SCIC đã tối đa áp dụng nguyên tắc thị trường”, ông Nguyễn Đức Chi – khẳng định và cho biết: “Đã là kinh doanh mà lại là kinh doanh vốn thì phải theo nguyên tắc thị trường nhưng là vốn nhà nước thì phải đặt nguyên tắc gia tăng và bảo toàn đồng vốn đó lên trên hết trước mỗi quyết định bán – giữ – đầu tư thêm”.

Quả vậy, nhiều ý kiến cho rằng SCIC là DN đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư vốn sản xuất kinh doanh, nên thời điểm phát hành cổ phiếu thế nào, phát hành bao nhiêu… phải căn cứ trên hiệu quả, lợi ích của DN và phải đảm bảo được lợi ích của Nhà nước. Nếu thời điểm đó thị trường chứng khoán xuống quá thấp, việc huy động vốn bằng cách bán cổ phần, thoái vốn… là không nên. Vì thế, việc can thiệp của SCIC trong những trường hợp như vậy là đúng để bảo toàn vốn Nhà nước.

SCIC hiện có vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chưa đạt mức đó. Đến thời điểm này, SCIC chỉ còn quản lý khoảng gần 200 khoản đầu tư, với tổng giá vốn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Có những DN do SCIC nắm giữ chi phối, nhưng có những DN nắm tỷ lệ thấp dưới 10%, 20%, 30%.

“Xung đột lợi ích và mục tiêu là điều khó tránh giữa các cổ đông. SCIC  đang hướng đến lợi ích dài hạn, muốn DN đầu tư sâu hơn. Nhưng nhiều cổ động chỉ nhìn vào mục tiêu ngắn hạn muốn cổ tức cao – nhất là các quỹ đầu tư tài chính, họ chỉ mong sau 2 năm đầu tư, DN có lãi chia cổ tức cao là họ bán cổ phần và đóng quỹ”, ông Chi giải thích.

SCIC đang thực hiện chiến lược đầu tư, ở một số DN sẽ đầu tư thêm nhưng cũng sẽ thoái vốn ở một số DN… “nhưng bất cứ ở trường hợp nào khi SCIC còn giữ vốn thì SCIC sẽ thúc đẩy hoạt động của DN cho hiệu quả nhất, tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, quy định về quản lý vốn Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của cổ đông Nhà nước”, ông Chi nhấn mạnh.

“Chúng tôi đều thống nhất một quan điểm rằng, luôn cố gắng kéo gần lợi ích cổ đông Nhà nước với các cổ đông nhất có thể, tạo sự đồng thuận. Nhưng nếu khi không có sự đồng thuận thì pháp luật quy định thế nào thì ứng xử đúng như thế với tinh thần đảm bảo quyền lợi Nhà nước, hài hòa và đồng hành cùng DN, để DN có thể hoạt động hiệu quả nhất”, ông Lê Song Lai –  Phó Tổng Giám đốc SCIC khẳng định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng có những điều mà SCIC phải rút kinh nghiệm, đó là sự trao đổi và phối hợp chia sẻ với các cổ đông trong các vấn đề để họ hiểu rõ và nắm được quan điểm của SCIC hơn.

Vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng SCIC đã làm đúng luật, đúng quyền hạn được quy định và đúng trách nhiệm được giao. “Muốn phê phán phải chỉ ra họ có làm đúng quyền hạn của họ không”, ông nhắc nhở và cũng đặt câu hỏi, làm đúng nhưng hiệu quả mang lại có cao không – điều này còn phụ thuộc và năng lực nhân sự của SCIC.

Tri Nhân

————————————-

SCIC và những câu hỏi lớn – Bài 2

Phải xét xem vấn đề nào thuộc về SCIC vấn đề nào không thuộc về nó, vấn đề nào trong tầm tay trong quyền hạn, vấn đề nào SCIC chưa làm được do việc đó vượt tầm SCIC. 

Ảnh minh họa

11,8 tỷ đồng/năm tiền thù lao cho người đại diện được SCIC tiêu thế nào?

SCIC đang có 230 người làm đại diện vốn nhà nước tại các DN với các chức danh thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát. Năm 2015, khoản thù lao các DN trả cho 230 người này là 11,8 tỷ đồng; trong đó thù lao cho lãnh đạo SCIC kiêm nhiệm thành viên HĐQT các DN là 3,2 tỷ đồng.

