1.029. Ngân hàng đòi nợ thế nào cho đúng luật

(ĐT) – Tuần qua, dư luận xôn xao khi một ngân hàng cử nhân viên đến phong tỏa tài sản của doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là, ngân hàng đòi nợ như vậy có đúng luật?

Ly kỳ chuyện đòi nợ

Ngày 21/9, hàng chục nhân viên của Công ty bảo vệ ABBA (công ty con của Ngân hàng ABBank) đã tiến hành niêm phong tài sản của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hiếu (Bạc Liêu), sau khi giám đốc của doanh nghiệp này bị bắt giữ để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bạc Liêu.

Phía ABBank cho hay, Công ty Minh Hiếu đã vay một khoản tiền lớn của ABBank, nhưng nhiều năm không trả. Bên cạnh đó, Công ty còn cố tình vi phạm, không bàn giao các tài sản đã thế chấp cho Ngân hàng theo hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký. Do vậy, Ngân hàng buộc phải thực hiện các điều khoản của hợp đồng, phối hợp với các cơ quan chức năng, phong tỏa tài sản để bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của mình.

Không chỉ ABBank, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng bó tay, bất lực trước sự chây ỳ của con nợ, nên buộc phải sử dụng các biện pháp mạnh để đòi nợ.

Ngân hàng có đòi nợ đúng cách?

Hiện nay, ngân hàng than trời vì nhiều con nợ chây ỳ không chịu trả nợ. Thế nhưng, nếu ngân hàng đòi nợ theo kiểu “cưỡng ép”, lại gây ra cái nhìn phản cảm trong xã hội. Nhiều ngân hàng sau khi cử nhân viên đòi nợ đến niêm phong tài sản, còn bị con nợ kiện ngược. Vậy ngân hàng đòi nợ theo cách trên có đúng luật?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, ngân hàng ông đã từng áp dụng cách đòi nợ như trên với các con nợ chây ỳ. Việc đòi nợ như vậy là hợp pháp, căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP và hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Cụ thể, Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định, tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bên cạnh đó, bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này. “Nếu hết thời hạn ấn định mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản, thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết”.

Ngoài ra, trong hợp đồng thế chấp tài sản, khách hàng thường phải cam kết nếu không trả nợ đúng hạn thì sẽ phải bàn giao tài sản cho ngân hàng.

Mặc dù quy định đã rõ, song thực tế, việc các tổ chức tín dụng “bắt nợ”, thu giữ tài sản, thường bị con nợ chống đối quyết liệt, thậm chí còn bị dư luận lên án.

Liên quan vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp đã được quy định rõ trong pháp luật. “Công chúng và người có nghĩa vụ phản ứng là do nhiều khi chưa hiểu rõ quy định của pháp luật về quyền của chủ nợ có bảo đảm. Hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm là một hoạt động hợp pháp, được pháp luật cho phép, nhưng lại thường trái ý muốn của chủ sở hữu và người nắm giữ tài sản bảo đảm. Do đó, trên thực tế, có thể xảy ra nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng không nhận được sự đồng tình, hợp tác, thậm chí còn bị chống đối, phản ứng dữ dội của người đang giữ tài sản bảo đảm”.

Được biết, Nghị định 163/2006/NĐ-CP cũng quy định rõ, trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm (con nợ) có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm (ở đây là ngân hàng) có quyền yêu cầu UBND dân xã, phường, thị trấn và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn  trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, trên thực tế, do yếu tố nhạy cảm mà việc đòi nợ của các ngân hàng vẫn hết sức khó khăn.

Trần Mạnh

——————————————-

Đầu tư (Ngân hàng) 26-9-2016:

http://baodautu.vn/ngan-hang-doi-no-the-nao-cho-dung-luat-d51975.html

(145/883)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,982