(CP) – Đang có những tín hiệu đáng mừng trong “cuộc chiến” nhằm chặn đứng “giấy phép con”, khi nhiều bộ ngành đã xác định rõ ràng về thẩm quyền của mình. Những cơ quan được giao nhiệm vụ “gác cổng” cũng đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát quyết liệt hơn.
Từ 1/7/2016, theo quy định của Luật Đầu tư, toàn bộ các quy định về điều kiện kinh doanh tại các văn bản dưới cấp Nghị định sẽ không còn hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang trong lĩnh vực này.
“Cải cách lớn nhất có thể bị vô hiệu hóa”
Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ, Bộ KHĐT đã lưu ý tình trạng một số Bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh. Báo cáo của Bộ nhắc đích danh 4 bộ với hàng loạt văn bản.
Trong khi đó, các bộ ngành lại chưa chú ý nhiều tới nhiệm vụ được Chính phủ yêu cầu tại Nghị quyết số 59/NQ-CP là “rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung”. Vì vậy, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh về cơ bản chưa có cải thiện so với trước.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, thì điều kiện kinh doanh vẫn là vướng mắc lớn nhất trong việc thi hành 2 luật.
“Kinh doanh vàng tài khoản (sàn vàng) không có trong danh mục cấm cũng như kinh doanh có điều kiện thì có được tự do kinh doanh không? Hoặc dự thảo nghị định quy định về các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ hòa giải thương mại đang trình Chính phủ, nhưng ngành nghề này lại không có trong số 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?”, Luật sư đặt vấn đề.
Cũng theo ông Trương Thanh Đức, còn có hàng trăm thông tư của các Bộ ngành cụ thể hóa điều kiện kinh doanh, nhưng chính là đặt ra điều kiện kinh doanh, thì xử lý thế nào? Tương tự, hàng chục Thông tư của NHNN hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng phải chuyển thành Nghị định hay xử lý thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng là thành viên Tổ công tác nói trên, lo ngại về thực trạng nhiều Bộ ngành khi xây dựng các luật trình Quốc hội đã đưa vào quy định giao Bộ trực tiếp ban hành điều kiện kinh doanh.
“Điều này đã đành không phù hợp với tinh thần Luật Đầu tư. Nhưng về nguyên tắc quản trị nhà nước cũng không ổn, vì Quốc hội chỉ nên giao quyền cho Chính phủ, không nên giao trực tiếp cho các Bộ trưởng”, ông Nguyễn Đình Cung đưa quan điểm.
TS Nguyễn Đình Cung lo ngại rằng nếu không có giải pháp hiệu quả, thì “cải cách lớn nhất của Luật Đầu tư, với mục tiêu kiểm soát các điều kiện kinh doanh, có thể bị vô hiệu hóa”.
Trong khi đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương trong vấn đề này. Mới đây nhất, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2016, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ “chấm dứt ngay việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, rà soát và sửa đổi các quy định không phù hợp”.
Nhiều Bộ ngành vào cuộc
Đáng mừng là trước thời điểm 1/7/2016, nhiều cơ quan đã nhận thức được rõ ràng thẩm quyền cũng như trách nhiệm của mình. Trong một động thái ít được chú ý nhưng lại mang ý nghĩa lớn, hàng loạt bộ ngành đang xây dựng các dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết hiện có tới 36 thông tư của Bộ quy định về các điều kiện kinh doanh, tức là từ 1/7 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khối lượng công việc lớn, Bộ kiến nghị xây dựng một Nghị định duy nhất với quy trình rút gọn để có thể sửa đổi, bổ sung toàn bộ các quy định trong các thông tư này.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã chủ động xây dựng hàng loạt dự thảo Nghị định, gồm dự thảo quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dự thảo về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, dự thảo về điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, dự thảo về điều kiện thực hiện và kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV, và dự thảo về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc xây dựng các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh đang bị chậm và gặp nhiều vướng mắc. Bộ sẽ làm việc cụ thể với các bộ liên quan như Bộ Công Thương, nhằm xây dựng một hệ thống các điều kiện kinh doanh vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, NHNN Việt Nam cũng đang dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ…
Theo các chuyên gia, việc các Bộ chủ động xây dựng nghị định quy định điều kiện kinh doanh, với quy trình xây dựng, lấy ý kiến chặt chẽ hơn các thông tư, là điểm tích cực, cho thấy nhiều Bộ đã nhận thức được thẩm quyền của mình theo Luật Đầu tư.
“Gác cổng” chặt chẽ hơn
Cùng với động thái nói trên từ các bộ quản lý chuyên ngành, những cơ quan được giao nhiệm vụ “gác cổng” các quy định về điều kiện kinh doanh cũng đang vào cuộc quyết liệt hơn.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, lãnh đạo Bộ KHĐT, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu khi cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra… mọi văn bản liên quan đến điều kiện kinh doanh thì phải được sự thống nhất ý kiến của tất cả các vụ, cơ quan trực thuộc, để kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh trước khi thông qua.
“Như tại Bộ KHĐT thì ngoài các vụ chuyên ngành, phải có ý kiến của Vụ Pháp chế và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Phải luôn đặt câu hỏi về tính hợp pháp, tính cần thiết, tính hợp lý để gác cổng về điều kiện kinh doanh”, ông Cung nói và bày tỏ hi vọng Bộ Tư pháp cũng sẽ có động thái quyết liệt tương tự.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. “Thời gian qua có không ít điều kiện kinh doanh được các bộ ngành, địa phương đặt ra trái thẩm quyền. Mà nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuân thủ, không có phản ứng gì, không ai nói rằng các văn bản đó không có hiệu lực thi hành. Trong một nhà nước pháp quyền thì mọi người phải tập trung giám sát các cơ quan nhà nước. Với những quy định như vậy thì cộng đồng doanh nghiệp phải là người đầu tiên đứng lên thể hiện quan tâm và sự giám sát”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Hà Chính
————–
Chính phủ (Chính sách & Cuộc sống) 04-4-2016:
http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Cuoc-chien-chan-giay-phep-con-sang-giai-doan-moi/251227.vgp
(174/1.365)