Không giấu giếm, Lê Song Lai – Phó Tổng Giám đốc SCIC kể: “Riêng tôi, tôi là đại diện phần vốn Nhà nước ở nhiều DN. Những khoản thù lao trả cho tôi từ Vinamilk năm 2014 là 770 triệu đồng, FPT 20 triệu đồng/tháng, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh là 5 triệu đồng/tháng, Vinare 15 triệu đồng/tháng… Nhưng tất cả các khoản thù lao này tôi không được nhận mà được chuyển vào tài khoản quỹ chung của SCIC”.

Nghị định 91/NĐ-CP/2015 về quản lý vốn Nhà nước và quy chế của SCIC quy định rõ, tất cả các loại thù lao và lợi ích vật chất mà DN trả cho người đại diện vốn Nhà nước tại các DN là cán bộ của SCIC kiêm nhiệm đều phải chuyển vào tài khoản của SCIC.

Việc chi tiêu số tiền này được quy định tại quy chế tài chính của SCIC, và phải được trích lập các quỹ theo quy định. Cũng không có kẽ hở cho việc DN trả nhiều, chuyển vào tài khoản quy định ở SCIC ít, vì hàng năm, SCIC đều có văn bản gửi các DN đề nghị cung cấp số tiền thù lao DN trả và tra soát khớp lại số tiền chuyển về tài khoản trên làm cơ sở đối chiếu.

SCIC từ thất vọng đến kỳ vọng

“Kỳ vọng của Chính phủ vào SCIC khi thành lập Tổng công ty này là rất lớn, nhưng thực tế hoạt động của SCIC lại khiến không ít người thất vọng, trong đó có cả những ĐBQH như tôi”, ông Bùi Đức Thụ – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã trả lời báo chí như vậy. Thất vọng vì chưa thấy SCIC có nhiều thương vụ đầu tư lớn mang tầm “nhà đầu tư Nhà nước”.

“Nhưng nếu xét nguyên nhân chủ quan thì cũng có thể hiểu được. Hiện cơ chế thoái vốn của chúng ta còn nặng về hành chính hoá, quyền tự chủ cho SCIC chưa thoả đáng. Chưa kể quy mô quản lý vốn Nhà nước giao cho SCIC còn nhỏ – chỉ 3%, còn số vốn lớn vẫn nằm trong tay các tổng công ty, tập đoàn lớn… khiến kết quả hoạt động của SCIC không như kỳ vọng”, ông Thụ nói.

Hơn nữa với số lượng DN đã tiếp nhận và số vốn SCIC đang quản lý và kinh doanh đang quá nhiều so với nguồn nhân lực của SCIC.

Thành lập năm 2006, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 8.850 tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận, SCIC đã tái cấu trúc DN và áp dụng các biện pháp quản trị hiện đại vào DN.  SCIC tham gia quyết định các phương án kinh doanh của DN, đầu tư thêm vốn vào các DN kinh doanh có hiệu quả, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn Nhà nước, tăng nguồn thu cổ tức cho ngân sách Nhà nước.

Đến 31/12/2015, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu, bán vốn thành công tại 851 DN, bán quyền mua tại 19 DN, thu về cho Nhà nước hơn 10.800 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 6.200 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giá vốn. Danh mục DN của SCIC giảm về số lượng nhưng tổng giá trị vốn nhà nước do SCIC quản lý không ngừng gia tăng do vốn nhà nước được tái cơ cấu, không dàn trải.

“Chúng tôi tiếp tục rà soát, xem xét tổng thể, để tiếp tục củng cố, nâng cao quản trị, sản xuất kinh doanh của DN để nâng cao giá trị, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra”, ông Lê Song Lai nói.

Đầu tư mang tầm “nhà đầu tư nhà nước” – bao giờ?

Danh mục vốn tiếp nhận và đầu tư SCIC đang quản lý hiện có gần 200 khoản với tổng giá vốn theo sổ sách kế toán khoảng 19.000 tỷ đồng (không bao gồm đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ), giá thị trường ước đạt gần 94.000 tỷ đồng, gấp hơn 4,9 lần so với giá vốn sổ sách kế toán. Vốn chủ sở hữu của SCIC đạt khoảng 35.000 tỷ đồng. Tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước giai đoạn 2006-2015 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng.

“Với vai trò cổ đông tại DN, SCIC đã giúp đem lại các giá trị gia tăng và sự ổn định một cách bền vững cho DN. Thực tế đã chỉ rõ hầu hết các DN sau khi chuyển giao về SCIC đều đạt tốc độ tăng trưởng khá”, ông Lai cho biết.

So với thời điểm tiếp nhận, đa số các DN có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khoảng 50 DN lớn (chiếm 90% giá trị danh mục của SCIC) vào khoảng 20%, trong đó có những DN có ROE cao như: CTCP Sữa Việt Nam (32%), CTCP Dược Hậu Giang (23%), CTCP Nhựa Bình Minh (22%),CTCP FPT (21%)…

Trả lời câu hỏi, vì sao chưa thấy có vụ đầu tư đình đám nào của SCIC, ông Nguyễn Đức Chi cho biết, SCIC đang nghiên cứu chiến lược đầu tư để có những thương vụ đầu tư tương xứng nhưng mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo hiệu quả vốn nhà nước.

Một ví dụ là SCIC đã cùng các cổ đông khác đầu tư vào CTCP Cảng Vũng Áng – Việt Lào và SCIC chiếm 27% vốn. Nhưng muốn đầu tư lớn, đầu tư mới mà phải đảm bảo đầu tư nào cũng có lãi là việc thực sự khó và lại càng khó với vốn của Nhà nước.

“Quả thực anh em cán bộ trong SCIC vẫn có tâm lý “ngại” trách nhiệm. Trong 3 dự án, 2 dự án có lãi mà 1 dự án lỗ thì cũng có thể có rủi ro với cá nhân ngay”, ông Chi chia sẻ.

Hiện đầu tư chính của SCIC là đi mua cổ phần của các DN mà SCIC thấy sẽ có hiệu quả, chưa đầu tư mới vì nguồn lực có hạn. Hơn nữa nếu đầu tư mới mà bằng cách thành lập DN mới, đầu tư dự án mới … phải suy tính thật kỹ. Và có lẽ hiệu quả hơn là khi SCIC nhìn thấy cơ hội đầu tư, thay vì lập DN mới thì đầu tư vào cơ hội đó bằng DN hiện hữu mà SCIC có vốn trong đó.

“Nếu mạnh dạn đầu tư không may thua lỗ thì gay – vốn Nhà nước trong khi nếu đầu tư có lãi thì gần như cũng chẳng hơn được gì. Điển hình là thù lao của người đại diện tham giá HĐQT ở DN hoạt động tốt và người đại diện có vất vả bao nhiêu cũng bằng chỗ DN làm ăn tệ hại. Nhiệm vụ lớn, kỳ vọng nhiều nhưng cơ chế đặt cho SCIC lại đang không khuyến khích sáng tạo”, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI chỉ ra.

Vị thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng rất chia sẻ trước trách nhiệm và đòi hỏi của dư luận đối với SCIC. Ông nói: “SCIC là DNNN, cán bộ SCIC là công chức Nhà nước, một phía quy định họ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép nhưng một phía lại đòi hỏi phải sáng tạo… rất khó”.

Theo ông phải xét xem cái gì thuộc về SCIC cái gì không thuộc về nó, vấn đề nào trong tầm tay trong quyền hạn, vấn đề nào SCIC chưa làm được do việc đó vượt tầm SCIC.

Vị chuyên gia bật mí, SCIC đang có một kế hoạch cải tổ, và kế hoạch này sẽ mang lại sự thay đổi lớn. “Hãy để họ làm rồi hãy phán xét”, ông nói và cho biết thêm: “Tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay, SCIC chưa thể đạt được kỳ vọng, chưa thể bứt lên được. Nếu Nhà nước thật sự muốn SCIC khá lên được thì phải cải tổ, phải có những cải cách mạnh mẽ, trước hết là về tư duy thứ hai là cơ chế”.

Tri Nhân

————–

Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 02-4-2016:

http://thoibaonganhang.vn/scic-va-nhung-cau-hoi-lon-bai-1-47021.html

(365/3.019)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,738